NDO – Những năm trở lại đây, tổ hợp dịch vụ giải khát, ăn uống ở khu vực Trần Phú – Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) đã không ít lần phải đóng cửa trước sự tiếc nuối của du khách thập phương. Nghịch lý về việc một mô hình du lịch gây nguy hiểm cho tính mạng con người nhưng lại thu hút rất nhiều khách đến tham quan đang đòi hỏi một giải pháp dứt điểm từ phía cơ quan chức năng.
NDO – Những năm trở lại đây, tổ hợp dịch vụ giải khát, ăn uống ở khu vực Trần Phú – Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) đã không ít lần phải đóng cửa trước sự tiếc nuối của du khách thập phương. Nghịch lý về việc một mô hình du lịch gây nguy hiểm cho tính mạng con người nhưng lại thu hút rất nhiều khách đến tham quan đang đòi hỏi một giải pháp dứt điểm từ phía cơ quan chức năng.
Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, “xóm đường tàu” nổi tiếng với dịch vụ cà phê – giải khát thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương, đặc biệt là người nước ngoài. Bởi tại đây, khách thập phương được thưởng thức không chỉ đồ uống, mà còn cả cảm giác “có một không hai” khi những đoàn tàu hỏa chạy qua ở khoảng cách rất gần. |
Thực tế, khu tổ hợp dịch vụ “cảm giác mạnh” này đã từng không ít lần bị buộc phải đóng cửa. Kèm theo đó, lực lượng chức năng đã túc trực thường xuyên trong mọi khung giờ để bảo đảm hành lang an toàn đường sắt cũng như tính mạng người dân, khách du lịch. |
Tuy nhiên, bất chấp những lệnh cấm được liên tục đặt ra, các loại hình dịch vụ liên quan vẫn đua nhau mọc lên với tốc độ chóng mặt, khiến “xóm đường tàu” dần trở thành “khu cà phê đường tàu”. Khu vực này nổi tiếng đến mức, hầu như mọi người khách du lịch nước ngoài, nhất là “du lịch bụi” đều muốn đặt chân đến đây và trải nghiệm ít nhất một lần trong đời. |
Thực tế, sự phát triển của khu tổ hợp “cà phê đường tàu” đã kéo theo không ít những loại hình dịch vụ du lịch “ăn theo”. Ví dụ như trong ảnh là một người lái xích lô đang chờ đợi, mời chào khách ngay trên đường ray tàu hỏa đoạn đi qua phố Trần Phú. Tất nhiên, các hoạt động tương tự thường xuyên gây ách tắc cục bộ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông công cộng. |
Cách đó vài bước chân, không khí bên trong khu tổ hợp “cà phê đường tàu” luôn ở trong trạng thái nhộn nhịp. Ngày cũng như đêm, hành lang an toàn đường sắt tại đây bị xâm phạm nghiêm trọng. Không chỉ khách du lịch nước ngoài, nhiều gia đình và các bạn trẻ cũng thường xuyên lui tới “cà phê đường tàu” để có cho mình những bức ảnh ngập tràn “cảm giác mạnh”. |
Có cung ắt có cầu. Những người dân sinh sống quanh khu vực “xóm đường tàu” nhanh chóng mở ra hàng loạt dịch vụ để chiều lòng, thu hút khách thập phương. Chị Hà, một trong những tiểu thương tại đây cho biết: kinh doanh dịch vụ giải khát tại đây cần gấp đôi lượng nhân công so với bình thường. Bởi ngoài nhân viên pha chế, chạy bàn, còn phải có người “trông” khách mỗi khi tàu đi qua. |
Quả thật, tại khu tổ hợp “cà phê đường tàu”, mỗi hộ kinh doanh phải tự quản lý, bảo đảm an toàn cho khách sử dụng dịch vụ tại quán của mình. Trong đó, để tiết kiệm chi phí thuê nhân công cũng như thời gian thu dọn đồ đạc của quán khi có tàu hỏa chuẩn bị đi qua, nhiều tiểu thương đã “sáng tạo” ra cách xếp gọn bàn, ghế mà khách đang sử dụng vào… giữa 2 ray tàu. |
