(CLO) Đó là kiến nghị của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trong buổi làm việc của Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam với lãnh đạo tỉnh Bình Định ngày 4/11 tại trụ sở UBND tỉnh Bình Định.
Tạo mạng lưới liên kết truyền thông
Báo cáo tình hình hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh Bình Định, đồng chí Đỗ Nguyên Hùng – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết, Hội Nhà báo Bình Định hiện có 210 hội viên đang sinh hoạt tại 6 chi hội 2 câu lạc bộ.
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, đồng chí Đỗ Nguyên Hùng cũng chỉ ra một số những khó khăn hạn chế, đó là, các thành viên trong Thường trực, Ban Chấp hành Hội là lãnh đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm, công việc chuyên môn của các cơ quan báo chí nhiều nên chưa có nhiều thời gian dành cho công tác Hội. Một số cán bộ, hội viên đang công tác ở các cơ quan báo chí do áp lực công tác chuyên môn nên thời gian, tâm huyết dành cho công tác Hội không nhiều.
“Nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ Hội không nhiều nên còn hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động của Hội. Trang thiết bị phục vụ làm việc thiếu, chưa được cấp, một số thiết bị được đầu tư nhưng đã quá thời hạn sử dụng, xuống cấp, chưa được cấp kinh phí để đầu tư mua sắm”, Chủ tịch Hội Nhà báo Bình Định cho hay.
Tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thị Hà – Trưởng Ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hội Nhà báo Bình Định đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, và công tác giúp việc cho lãnh đạo tỉnh. Trong đó, Hội Nhà báo tỉnh đã thực hiện tốt công tác kết nạp hội viên, quản lý phóng viên thường trù tại địa phương.
Về mô hình tổ chức của các cấp Hội, đồng chí Vũ Thị Hà chia sẻ, thời gian qua lãnh đạo Hội đã cố gắng đi thực tế các địa phương trong cả nước, việc xây dựng mô hình thống nhất đang được Hội tổng hợp báo cáo lên các bộ ban ngành, tuy nhiên công tác này đòi hỏi thời gian vì điều kiện làm việc khác nhau giữa các địa phương.
Khẳng định vị trí của Hội Nhà báo Bình Định trong việc kết nối thông tin và hoạt động tuyên truyền của báo chí địa phương góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ mong muốn, thời gian tới cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin & Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để thúc đẩy hoạt động chính trị của báo chí địa phương, tuyên truyền các mục tiêu phát triển của tỉnh cũng như giải quyết các bất cập trong hoạt động báo chí.
Sự phối hợp cũng giúp tăng cường hơn nữa việc giám sát, quản lý báo chí trong việc thực hiện các tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí trên địa bàn. “Vai trò của Hội Nhà báo khác với các cơ quan báo chí ở chỗ có tiếng nói và đủ hệ thống quy định để giám sát, kiểm tra về thái độ và hành vi của phóng viên, nhà báo của địa phương”, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các cơ quan báo chí tham dự các giải báo chí lớn, song kết quả chưa được như mong đợi. Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị thời gian tới, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các ban ngành cần có sự hỗ trợ trực tiếp và có kế hoạch rõ ràng, cụ thể đối với chương trình báo chí chất lượng cao. Từ đó tạo được sự đột phá trong nghề nghiệp cho các hội viên và lan toả tinh thần làm báo sáng tạo, chất lượng một cách sâu rộng.
Đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực ở nhiều lĩnh vực của UBND Bình Định cho hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam nhận định: Bình Định là trung tâm của Trung Bộ, có hoạt động liên kết rất mạnh về kinh tế với các địa phương lân cận. Song song với đó, cần tạo ra sự liên kết mạnh mẽ về mặt truyền thông, tạo nên một mạng lưới thông tin vững chắc, nhanh chóng kịp thời, đẩy mạnh tuyên truyền về lĩnh vực đầu tư, du lịch…góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Để làm được điều đó, cần tạo thêm nhiều các câu lạc bộ chuyên ngành như câu lạc bộ phóng viên viết về nội chính, văn hoá, du lịch…từ đó tạo ra được các vệt tuyên truyền sâu, có chất lượng cũng như tạo ra sân chơi lành mạnh, phối hợp thông tin giữa các phóng viên.
Đồng chí Trần Trọng Dũng nhắc đến việc Bộ TT&TT mới đây phát đi văn bản đề nghị các cơ quan báo chí tiến hành sơ kết giai đoạn 1 về quy hoạch báo chí, theo đó ở mỗi địa phương chỉ được phép có một cơ quan báo chí đa phương tiện. “Tỉnh Bình Định nên xem xét về việc xây dựng mô hình báo chí để thực hiện quy hoạch một cách hợp lý và hiệu quả”, đồng chí Trần Trọng Dũng cho hay.
