Sáng 4/11, Bệnh viện Đà Nẵng khánh thành và đưa vào sử dụng, vận hành hệ thống Kiosk Y Tế thông minh thực hiện nhiệm vụ Đề án 06/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hệ thống Kiosk Y Tế thông minh do Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) thực hiện theo công văn số 4687/CV-TCTTKĐA ngày 10/06/2024 về việc triển khai miễn phí giải pháp KIOSK y tế thông minh đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc theo Đề án 06/CP.
Việc vào sử dụng, vận hành hệ thống Kiosk Y Tế thông minh nhằm hiện thực hóa chỉ thị số 12/CT-BYT của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, mục tiêu hướng đến 100% thanh toán không tiền mặt tại Bệnh viện và chuẩn hóa việc định danh, xác thực dữ liệu bệnh nhân, theo chủ trương của Đề án 06 của Chính phủ.
Hệ thống Kiosk y tế thông minh có các tính năng đăng ký khám, chữa bệnh qua xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, tích hợp sổ sức khỏe điện tử; tạo tài khoản ngân hàng, cung cấp các sản phẩm tín dụng cho khách hàng theo quy định; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt… Hệ thống này giúp người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng đăng ký khám chữa bệnh và thanh toán viện phí chỉ cần Căn cước công dân có gắn chip, ứng dụng VSSID, VneID (mức độ 2), sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Các đại biểu cắt băng khai trương, đưa vào triển khai hệ thống Kiosk Y Tế thông minh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Anh Đào
Phát biểu tại chương trình, Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên, cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR), Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính Phủ, Bộ Công an mà trực tiếp là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội luôn luôn hướng tới chuyển đổi số trong ngành y tế. Bộ Công an và Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều các hoạt động chuyển đổi số.
Việc Bệnh viện Đà Nẵng cùng nhiều bệnh viện khác trên cả nước triển khai hệ thống Kiosk Y tế thông minh mang lại một ý nghĩa vô cùng lớn, đặc biệt là tạo lập một hệ thống dữ liệu cho ngành y tế.
Người dân sử dụng hệ thống Kiosk y tế thông minh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Mai Hương
Khi vận hành triển khai hệ thống Kiosk Y Tế thông minh sẽ tạo lập một hệ thống dữ liệu thống nhất, kết nối chia sẽ dữ liệu với Bộ Công an, giúp cho bệnh viện Đà Nẵng cũng như người bệnh được sử dụng những trải nghiệm thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tránh việc người dân phải xếp hàng đăng ký khám, chữa bệnh khá dài, gây quá tải bệnh viện.
Bên cạnh đó, việc tích hợp các loại giấy tờ, căn cước công dân đối với bệnh nhân một cách chính xác, đáp ứng mục tiêu không thanh toán tiền mặt của ngành ngân hàng cũng như Chính phủ.
Theo Thiếu tá Đào Đình Nam, Bộ Công an đặt ra mục tiêu hết năm 2025 sẽ có ít nhất 1001 Kiosk y tế thông minh tại các cơ sở y tế trên toàn quốc: “Kiosk y tế thông minh trông rất đơn giản thế thôi nhưng ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn, đặc biệt tạo lập dữ liệu cho ngành y tế. Hiện nay với Kiosk y tế hoặc với các dịch vụ thiết bị đầu đọc tại các địa điểm tiếp dân, tại địa điểm khám chữa bệnh tạo lập cho ngành y tế bộ dữ liệu sạch để thực hiện các hệ sinh thái khác. Giá trị của bộ dữ liệu này còn liên quan đến rất nhiều hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế”.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: Hệ thống Kiosk Y Tế thông minh là một dự án tiên phong trong việc thực hiện Đề án 06/CP tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp các đơn vị liên quan đưa vào vận hành triển khai hệ thống Kiosk Y Tế thông minh không chỉ giúp người dân chủ động trong việc đăng ký khám, chữa bệnh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các y bác sĩ, nhân viên y tế quản lý thông tin người bệnh một cách tốt hơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân./.
Thu Hằng