Tuy nhiên, rõ ràng những phương pháp xử lý của các tiểu thương là không đủ, bởi luôn có những du khách quá phấn khích mà không màng đến việc tự bảo vệ bản thân cũng như bảo đảm hành lang an toàn đường sắt. Trước những toa tàu nặng hàng chục tấn đang lầm lũi tiến tới, không ít người vẫn bất chấp, thậm chí cố tình tiến đến thật gần để lưu lại khoảnh khắc “để đời”. |
Mỗi ngày, có khoảng 5-7 chuyến tàu đi qua khu tổ hợp “cà phê đường tàu”. Ngay khi những hồi chuông lanh lảnh cất lên, nhân viên các quán giải khát lại nhanh chóng ổn định vị trí của du khách như để chuẩn bị bước vào một tiết mục trình diễn đặc biệt. |
Đây cũng là thời điểm sự háo hức hiện rõ nhất trên gương mặt những vị khách phương xa. Ai cũng chuẩn bị sẵn thiết bị trong tay để lưu lại giây phút cả đoàn tàu hỏa vụt qua với khoảng cách chỉ vài gang tay. Chị Gabriela Bravo, du khách người Tây Ban Nha, cho biết chưa từng có trải nghiệm tương tự ở bất kỳ quốc gia nào từng đến trên toàn thế giới. “Mặc dù nguy hiểm, nhưng sự phấn khích của đám đông và “tác phong chuyên nghiệp” của những người chủ quán khiến chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều”, chị nói. |
Trong khi đó, ở khu vực tầng 2 của các quán “cà phê đường tàu”, nhiều du khách không ngại ngần chạm hẳn tay vào đoàn tàu đang di chuyển. Việc này ít khi được các chủ quán và nhân viên biết đến, hoặc nếu có thì cũng chỉ nhắc nhở qua loa. |
Khoảng cách vô cùng nhỏ giữa những du khách và đoàn tàu. Có ý kiến chuyên gia từng cho rằng, đây là một loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo của Hà Nội. Những ngày cuối tuần, lượng khách thập phương đổ về các quán “cà phê đường tàu” có thể tăng gấp 3-4 lần. Trong đó, nhiều khách nước ngoài sẵn sàng ngồi “giữ chỗ” trước vài giờ đồng hồ để được trải nghiệm khoảng cách nêu trên. |
Trong ảnh là một cặp đôi người nước ngoài thoải mái “selfie” khi đoàn tàu đi qua. Khoảng cách từ người đàn ông đến thành tàu có lẽ chỉ chưa đầy một gang tay. |
Để bổ sung vào sự “độc nhất vô nhị” của loại hình dịch vụ này, các chủ quán còn khuyến khích, hướng dẫn khách mua đồ uống rồi lấy nắp chai đặt lên đường ray tàu. Sau mỗi lần đoàn tàu đi qua, du khách sẽ có một món quà kỷ niệm nho nhỏ mang tính chất “độc bản”. |
Một nữ du khách hào hứng với món quà kỷ niệm độc đáo từ “cà phê đường tàu”. |
Không thể phủ nhận sự tồn tại của những dịch vụ như “cà phê đường tàu” dù nguy hiểm nhưng lại góp phần không nhỏ tạo nên một cảm giác thân thiện, góp phần quảng bá sự sáng tạo của du lịch Việt Nam đến với du khách thập phương. Trong ảnh là đông đảo khách du lịch tỏ ra hào hứng với những thước phim cũng như các món kỷ vật đặc biệt vừa có được sau khi đoàn tàu đi qua ở khu vực Phùng Hưng – Trần Phú. |
Sự ra đời và những thành công nhất định của quán cà phê Hỏa Xa tại ga Long Biên (Hà Nội) là thí dụ rất đáng quan tâm về nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ của ngành đường sắt Việt Nam. Hy vọng rằng, những sáng kiến, sáng tạo tương tự có thể áp dụng hiệu quả cho “cà phê đường tàu”, để mô hình này có thể hoạt động trên tinh thần bảo đảm an ninh, an toàn, mang lại hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. |
Nguồn: https://nhandan.vn/anh-tim-huong-di-hai-hoa-hieu-qua-cho-ca-phe-duong-tau-post838707.html