Tự chủ trên tinh thần nhà nước đảm bảo kinh phí đặt hàng
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cơ bản nhất trí với bản báo cáo của Hội Nhà báo Bình Định.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền hợp pháp của phóng viên, người làm báo trong tác nghiệp, thu thập thông tin, tiếp cận sự việc là rất quan trọng. Có nhiều nhà báo, phóng viên thậm chí bị xâm phạm về tinh thần và thân thể. Do đó, Hội Nhà báo tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết các hội viên.
Đồng chí ghi nhận công tác bồi dưỡng nghề nghiệp, đạo đức người làm báo có những kết quản khá tích cực, song vẫn còn tình trạng các lớp học do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức nhưng số lượng học viên tham gia rất ít, đồng chí đề nghị Hội Nhà báo tỉnh tăng cường vận động học viên tham gia các lớp tập huấn bởi ở đó không chỉ bồi dưỡng về nghề nghiệp mà còn về mặt tư tưởng chính trị.
“Trong bối cảnh hiện nay có một bộ phận không nhỏ những người làm báo bị dao động về tư tưởng chính trị. Viết báo với nội dung chính thống nhưng khi đăng lên mạng xã hội lại theo một quan điểm khác. Do đó việc tổ chức bồi dưỡng chính trị cần thực hiện nghiêm túc và liên tục”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Đồng chí cũng nhấn mạnh đến công tác chấn chỉnh, giám sát các phóng viên, nhà báo, đặc biệt là phóng viên thường trú tại địa phương, khi việc thực hiện lệch lạc tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, nhũng nhiễu, đe doạ doanh nghiệp đang là vấn đề hết sức nhức nhối. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường các cách thức làm báo mới, đa phương tiện.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, điều quan trọng nhất đối với báo chí là thông tin – đó là “nguồn nguyên liệu” để báo chí thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Do đó, đồng chí kiến nghị lãnh đạo tỉnh chủ động cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho báo chí, không để có khoảng trống trong thông tin dẫn đến tình trạng các thế lực thù địch lợi dụng đưa thông tin bị sai lệch, méo mó. Đồng chí mong muốn thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục đánh giá đúng tầm quan trọng của báo chí trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để có những đầu tư xứng đáng cho báo chí.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, đối với hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, lãnh đạo các thời kỳ đều rất quan tâm. Hoạt động báo chí nói chung cũng được tỉnh bố trí đủ nguồn lực cho các đơn vị đặt hàng, qua đó bảo đảm thu nhập cho người làm báo.
“Chúng tôi xác định các cơ quan báo chí tự chủ trên tinh thần nhà nước đảm bảo kinh phí đặt hàng – nghĩa là yêu cầu tự chủ 100% chi thường xuyên nhưng toàn bộ nguồn kinh phí đó là nhà nước bố trí đặt hàng vừa đảm bảo chất lượng tác phẩm vừa đảm bảo tự chủ trong chi tiêu – không bị ràng buộc bởi cơ chế và không bị bó hẹp trong các quy định của nhà nước”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cho biết.
Về các hoạt động đầu tư, đồng chí Phạm Anh Tuấn thông tin, tỉnh đã tiền hành đầu tư các trang thiết bị cho các cơ quan báo chí chủ lực trên địa bàn và xây dựng đề án chuyển đổi số báo chí, tạo đều kiện hỗ trợ báo chí phát triển một cách toàn diện và bắt kịp xu thế của thời đại. “Bình Định là đơn vị tiên phong, bố trí ngân sách cho truyền thông, trong đó các cơ quan lớn có nguồn kinh phí riêng, các cơ quan báo chí khác tuỳ nhu cầu bạn đọc sẽ được tỉnh bố trí kinh phí hợp lý”, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Bình Định cam kết với Hội Nhà báo Việt Nam trong việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí bao gồm cả các thông tin nhạy cảm. Đồng chí nhấn mạnh đến việc định hướng tuyên truyền của các cơ quan báo chí cần: “Tập trung đưa tin chuẩn xác, tránh việc giật tít câu view, phản biện phải mang tính xây dựng, chia sẻ tránh đánh hội đồng”.
Đồng thời, kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất ngân sách để tỉnh mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ và đạo đức người làm báo trên cơ sở bắt buộc các phóng viên trên địa bàn tỉnh phải tham dự.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc siết chặt tiến tới co gọn lại những cơ quan báo chí không cần thiết, thực hiện sai tôn chỉ mục đích, đưa tin theo diện “hả hê” cho một số người mà phá nát một tổ chức. Bên cạnh đó, kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam xem xét mô hình trong quy hoạch báo chí, tiến tới xây dựng một mô hình chung cho 63 tỉnh thành.
Hoà Giang – Sơn Hải
Nguồn: https://www.congluan.vn/danh-gia-dung-tam-quan-trong-cua-bao-chi-de-co-nhung-dau-tu-xung-dang-cho-bao-chi-post319825.html