Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án kết nối vùng, mang đến đột phá về hạ tầng cũng như phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế đặc thù khiến việc bố trí vốn không dễ, cần sớm được tháo gỡ.
Vốn ngân sách chiếm hơn một nửa
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết Chính phủ vừa giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ trì phối hợp với các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCM, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, kịp thời trình Quốc hội vào kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, UBND TP.HCM đã khẩn trương phối hợp với 4 tỉnh còn lại tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể và các dự án thành phần để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Tại cuộc họp với các địa phương vào giữa tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án Vành đai 4.
Với vai trò “nhạc trưởng”, TP.HCM đã cùng các địa phương thực hiện nhiều công việc cấp bách, đề xuất về cơ chế, chính sách, thậm chí sẵn sàng nhận một phần đoạn tuyến qua Long An đã cho thấy sự quyết tâm, trách nhiệm của TP.HCM trong việc thực hiện siêu dự án liên vùng này.
Dù dự án được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, nhưng để đảm bảo khả thi, Nhà nước sẽ tham gia vốn ở một tỉ lệ nhất định.
Trong dự thảo nghiên cứu tiền khả thi, các địa phương đề xuất phương án nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm 55,4% (tương đương 75.667 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 42.053 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 33.614 tỷ đồng). Vốn BOT chiếm 44,6% (tương đương 60.926 tỷ đồng).
Giai đoạn 2021-2025, sẽ cần khoảng 16.035 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến ngân sách Trung ương khoảng 7.469 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 8.566 tỷ đồng (ngân sách TP.HCM khoảng 2.400 tỷ đồng).
Giai đoạn 2026-2030, cần khoảng 59.632 tỷ đồng, dự kiến ngân sách Trung ương khoảng 34.584 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 25.048 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP.HCM khoảng 8.071 tỷ đồng).
Cần cơ chế đặc thù
Ông Trần Quang Lâm cho hay, hiện dự án Vành đai 4 đang đối mặt với khá nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối nguồn vốn ngân sách của các địa phương. Do đó, thời gian tới rất cần có những “cú hích” về cơ chế để tháo gỡ vướng mắc triển khai dự án.
“Ngoài TP.HCM có thể tự cân đối, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đang đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% các tỉnh tham gia dự án. Riêng Long An đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%”, ông Lâm nói.
Tổng chiều dài đoạn qua Long An khoảng 78,3km, điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (ranh giới huyện Củ Chi, TP.HCM và huyện Đức Hòa, Long An), điểm cuối tuyến nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tỉnh Long An là 63.967 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Long An đã nhiều lần bày tỏ lo ngại khi nguồn vốn ngân sách địa phương khó sắp xếp được.
Cũng theo ông Lâm, với TP.HCM, dù có nguồn lực về tài chính nhưng chưa có cơ chế cho địa phương này được sử dụng nguồn vốn ngân sách để thực hiện đầu tư dự án Vành đai 4. Ngoài ra, hiện cũng chưa có cơ chế sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ địa phương khác.
Đề xuất hai phương án
Rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 4 Hà Nội, nếu thực hiện dự án thành phần quá lớn sẽ rất khó trong thi công lẫn khai thác, tại cuộc họp mới đây, các địa phương đã đề xuất 2 phương án.
Thứ nhất, chia đoạn qua Long An thành hai dự án thành phần. Đoạn một từ kênh Thầy Cai (thuộc ranh huyện Củ Chi, TP.HCM và huyện Đức Hòa, Long An) đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương; đoạn hai từ cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến điểm cuối kết nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Việc chia thành hai dự án sẽ có tính khả thi hơn trong việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP và bố trí ngân sách địa phương.
Phương án thứ hai là cắt bớt một phần dự án thành phần tỉnh Long An cho TP.HCM. Phương án này sẽ giúp TP.HCM chủ động trong việc bố trí ngân sách để thực hiện dự án, chia bớt khó khăn cho Long An.
Ủng hộ phương án chia bớt cho TP.HCM thực hiện, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An nói: “TP.HCM có thể lựa chọn đoạn tuyến để thực hiện, phần còn lại tỉnh Long An sẽ đảm nhận”.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc này cần được đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ, đảm bảo khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ cũng như thuận lợi khi khai thác sau này. Điều này cũng sẽ giúp dự án đi qua địa bàn Long An thêm phần khả thi, triển khai song hành cùng với các tỉnh khác.
Tổng mức đầu tư gần 137.000 tỷ
Theo quy hoạch, Vành đai 4 TP.HCM có quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến với bề rộng 3m. Có 21 nút giao liên thông trên tuyến. Ngoài ra, dự án sẽ đầu tư xây dựng đường song hành, đường dân sinh hai bên tuyến theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương (đoạn đi qua khu đô thị, khu dân cư…). Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 136.948 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 49.902 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách địa phương khoảng 37.028 tỷ đồng).
Trong báo cáo tiền khả thi, các địa phương thống nhất đề xuất một số cơ chế đặc thù. Cụ thể, đề xuất cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ Ngân sách Trung ương); cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, cầu nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là cơ chế đã được vận dụng khi thực hiện dự án Vành đai 3.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-cu-hich-co-che-lam-vanh-dai-4-tphcm-192241105102930822.htm