Tính đến hết tháng 9/2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và mới được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.
Những tháng cuối năm, thời tiết mưa nhiều, cộng với những vướng mắc về GPMB, vật liệu ảnh hưởng lớn đến các dự án giao thông. Tuy nhiên, trên công trường, các chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực từng ngày để hóa giải thách thức, đẩy nhanh tiến độ các dự án và hoàn thành kế hoạch giải ngân 75.000 tỷ đồng vốn giao thông theo kế hoạch.
Gắn sản lượng thi công với giải ngân
Đầu tháng 11/2024, những trận mưa kéo dài xuất hiện dày đặc hơn khiến việc thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc Ban điều hành dự án, để đảm bảo thời gian về đích sớm vào 30/4/2025, các nhà thầu đã chắt chiu tối đa số ngày nắng tăng tốc các hạng mục. Trên công trường, khoảng 1.500 kỹ sư, công nhân và hơn 1.000 đầu xe máy, thiết bị đã được huy động, tăng lên khá nhiều so với trước.
“Hiện, trung bình giá trị thực hiện của các nhà thầu đạt gần 15 tỷ đồng/ngày và trên 100 tỷ đồng/tuần”, ông Trung thông tin.
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, tháng 8/2024, cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng và Bãi Vọt – Hàm Nghi đã được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung vốn lần lượt 977 tỷ đồng và 800 tỷ đồng. Việc hấp thụ tốt nguồn vốn ở hai dự án góp phần tăng đáng kể kết quả giải ngân chung. Hết tháng 10/2024, giải ngân của đơn vị đạt hơn 3.700 tỷ đồng (hơn 56% kế hoạch vốn được giao).
Tương tự, với 150 nhân lực và gần 100 đầu máy, thiết bị được tăng cường trong khoảng 2 tháng qua cũng đang đưa kết quả thi công cao tốc đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh có nhiều tín hiệu tích cực.
Đại diện Ban QLDA 85 thông tin, giá trị sản lượng đạt trung bình khoảng 14 tỷ đồng/ngày và khoảng 98 tỷ đồng/tuần.
Gắn sản lượng thi công với kết quả giải ngân, ban chỉ đạo phòng điều hành dự án phối hợp trực tuyến với bộ phận liên quan để chuẩn xác, chốt số liệu, đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục. Trung bình thời gian từ lúc nhà thầu trình hồ sơ thanh toán đến khi hồ sơ ra kho bạc chỉ mất khoảng 3 ngày. Giá trị nghiệm thu thanh toán thường đạt 85% giá trị thi công.
Nghiệm thu, thanh toán sớm cho nhà thầu
Bước vào giai đoạn chạy nước rút, phấn đấu về đích vào tháng 9/2025 (sớm 3 tháng so với tiến độ), sản lượng thi công tại dự án Chí Thạnh – Vân Phong đang tăng từng ngày.
Năm 2024, dù là một trong các bộ, ngành được giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công lớn nhất, song Bộ GTVT là một trong các bộ có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Nỗ lực giải ngân của ngành GTVT không chỉ thúc đẩy hạ tầng giao thông phát triển, tháo “điểm nghẽn” của nền kinh tế mà còn thúc đẩy nhiều ngành liên quan khác, tạo công ăn việc làm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh
Sản lượng trung bình đạt khoảng 60 tỷ đồng/tuần, tăng khoảng 10 tỷ đồng so với thời điểm thông thường. Trên tổng kế hoạch vốn gần 3.000 tỷ đồng được giao, giá trị giải ngân của dự án đã đạt hơn 1.900 tỷ đồng, đạt hơn 64% kế hoạch.
Xác định công tác nghiệm thu thanh toán là điều kiện tiên quyết để quay vòng dòng tiền, đẩy tiến độ thi công, tối đa trong 3 ngày làm việc, hồ sơ thanh toán sẽ được chủ đầu tư xử lý. Theo ông Lê Quốc Dũng, Quyền Giám đốc Ban QLDA 7, trong năm nay, cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong là một trong hai dự án chiếm tỷ trọng vốn cao nhất trong nhóm dự án đơn vị phụ trách.
Sau các đợt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn, kế hoạch vốn giải ngân đơn vị được Bộ GTVT giao đến nay lên đến 8.388 tỷ đồng. Hết tháng 10/2024, sản lượng giải ngân đạt hơn 5.600 tỷ đồng, đạt hơn 67% so với kế hoạch.
Nhận diện trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2024, thời tiết khu vực các dự án bước vào cao điểm mùa mưa, việc thi công sẽ gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Ban QLDA 7 cho biết đã yêu cầu các đơn vị thi công điều chỉnh các hạng mục ít bị ảnh hưởng do thời tiết, đẩy nhanh công tác trình duyệt dự toán điều chỉnh để nghiệm thu.
Công tác nghiệm thu thanh toán vật tư, cấu kiện bán thành phẩm đã huy động, tập kết đến công trường cũng được đẩy mạnh, đảm bảo dòng tiền cho đơn vị cũng như đảm bảo kế hoạch giải ngân của dự án.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, ước tính đến hết tháng 10/2024, sản lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt gần 47.800 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Trong đó, dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 chiếm tỷ trọng giải ngân tương đối lớn, đạt gần 26.500 tỷ đồng.
Nhiều chủ đầu tư/ban quản lý dự án có kết quả giải ngân tích cực, cao hơn mức bình quân của Bộ như: Ban QLDA 6, Ban QLDA Mỹ Thuận, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Cục Đường bộ VN…
Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã điều chỉnh 4 đợt cho 35 dự án, giá trị vốn điều chỉnh gần 3.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án.
Nhận diện thách thức đối với công tác giải ngân của Bộ GTVT trong những tháng cuối năm, đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, có bốn thách thức lớn đang đặt ra.
Đầu tiên là trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước, mất nhiều thời gian xử lý. Tiếp đến, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.
Vật liệu xây dựng là thách thức thứ ba. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ, thủ tục đã giảm đáng kể. Song, nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ.
Cuối cùng là thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo, nhất là khi những tháng tới vào mùa mưa lũ.
Để tăng hiệu quả giải ngân trong thời gian tới, Vụ KHĐT sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ thực hiện 5 giải pháp trọng tâm. Đầu tiên là gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Thứ hai là chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ giải ngân.
Tiếp đến, yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu.
Cùng đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu. Giải pháp cuối cùng là giám sát tiến độ giải ngân hằng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.
Tính đến hết tháng 9/2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và mới được Thủ tướng giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.
Dự kiến, các dự án nhóm B đang thiếu vốn sẽ tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tính chung cả năm, Bộ GTVT dự kiến được giao gần 75.500 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hoa-giai-thach-thuc-giai-ngan-75000-ty-von-giao-thong-192241105104425011.htm