Bằng nhiều cách làm linh hoạt, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phối hợp các ngành, địa phương và doanh nghiệp tích cực kết nối cung – cầu, đến làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời mời các tỉnh tham quan, làm việc tại Kiên Giang. Từ năm 2021 đến hết quý I-2023, thông qua hoạt động kết nối giao thương, Kiên Giang có 40 đơn vị ký hợp đồng cung ứng hàng hóa dài hạn với các siêu thị ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Đắk Lắk…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh (thứ ba, từ phải qua) giới thiệu sản phẩm địa phương đến ông Tạ Minh Sơn (thứ hai, từ phải qua).
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ khoảng 80 doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ trên 350 sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp chủ lực và các mặt hàng nông sản, thủy sản của tỉnh. Đồng thời, ký kết 20 biên bản hợp đồng ghi nhớ với các tỉnh, thành phố, 11 doanh nghiệp, hợp tác xã về cung ứng sản phẩm dài hạn cho các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại TP. Phú Quốc…
Cuối tháng 4-2023, Sở Công thương Kiên Giang mời Sở Công thương Đắk Lắk cùng các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đến thăm và kết nối các doanh nghiệp hai tỉnh. Kết quả, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của hai tỉnh ký kết 4 thỏa thuận hợp tác kinh doanh.
Tại hội nghị kết nối giao thương với tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng, Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Theo đó, công ty sẽ là đơn vị cung cấp gạo nguyên liệu cho hợp tác xã. Đồng thời, sẽ tìm hiểu thêm nhu cầu của khách hàng để nhập sản phẩm bún, miến, phở khô từ hợp tác xã nhằm đa dạng sản phẩm cung cấp ra thị trường. “Việc này vừa giúp công ty mở rộng thị trường tiêu thụ vừa giúp đa dạng sản phẩm để cung ứng ra thị trường, tăng khả năng cạnh tranh”, bà Tô Thị Thanh Nhíp – đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang cho biết.
Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị sản xuất tại Kiên Giang theo lời mời của Sở Công thương Kiên Giang, ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (An Giang) đánh giá cao các sản phẩm đặc trưng của Kiên Giang. Ông Sơn chia sẻ các yêu cầu đưa sản phẩm vào bán tại siêu thị Tứ Sơn như cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch thông tin sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm… “Về hình thức, bao bì, tôi nhận thấy các sản phẩm tại Kiên Giang đã tạo được cảm giác thân thiện, dễ nhận diện. Tuy nhiên, bao bì nên lồng vào các biểu tượng, hình ảnh mang tính đặc trưng, tiêu biểu của Kiên Giang để nhận diện ngay xuất xứ, kích thích hành vi mua sắm của người tiêu dùng”, ông Tạ Minh Sơn nói.
Hiện siêu thị Tứ Sơn đã ký kết hợp đồng tiêu thụ và đang bán một số sản phẩm của Kiên Giang như nước mắm, tinh dầu, trà mãng cầu xiêm, các sản phẩm từ cá cơm, hồ tiêu, một số sản phẩm của Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang. Ông Sơn khẳng định: “Thông qua siêu thị Tứ Sơn, các sản phẩm sẽ có cơ hội thâm nhập vào thị trường Campuchia”.
Đánh giá về hiệu quả của các hoạt động kết nối giao thương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh cho biết thông qua các hoạt động kết nối giao thương đã giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, kết nối hiệu quả giữa các nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, sản xuất và các tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng, nhất là các thị trường có sản phẩm khác biệt như Tây Nguyên, vùng cao, miền núi…
Đồng chí Trương Văn Minh cho rằng hoạt động kết nối giao thương dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng bền vững và hiệu quả. Sở Công thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, sau đó mới quyết định sản xuất những sản phẩm thị trường đang cần.
“Tôi mong thông qua các hoạt động kết nối giao thương sẽ tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để các doanh nghiệp bổ sung, hỗ trợ nhau phát triển. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp các tỉnh kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm ổn định tại hệ thống phân phối hàng hóa vào các siêu thị, hệ thống phân phối lớn. Mời gọi các nhà bán buôn, nhà phân phối lớn tham gia nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ và phát triển thương hiệu sản phẩm”, đồng chí Trương Văn Minh nói.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM