Kinhtedothi – Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất, đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Ngày 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi
Bày tỏ ấn tượng về tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho biết, cả nước có trên 16 triệu người cao tuổi chiếm hơn 16% dân số, nhưng chỉ có khoảng 5,4 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp người có công, trợ cấp xã hội. Như vậy, còn khoảng 65% người cao tuổi chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ có cơ chễ hỗ trợ người cao tuổi tham gia thị trường lao động công bằng, hợp lý là cần thiết, giảm gánh nặng an sinh cho xã hội. Vì vậy, chính sách việc làm cần nhắm tới tăng cường sự tham gia của người cao tuổi đối với thị trường lao động.
Cụ thể: cần quy định tối đa số giờ, mức lương tối thiểu phải trả cho người cao tuổi tham gia lao động, chính sách cho vay vốn, học nghề đối với người cao tuổi có mong muốn khởi nghiệp… và đã đến lúc, quy hoạch việc làm phải được chú trọng để trong đó ưu tiên công việc đặc thù cho người già, hạn chế người trẻ và công việc người cao tuổi không được làm…
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và số lượng cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi, đại biểu đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể: cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động để giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp này; cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão; tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão.
Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính. Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực đầu tư chăm sóc người cao tuổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này, đặc biệt có quy định về việc huy động vốn của người cao tuổi trong dự án dưỡng lão, đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi.
Có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu; thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng… Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ 4 giải pháp. Một là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm thị trường để giải quyết việc làm.
Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp và xã hội; chú trọng xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ba là, đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo nghề.
Bốn là, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…
Gỡ vướng trong quy định về đào tạo nghề
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, cần tháo gỡ vướng mắc trong quy định về đào tạo nghề. Tỷ lệ doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động hiện chỉ 36%. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp về thủ tục. Việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp…
Do vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động, cũng như đặc thù kinh tế – xã hội của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề để bảo đảm phù hợp với thực tế, xu hướng phát triển của xã hội, của doanh nghiệp, hạn chế lãng phí ở các cơ sở đào tạo. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề xuất, cần đầu tư cho khoa học, công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, ưu tiên tối đa cho khu vực tập trung đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đội ngũ tri thức và sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đất nước.
Ngoài ra, xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-giai-phap-cai-thien-chat-luong-nguon-nhan-luc.html