Kinhtedothi – Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà, các cơ sở công lập gặp khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, nhưng các cơ sở y tế ngoài công lập vẫn đảm bảo đủ thuốc, thiết bị…
Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Khó kiểm soát chất lượng, giá cả khi người dân phải mua thuốc bên ngoài
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, về quy định tại Khoản 2 Điều 55, cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện do giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động. Về giá thuốc mua vào, Nghị định 155/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương trong vòng 12 tháng.
Về giá thuốc bán ra, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Do đặc thù nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, quy định tại Khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp. Theo khoản 1 Điều 2, tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng Luật Đấu thầu, trong khi quy định tại khoản 2 Điều 55 cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm. Khi triển khai thực tế, đã có rất nhiều sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh gửi công văn tới Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập, đề nghị hướng dẫn nội dung này.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho hay, thực trạng hiện nay các nhà thuốc bệnh viện đang thiếu rất nhiều loại thuốc, thiết bị y tế, để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân. Ngoài thuốc, nhà thuốc bệnh viện cũng còn có một số loại mặt hàng khác như thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, sữa, đều là những mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu”.
Để đảm bảo tính logic giữa các điều khoản Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 1 Điều 2 như sau: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này).
Nghịch lý giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập
Về quy định liên quan đến gói thầu đào tạo, bồi dưỡng tại Điều 29 “Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt”, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng với “gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành đặc thù cho cán bộ, công chức do cần thiết phải mời cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền giao”.
Đối với các lĩnh vực như giáo dục, y tế, ngoài đội ngũ công chức với số lượng ít, lực lượng của ngành chủ yếu là viên chức và lao động hợp đồng. Với quy định hiện hành, các gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành dành cho viên chức lại không được sử dụng quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị bổ sung đối tượng viên chức, người lao động vào nội dung điều khoản này.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Trong khi các cơ sở công lập gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, thì các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại.
Bên cạnh đó, mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập. Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và vẫn như một lời thách thức lớn cho công tác đấu thầu.
Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm, đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-go-vuong-hoat-dong-dau-thau-cho-co-so-y-te-cong-lap.html