(Dân trí) – Thật khó để thống kê đầy đủ những chuyến vi hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các cấp phó trên công trường xây dựng dự án giao thông trọng điểm. Từ đầu nhiệm kỳ, họ dường như không có ngày nghỉ.
Hàng loạt dự án cao tốc vừa qua đã “về đích ngoạn mục” trong điều kiện thi công hết sức ngặt nghèo, với những bối cảnh chưa từng có tiền lệ.
Dấu mốc khánh thành 2 đoạn cao tốc quan trọng trên tuyến Bắc – Nam vào dịp 30/4 vừa qua (đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây, với chiều dài hơn 162km), đã góp phần hiện thực hóa giấc mơ về một tuyến cao tốc nối liền hai đầu đất nước.
Đây cũng chính là chiến thắng của tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” để đưa các công trình giao thông trọng điểm về đích như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”.
Ghi nhận trên công trường thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (do liên danh nhà thầu Tổng Công ty cổ phần Vinaconex và Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng thực hiện), chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí hối hả và đầy quyết tâm của hàng trăm nhân lực trực tiếp làm việc tại đây.
Ông Phạm Thế Công (Giám đốc Ban điều hành Vinaconex) với hơn 20 năm thi công các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông trên khắp cả nước, chia sẻ chưa bao giờ thấy một khí thế làm việc đầy quyết tâm trong việc đưa các dự án giao thông vượt tiến độ về đích sớm như hiện nay.
Trong tổng số 35km của tuyến Hàm Nghi – Bãi Vọt, Vinaconex trực tiếp thi công 22,35km từ Bãi Vọt đến hết địa phận huyện Can Lộc. Đây là đoạn tuyến có kết cấu đơn thuần nhưng đi qua khu vực nền đất yếu nên phải gia công, xử lý rất nhiều về địa chất, kỹ thuật.
Do đặc thù thời tiết ở miền Trung rất khắc nghiệt, đặc biệt những khi trời nắng nóng, ông Công cho biết nhịp thi công trên công trường thường bắt đầu từ 4h-10h, sau đó tiếp tục từ 14h-22h. Giai đoạn cao điểm, công nhân có thể triển khai thi công các công đoạn xuyên đêm, xuyên lễ, Tết với tinh thần “3 ca 4 kíp”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”.
“Số lượng cán bộ, công nhân viên của Vinaconex trên công trường tuyến Bãi Vọt – Hàm Nghi hiện có khoảng trên 700 người (20-30% là nhân lực ở địa phương), chia làm 15 mũi thi công cầu, 15 mũi thi công đường; với gần 400 đầu ô tô, xe máy, thiết bị… để thay ca thi công liên tục, nhằm sớm đưa dự án về đích”, ông Công nói.
Thời điểm ký hợp đồng tiếp nhận dự án vào ngày đầu tiên của năm 2023, ông Công cho biết các công đoạn, thủ tục từ thiết kế, đấu thầu, chỉ định thầu đều thực hiện trong thời gian rất ngắn.
Tuy giai đoạn đầu phải “nằm im” vì chưa có nguyên vật liệu cũng như cơ chế giải phóng mặt bằng, song với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã huy động toàn bộ nguồn lực, bằng nhiều cơ chế để giải quyết triệt để những vướng mắc này.
“Cởi trói được những nút thắt này, dự án liên tục được tạo đà sau nhiều tháng nằm im bất động”, ông Công kể và cho biết hiện đất đắp, cát đã đảm bảo 95-99%, toàn dự án đã đạt trên 70% khối lượng.
Theo lời kể của ông Công, trước đây, để có được đất, cát và nguồn nguyên vật liệu thi công cao tốc phải trải qua khoảng 6 tháng thực hiện các thủ tục mở thầu, đấu thầu nguồn vật liệu. Song với tính cấp bách của dự án này, ngay từ tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cắt bỏ tất cả thủ tục hành chính, nguồn vật liệu được cấp đặc thù cho thi công cao tốc nên rút ngắn được thời gian 6-7 tháng.
Các mỏ vật liệu hiện nay được trực tiếp giao nhà thầu quản lý, khai thác và vận hành với cam kết “chỉ được sử dụng cho dự án cao tốc”.
Theo hợp đồng, tuyến Bãi Vọt – Hàm Nghi sẽ hoàn thành vào 30/9/2025, sau đó Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thi công thêm 3 tháng. Nhưng trong lần kiểm tra tiến độ mới nhất, lãnh đạo Chính phủ đưa ra yêu cầu về việc tiếp tục rút ngắn tiến độ, đưa dự án về đích vào 30/4/2025, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu.
Để hiện thực hóa điều này, Vinaconex cùng chủ đầu tư quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, tận dụng tất cả yếu tố thuận lợi để rút ngắn thời gian thi công mà vẫn đảm bảo hiệu quả về môi trường đầu tư, kinh tế.
