Theo ông Trần Quang Bảo (ảnh) – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), từ nay đến giai đoạn thị trường carbon Việt Nam chính thức hình thành (dự kiến năm 2028), các hoạt động mua bán, trao đổi lượng giảm phát thải carbon rừng đều phải thực hiện dưới hình thức thí điểm và phải xin ý kiến Chính phủ để có cơ chế thí điểm riêng.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hình thành thị trường tín chỉ carbon nói chung, thị trường tín chỉ carbon lâm nghiệp nói riêng ở Việt Nam?
– Việt Nam là thành viên của Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, tại COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cam kết này mở ra những cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp trong việc thiết lập và vận hành cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực quốc tế và trong nước, thông qua việc phát triển thị trường và thúc đẩy trao đổi tín chỉ carbon rừng.
Ngành lâm nghiệp hiện là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, nhờ vào quá trình bảo vệ và phát triển rừng của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, thị trường carbon rừng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức. Việt Nam hiện đang triển khai duy nhất một chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải tín chỉ carbon rừng thông qua thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới. Kết quả là đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 và tiếp nhận 51,5 triệu USD trong giai đoạn 2018 – 2019.
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đàm phán, ký kết thỏa thuận mua bán giảm phát thải cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent).
Thị trường carbon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho ngành lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính cho hoạt động lâm nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu ổn định, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành.
Tôi hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, thị trường tín chỉ carbon nói chung, thị trường tín chỉ carbon lâm nghiệp sớm hình thành để chúng ta có thêm nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bên cạnh những thuận lợi, theo ông, việc thực hiện các giao dịch tín chỉ carbon lâm nghiệp đang gặp những khó khăn, thách thức gì?
– Ngoài khó khăn chung về cơ chế chính sách, rào cản về nguồn lực tài chính thì ngành lâm nghiệp đang có những khó khăn nhất định trong việc xác định lượng phát thải và cấp tín chỉ carbon do diện tích rừng của Việt Nam tương đối lớn, trải dài ở các vùng sinh thái nên cần chi phí lớn trong việc xác định lượng phát thải để được cấp tín chỉ.
Bên cạnh đó, để được cấp tín chỉ, cần phải xác nhận đăng ký, để làm được việc này, quá trình nâng cao năng lực nhận thức là rất quan trọng. Trong khi đó, hiện nay năng lực của địa phương, của các chủ rừng vẫn chưa đủ để làm việc này, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua đầu mối là Bộ NNPTNT, để đo đếm xác nhận và sau đó sẽ tìm thị trường tiềm năng để có thể giao dịch.
Vì vậy chúng tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện thí điểm. Thứ hai là xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện đo đếm và cấp tín chỉ cho từng vùng cụ thể.
Ví dụ, để thực hiện thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107; sắp tới khi thực hiện giao dịch cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng phải có một văn bản pháp luật để có căn cứ thực hiện trong giai đoạn chờ đợi thị trường giao dịch tín chỉ carbon chính thức hình thành.
Đặc biệt là việc huy động nguồn lực tài chính, trong đó nguồn lực hỗ trợ tài chính quốc tế rất quan trọng. Hiện nay, tại các diễn đàn biến đổi khí hậu quốc tế, tại các kỳ họp của COP, các nước phát triển có những cam kết thành lập các quỹ giảm biến đổi khí hậu như Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp, Liên minh giảm phát thải, tuyên bố về giảm phát thải sử dụng đất, các nghiệp đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện trách nhiệm xã hội cũng có đóng góp vào những quỹ này.
Chúng tôi đang tích cực kết nối các quỹ này nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ tài chính để thực hiện việc đo đếm, cấp tín chỉ và kết nối để giao dịch bán, việc giao dịch này phải bảo đảm quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của chủ rừng nhưng cũng có thể huy động những nguồn lực để bảo vệ phát triển rừng.
Như ông đã trao đổi, việc nâng cao năng lực cho các bên về giao dịch tín chỉ carbon là rất quan trọng. Thời gian qua, Cục Lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
– Trên cơ sở nguồn lực tài chính hiện nay, chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ rất lớn từ phía đại sứ quán Hàn Quốc, Anh và các tổ chức quốc tế và sẵn sàng xây dựng tài liệu để phổ biến. Đơn cử, hiện nay đã có dự thảo Ttài liệu hỏi đáp về carbon lâm nghiệp, trong đó có bức tranh tổng quan và tất cả các câu hỏi của chủ rừng, các cấp chính quyền địa phương đang băn khoăn để làm thế nào tham gia thị trường carbon, trên cơ sở này chúng tôi tổ chức hội thảo và tập huấn. Đó là một hình thức để nâng cao nhận thức. Sau đó chúng tôi sẽ ban hành tài liệu, xây dựng cách đo đếm phát thải và đặc biệt là xây dựng các dự án chuyển nhượng carbon rừng. Ngành lâm nghiệp đang làm cầu nối để huy động nguồn lực tài chính về carbon rừng.
Xin cảm ơn ông!
Nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon lâm nghiệp
Để góp phần sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng trong thời gian tới, bao gồm:
Rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định lĩnh vực lâm nghiệp; nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng.
Xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng. Tuyên truyền, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về carbon rừng; tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân.
Nguồn: https://danviet.vn/bao-gio-viet-nam-hinh-thanh-thi-truong-tin-chi-carbon-danh-thuc-kho-bau-duoi-nhung-tan-rung-20241104171205654.htm