Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo của chính quyền các địa phương trong năm qua. Trong khi Bắc Giang, một tỉnh ở vùng trung du phía bắc đã có tiến bộ vượt bậc, xếp thứ hai trong bảng xếp hạng PCI; hay như TP Hải Phòng xếp thứ ba trong bảng xếp hạng… thì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại bị tụt hạng sâu so với kết quả năm 2021. Nghịch lý đó phản ánh sự cạnh tranh gay gắt trong phát triển và là bài học buộc các địa phương phải dũng cảm nhìn nhận thấu đáo những điểm mạnh, điểm yếu của mình để thay đổi nếu không muốn tiếp tục tụt hậu.
Tỉnh Bắc Giang đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt kết nối với tỉnh Bắc Ninh, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, thu hút đầu tư. |
Là tỉnh nằm trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, năm 2022, Bắc Giang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện… Chỉ số PCI của tỉnh Bắc Giang năm 2022 tăng 29 bậc và tăng 8,06 điểm so với năm 2021, xếp thứ hai trong số 63 tỉnh, thành phố.
Nỗ lực đáng ghi nhận
Bắc Giang có hai chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước là: chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Tiếp đến là Chỉ số tính cạnh tranh bình đẳng xếp thứ hai; Chỉ số tính năng động tiên phong xếp thứ ba. Để nâng hạng chỉ số PCI, Bắc Giang đã phân công mỗi đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách một nhóm chỉ số. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, tỉnh và các sở, ngành liên quan có giải pháp nâng cao từng chỉ số thành phần để nâng tổng điểm chỉ số PCI.
Các doanh nghiệp đánh giá cao việc tỉnh tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của họ. Đáng chú ý là chi phí không chính thức của doanh nghiệp tiếp tục giảm.
Ông Rong Wen You, Tổng Giám đốc, đại diện Tập đoàn Yadea tại Việt Nam cho biết: “Trong hơn ba năm đầu tư sản xuất tại Bắc Giang, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan của tỉnh. Sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh cũng như sự vào cuộc tích cực trong giải quyết các thủ tục về đầu tư của các cơ quan liên quan đã tạo dựng niềm tin để chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Bắc Giang”.
Năm 2022, Hải Phòng xếp thứ ba cả nước về chỉ số PCI và là năm thứ năm liên tiếp, thành phố nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Hải Phòng có năm chỉ số tăng điểm so với năm trước.
Có kết quả này là do thành phố tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI; trong đó, thành phố tập trung tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch… với việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền số hiện đại, chuyên nghiệp và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế chung.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng, doanh nghiệp là chủ đầu tư hai bến cảng lớn nhất của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, khi khởi công hai bến cảng vào tháng 7/2022, doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục, các tuyến đường tạm phục vụ thi công, tuyến cấp điện thi công…, nhưng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Ban quản lý Khu kinh tế và huyện Cát Hải, đến nay các vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, các hạng mục được thi công đúng tiến độ. Dự kiến trong tháng 6 tới, công trình sẽ hoàn thành việc san lấp, tạo bãi; cuối năm 2023 sẽ hoàn thành thi công phần cọc móng, bảo đảm công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trước quý I/2024, sớm hơn thời hạn dự kiến ban đầu.
Năm nay, lần đầu tiên Báo cáo PCI có thêm Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Lạng Sơn, một tỉnh biên giới phía bắc còn nhiều khó khăn, được xếp thứ hai về Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2022. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Đại chia sẻ: Tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhất là điện gió. Từ năm 2020 đến nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, khảo sát và đề xuất đầu tư các dự án phát triển điện gió, điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã cho phép 18 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với 35 dự án, trong đó có 32 dự án điện gió, hai dự án điện sinh khối và một dự án phát điện từ rác… Điển hình như Công ty BayWar.e. Wind Projects (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam đang chuẩn bị khởi công xây dựng ba nhà máy điện gió, có tổng công suất là 240 MW, tổng mức đầu tư hơn 9 nghìn tỷ đồng tại các huyện: Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình vào tháng 7/2023. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2025, tổng sản lượng điện sản xuất hằng năm của ba nhà máy đủ cung cấp cho khoảng 230 nghìn hộ dân.