Số lượng máy móc phục vụ thi công ngay lập tức được huy động nhiều gấp 1,5 lần với hơn 500 đầu máy, thiết bị. Nguồn nhân lực thay vì 500-600 như kế hoạch cũng được tăng cường lên hơn 700 người, chia thành các tổ làm cả ban ngày và ban đêm.
“Mốc thời gian 30/4 dù rất áp lực nhưng chúng tôi có thể nỗ lực để đưa dự án về đích”, ông Công nói và cho biết tất cả anh em thi công trên công trường hay làm văn phòng đều hưởng ứng quyết tâm được truyền xuống từ người đứng đầu Chính phủ.
Anh em tăng ca được tăng lương, bố trí ăn uống và có chính sách đãi ngộ đầy đủ, tất cả đều hăng hái thi công với tinh thần phấn khởi, không phải như thời bao cấp chờ tiếng gõ kẻng mới làm việc, theo lời ông Công.
Với tinh thần làm xuyên lễ, xuyên Tết, ông cho biết dịp nghỉ lễ 4 ngày dịp 2/9 vừa qua, để tận dụng thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động 100% nhân lực ở lại để thi công.
Anh Lê Văn Quyết (cán bộ phụ trách thi công tuyến cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi đoạn qua xã Quang Lộc, Trung Lộc và Xuân Lộc) cũng cho biết vài tháng nay, máy móc và nhân lực được tăng cường thi công trên công trường để có thể hoàn thành cơ bản trước mùa mưa.
Tính đến nay đã hoàn thành đắp nền đất 95% khối lượng, kết cấu mặt đường bên trên hoàn thành 40% tiến độ. Mục tiêu trước mắt là rải cấp phối đá răm, gia cố xi măng, bê tông nhựa và các hạng mục phụ trợ như hành lang an toàn giao thông, sơn cảnh báo, biển tín hiệu…
“Chưa bao giờ tôi thấy khí thế thi công cao tốc quyết liệt như hiện nay. Càng gần giai đoạn về đích, khí thế càng khẩn trương, anh em tập trung cao độ, cùng nhau đồng lòng quyết tâm hoàn thành công việc, đảm bảo đưa dự án về đích vào 30/4/2025”, anh Quyết nhấn mạnh.
Dù thời gian thi công liên tục rút ngắn, áp lực ngày càng tăng nhưng theo anh Quyết, đội ngũ nhân lực thi công cao tốc luôn động viên nhau vượt qua những thiệt thòi hiện tại để hoàn thành mục tiêu chung.
Chỉ tay về ngọn núi Long Tương cách vị trí thi công không xa, anh Quyết nói đó là phần việc khó khăn nhất khi phải xẻ núi mở đường làm cao tốc.
“Do núi Long Tương ở sát khu dân cư nên không thể nổ mìn phá đá. Trong hơn 15 tháng ròng, chúng tôi phải sử dụng máy búa để đục và phá đá thủ công với tổng khối lượng đá cần phá là 180.000m3, rất khó khăn”, cán bộ này chia sẻ.
Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ việc thời tiết miền Trung vô cùng khắc nghiệt, khi nắng thì nắng gay gắt, còn mưa lại kéo dài, thậm chí một cơn bão có thể trực tiếp phá hủy các phần công trình dang dở nên phải làm lại từ đầu.
Dù vậy, nhìn về phía các đồng nghiệp đang tất bật thi công từng phần việc, anh Quyết khẳng định mục tiêu đưa dự án về đích dịp 30/4/2025 như Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu là hoàn toàn khả thi nhờ nỗ lực lớn, quyết tâm cao của tất cả mọi người.
Theo chân kỹ sư Trần Đăng Phú đến công trường cầu Thạnh Đông, cây cầu lớn thứ 2 trên cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, phóng viên Dân trí chứng kiến cảnh công nhân đang hạ đặt dầm và đổ bê tông kết cấu mặt cầu. Cơn mưa bất chợt đổ xuống, cả kíp thợ bê tông phải dầm mưa, lấy vải bạt che chắn phần bê tông mới đổ.
“Mùa này mưa thường xuyên, một ngày 2-3 lần, mỗi lần 30-60 phút. Khổ nhất là đang đổ bê tông thì trời mưa. Phải dừng chờ mưa tạnh mới đổ tiếp, nếu dừng quá lâu, cả xe bê tông đó phải đổ bỏ”, ông Phú chia sẻ.
Như tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, đại diện nhà thầu cho biết nếu mưa nhỏ, công nhân vẫn cố làm, còn mưa lớn sẽ tạm dừng chờ trời tạnh.
Nói về áp lực tiến độ, ông Phú cho biết với các đoạn vượt kênh rạch, hạng mục cầu phải cố gắng xong sớm để dùng luôn mặt cầu làm đường công vụ cho xe công trường di chuyển.
