Ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ Kamala Harris. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Những diễn biến ở giai đoạn nước rút vừa qua đã phản ánh sự kịch tính, hồi hộp và khó đoán định của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Cho đến sát “giờ G”, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, là Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa vẫn bám đuổi nhau sít sao.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận liên tục “đảo chiều”. Theo cuộc thăm dò dư luận do báo The Hill và tổ chức Decision Desk HQ công bố ngày 1/11 vừa qua, không ứng cử viên nào có cách biệt lớn hơn 2% ở bất kỳ bang nào trong 7 bang “chiến trường”, gồm Michigan, Nevada, Pennsylvania, Wisconsin, Arizona, Georgia, Bắc Carolina.
Tổng hợp thăm dò của The Hill/Decision Desk HQ cho thấy, bà Harris dẫn trước ông Trump với tỷ lệ sít sao 48,2%-48,1%. Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận luôn có sự chênh lệch so với kết quả cuối cùng trong các cuộc bầu cử. Chưa kể, nhiều cử tri chỉ đưa ra quyết định khi tới hòm phiếu, hay một số sự kiện đột xuất có thể xảy ra ở những phút cuối cùng, nên không thể dự đoán được kịch bản nào sẽ xảy ra vào “ngày phán quyết” 5/11.
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump từng đưa ra những cam kết về chính sách khác biệt trong các vấn đề quan trọng của nước Mỹ, như kinh tế, nhập cư, đối ngoại. Kinh tế luôn được coi là vấn đề quan trọng nhất đối với phần lớn cử tri.
Bà Kamala Harris cam kết cắt giảm thuế cho người dân thuộc tầng lớp lao động và trung lưu; hỗ trợ tín dụng lên tới 25.000 USD cho người mua nhà lần đầu trả góp; gia hạn việc áp giá trần 35 USD với thuốc tiểu đường và mức trần 2.000 USD đối với chi trả y tế…
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra cam kết về việc giải quyết lạm phát, thúc đẩy sản lượng năng lượng. Ứng cử viên này tuyên bố sẽ đảo ngược các hạn chế dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden về sản xuất nhiên liệu hóa thạch, sử dụng mọi công cụ cần thiết để hạ nhiệt lạm phát trong năm đầu tiên khi lên nắm quyền.
Vài ngày trước cuộc bầu cử, nền kinh tế Mỹ đón nhận hàng loạt tín hiệu khởi sắc. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt từ mức đỉnh trong đại dịch Covid-19, số lượng việc làm trong khu vực tư nhân vượt các ước tính, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang tăng trưởng. Điều này cũng có nghĩa là vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ có thể sẽ tiếp quản một nền kinh tế đang trên đà phát triển tích cực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là một thách thức không nhỏ với vị Tổng thống tiếp theo. Giáo sư chính sách công và kinh tế tại Đại học Michigan (Mỹ) Justin Wolfers nhận định, Tổng thống tiếp theo sẽ phải thực hiện một sự “cân bằng tinh tế”. Đó là vừa hoàn thành các cam kết cải tổ nền kinh tế vừa không làm chệch hướng tăng trưởng thực tế hiện nay.
Trước cuộc bầu cử, giới chức tại những bang “chiến trường” cạnh tranh nhất phải gấp rút chuẩn bị ứng phó các tình huống rối ren hậu bầu cử, bao gồm thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, đe dọa và thậm chí là nguy cơ xảy ra bạo lực. Tại Philadelphia, Detroit và Atlanta, ba trong số những bang được cho là nơi cựu Tổng thống Donald Trump hay khiếu nại về gian lận bầu cử, giới chức đã có những biện pháp tránh sự hỗn loạn như kho kiểm phiếu được bao quanh bởi hàng rào có dây thép gai, văn phòng bầu cử được bảo vệ bằng kính chống đạn…
Với tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên Tổng thống bám đuổi sít sao trong các cuộc thăm dò dư luận, cơ hội đang chia đều cho đôi bên, và những thay đổi nhỏ cũng có thể tác động lớn đến cục diện cuộc đua. Đây không chỉ là cuộc đua giữa hai ứng cử viên có nhiều quan điểm khác biệt, mà còn là cuộc cạnh tranh chọn ra đường hướng phát triển của nước Mỹ trong tương lai.