Bắc Kạn là tỉnh nghèo, số thu ngân sách thấp, năm qua cũng có sự tiến bộ khi xếp thứ 35 về chỉ số PCI, tăng 13 bậc so với năm 2021 và xếp thứ bảy về Chỉ số Xanh cấp tỉnh do địa phương này chuyển hướng phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên cho biết, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh cũng định hướng thu hút đầu tư vào các địa bàn xa các khu vực phát triển du lịch, trung tâm đô thị, để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái và bảo đảm sự phát triển xanh, bền vững tại địa phương.
Quyết tâm thăng hạng
Bên cạnh những địa phương duy trì được phong độ hoặc có sự tiến bộ vượt bậc, Bảng xếp hạng PCI năm 2022 cho thấy sự tụt hạng của các đầu tàu kinh tế. Thành phố Hà Nội rời vị trí thứ 10, đứng thứ 20; Thành phố Hồ Chí Minh tụt 13 bậc, đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh tại hai thành phố lớn đang xuất hiện một số rào cản thu hút đầu tư, nếu không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, từ đó tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của cả nước.
Thành phố Hà Nội có bảy trên 10 chỉ số thành phần bị giảm so với năm 2021. Đáng chú ý, các chỉ số gia nhập thị trường hay tiếp cận đất đai của Hà Nội đều ở vị trí khá thấp (thứ 59); tính năng động của chính quyền tỉnh chỉ xếp thứ 53 trong cả nước. Với 330 nghìn doanh nghiệp, Hà Nội là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, kéo theo đó khối lượng công việc của chính quyền các cấp cũng rất lớn.
Tháng 8/2022, thành phố đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, tuy nhiên, vẫn chưa có sự bứt phá nào. Tại Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức được giao việc nhưng không làm việc, thậm chí không thông báo cho người dân hay các tổ chức, doanh nghiệp biết lý do vì sao chậm trễ trong giải quyết công việc.
Sự kém hấp dẫn về môi trường đầu tư và kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư cảnh báo trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), công tác cải cách hành chính của thành phố nhìn chung chưa thấy hiệu quả rõ rệt và chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công nghệ thông tin đã được ứng dụng ở các cấp độ, nhưng phần lớn doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thể tự làm qua mạng mà vẫn phải thuê dịch vụ. Một số thủ tục và lĩnh vực như thủ tục dự án đầu tư, cấp “sổ đỏ” nhà đất, giấy phép xây dựng còn nhiều ách tắc; trong khi doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ…
Hải Dương là tỉnh có dư địa phát triển kinh tế lớn, nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhưng chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh bị tụt 19 bậc, xuống vị trí 32. Một trong những nguyên nhân là sau khi nhiều tập thể, cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm pháp luật, bị kỷ luật dẫn đến tình trạng cán bộ sợ chịu trách nhiệm, xử lý công việc không trôi… Chính vì vậy, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số dự án mới giảm mạnh cả về số lượng và vốn đầu tư.
Với quyết tâm nâng cao chỉ số PCI, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch thực hiện cải thiện môi trường đầu tư năm 2023 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Trước hết, thành phố sẽ tăng cường thực hiện cải cách hành chính, triển khai có hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn; ban hành các quy chế phối hợp giải quyết thủ tục, khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp… Trong tháng 5/2023, thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của thành phố năm 2023 và kế hoạch chi tiết, cụ thể về việc cải thiện, khắc phục, nâng cao chỉ số PCI của thành phố.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Việc đánh giá DDCI sẽ giúp các sở, ban, ngành và địa phương nhận ra được điểm mạnh và hạn chế của mình; từ đó phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Để khắc phục chỉ số PCI thấp, thành phố Hà Nội sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ hơn nữa. Thành phố đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao qua hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ, yêu cầu các đơn vị làm rõ lý do chậm muộn, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Dù được xếp hạng chỉ số PCI cao, nhưng với tinh thần cầu thị, các địa phương trong tốp đầu tiếp tục thực hiện lộ trình khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực quản trị. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của chính quyền các cấp gắn với giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động, tạo động lực cho phát triển.