“Như cầu Thạnh Đông là điểm ranh giới 2 tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang, chúng tôi phải thông được cầu vào cuối năm nay, sớm hơn 1 năm so với tiến độ chung của dự án nên áp lực tiến độ rất lớn”, đại diện nhà thầu chia sẻ.
Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch Tập đoàn Hải Đăng (nhà thầu thi công cao tốc Hậu Giang – Cà Mau), kể lại sau ngày khởi công dự án (1/1/2023), các đơn vị mất khoảng 11 tháng chỉ nằm chờ, không thể thi công vì không có cát.
Khi ấy, cát thương mại có giá “trên trời”, gấp gần 3 lần so với giá Nhà nước công bố. “Doanh nghiệp mua cát giá đó để đưa về công trường thì… lỗ chết”, ông Giang nói.
Trước tình cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt, gỡ khó bằng cách giao trực tiếp mỏ cát cho nhà thầu.
“Thủ tướng gửi nhiều văn bản, triệu tập nhiều cuộc họp, thậm chí gọi điện chỉ đạo… để ra được chủ trương giao mỏ vật liệu cho nhà thầu”, lãnh đạo nhà thầu nhớ lại.
Nhưng có chủ trương từ Thủ tướng rồi mà cơ quan chủ quản là Bộ GTVT không quyết liệt, việc cũng không đến đâu. Ông Giang cũng đánh giá cao việc lãnh đạo Bộ GTVT bám nắm công trường, có lúc dẫn nhà thầu đi gặp lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ vướng mắc.
Quyết tâm cao độ mà những công nhân trực tiếp thi công trên công trường cao tốc nhiều lần nhắc đến, chính là nhờ động lực được truyền xuống từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bắt đầu một nhiệm kỳ với khó khăn chồng chất khó khăn, song lãnh đạo Chính phủ đã luôn có mặt ở những nơi “nóng” nhất để kịp thời truyền động lực, gỡ vướng và thúc đẩy công việc.
Thật khó để thống kê đầy đủ những chuyến vi hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các cấp phó trên công trường xây dựng những dự án giao thông trọng điểm, bởi từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, hầu như cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, Tết nào, các lãnh đạo Chính phủ đi địa phương, thăm từng dự án để động viên tinh thần người lao động.
Ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có những chuyến đi đến rất nhiều dự án giao thông và tạo ra chuyển động tích cực ngay từ hiện trường. Ông đã dự lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo hôm 28/4. Đây là dự án Thủ tướng trực tiếp đi thị sát 3 lần và mỗi lần đều đặt ra yêu cầu cụ thể về tiến độ, cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc cho thi công dự án.
Trước đó, khi kiểm tra dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và các đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông, lãnh đạo Chính phủ vừa động viên và vừa đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt để vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng công trình.
Những tinh thần như “vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “thi công xuyên lễ, xuyên Tết”, “làm 3 ca 4 kíp”… có lẽ đã trở nên quá quen thuộc và thành “thương hiệu” chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sự quyết liệt ấy đến từ người đứng đầu Chính phủ đã nhanh chóng lan tỏa và truyền động lực xuống các địa phương, khiến cho những người muốn chần chừ cũng không thể không làm việc.
Giữa tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thị sát và đôn đốc tiến độ các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang ở Đồng bằng sông Cửu Long, gồm tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận…
Hôm 17/8, trong chương trình công tác tại Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Tuyến cao tốc dài hơn 117km có quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.
Để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án này, Thủ tướng đã có 12 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (gồm 10 thông báo kết luận và 2 công điện của Thủ tướng). Đến nay công tác thu hồi đất đạt 94%.
Trên công trường, Thủ tướng đặc biệt ấn tượng trước chia sẻ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân về việc tổ chức thi công linh hoạt phù hợp thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, lao động miệt mài, hăng say với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”.
Hỏi thăm, và cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng xây cao tốc, Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục ủng hộ, chung sức, đồng lòng, chia sẻ để triển khai dự án.
Hình ảnh Thủ tướng cùng thành viên đoàn công tác Chính phủ di chuyển như con thoi giữa công trường thi công đã trở nên quen thuộc và mang tính động viên rất lớn với hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm lao động miệt mài xây cao tốc.
Ông cũng không quên quan sát và lắng nghe từng vấn đề nhỏ ở công trường để đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Những chuyến vi hành của người đứng đầu Chính phủ không chỉ mang tính khích lệ, động viên, mà còn để “mắt thấy tai nghe” những vướng mắc từ thực tiễn để đưa ra quyết sách gỡ nút thắt ngay tại hiện trường.
Chúng ta đang dần chạm đến “giấc mơ cao tốc”, và có thể thấy rõ, giấc mơ đó không phải bỗng nhiên thành hiện thực, mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung”.
Nội dung: Hoài Thu, Ngọc Tân
Thiết kế: Tuấn Huy
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/lanh-dao-chinh-phu-truyen-lua-xay-cao-toc-20241103101809373.htm