Năm 2025, gần 20 trường ĐH sẽ sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH do Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) cung cấp ngân hàng câu hỏi thi.
Chiều nay (6.11), Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức thi và sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH V-SAT năm 2025 với gần 20 trường ĐH.
Mở rộng số trường ĐH xét tuyển kỳ thi V-SAT
Theo đó, Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục là đơn vị cung cấp ngân hàng câu hỏi thi, phần mềm tổ chức và phối hợp hỗ trợ các trường ĐH tổ chức. Đến thời điểm hiện tại, dự kiến 18 đơn vị đào tạo ĐH ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức thi và sử dụng chung kết quả kỳ thi V-SAT cho năm tuyển sinh 2025.
Cụ thể, 2 ĐH gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Duy Tân. Các trường ĐH và học viện khác gồm: Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Tài chính-Markeing, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Học viện Ngân hàng.
Ông Hà Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT), cho biết năm 2023 kỳ thi này được tổ chức lần đầu tiên tại Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Năm 2024, có 5 trường tổ chức thi và 10 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Sau 2 năm tổ chức, kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu của bài thi chuẩn hóa và kỳ thi chuẩn hóa khi các trường triển khai kỳ thi trên cùng 1 ngân hàng đề thi được đảm bảo độ tin cậy. Năm 2025, kỳ thi V-SAT dự kiến được mở rộng sử dụng để tuyển sinh cho nhiều trường ĐH.
Bài thi V-SAT năm 2025 có gì mới?
Tại buổi làm việc, ông Hà Xuân Thành chia sẻ thông tin mới nhất liên quan đến nội dung thi, cấu trúc định dạng đề thi, hình thức thi của bài thi V-SAT cho năm 2025. Theo đó, bài thi có những điều chỉnh phù hợp hơn với hướng đánh giá năng lực của học sinh THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bài thi V-SAT được thiết kế để đánh giá năng lực của thí sinh nhằm mục đích tuyển sinh ĐH. Ban đầu, bài thi bao gồm 7 môn thi tương ứng 7 môn học: toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh được tổ chức thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Từ năm 2025, bài thi sẽ có thêm môn ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính. Thí sinh có thể lựa chọn ít nhất 1/8 môn thi tùy thuộc vào nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của đơn vị tuyển sinh.
Bài thi được tổ chức theo hình thức thi trên máy tính trong thời gian 90 phút với bài thi môn toán và ngữ văn và 60 phút các môn còn lại. 4 dạng thức câu hỏi trong đề thi gồm: Câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai; câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp; câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn hoặc viết luận.
Đối với dạng thức câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, mỗi câu gồm 4 tiểu mục câu hỏi. Nếu trả lời chính xác 1/4 tiểu mục câu hỏi được 1 điểm, trả lời chính xác 2/4 tiểu mục câu hỏi được 2 điểm, trả lời chính xác 3/4 tiểu mục câu hỏi được 3 điểm, trả lời chính xác 4/4 tiểu mục câu hỏi được 6 điểm.
Với câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn, mỗi câu trả lời chính xác được 6 điểm. Dạng thức câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp, mỗi câu gồm 4 tiểu mục câu hỏi, trả lời chính xác được 6 điểm. Còn dạng câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn, mỗi câu trả lời chính xác được 6 điểm. Riêng bài viết luận môn ngữ văn thực hiện theo hướng dẫn chấm và đáp án chấm, điểm tối đa là 30/150 điểm.
Tại buổi làm việc, đại diện các trường cũng đưa ra nhiều đề xuất góp ý trong công tác tổ chức thi và sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT trong tuyển sinh ĐH năm 2025.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tuyen-sinh-2025-diem-moi-can-luu-y-trong-bai-thi-v-sat-de-khong-mat-diem-185241106184210722.htm