Hàng loạt bước ngoặt đã xảy ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, biến cuộc đua năm nay thành một trong những kỳ bầu cử kịch tính bậc nhất.
Chỉ còn 2 ngày nữa đến ngày bầu cử chính thức tại Mỹ và hai ứng viên Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Kamala Harris (đảng Dân chủ) đang so kè quyết liệt. Đã có những ý kiến cho rằng đây là kỳ bầu cử kỳ lạ và kịch tính với hàng loạt bước ngoặt xảy ra. Cùng điểm lại một số sự kiện được cho là đã tác động cục diện đường tranh cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump bị kết tội
Ngày 30.5, sự kiện chấn động xảy ra khi ông Donald Trump trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội, với 34 cáo buộc trong vụ án hình sự tại New York, theo AFP.
Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu việc chi tiền cho một diễn viên phim người lớn trước cuộc bầu cử năm 2016. Số tiền nhằm buộc người phụ nữ không công khai mối quan hệ với ông Trump.
Vụ án này gây cản trở ông Trump trong quá trình vận động tranh cử song cũng giúp ông trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của truyền thông.
Ông Trump đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc nhưng sẽ bị tuyên án vào ngày 26.11. Mặc dù vậy, không có luật nào cấm ông điều hành Nhà Trắng nếu tái đắc cử.
Màn tranh luận kịch tính
Ngày 27.6, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên, đương kim Tổng thống Joe Biden và ông Trump diễn ra. Trong cuộc tranh luận, ông Biden tỏ ra lép vế khi liên tục quên lời, nói lắp với giọng khàn, đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề sức khỏe của nhà lãnh đạo 82 tuổi.
Ông Biden cho rằng đó chỉ là một đêm tồi tệ nhưng những người bất đồng lại nói ngược lại. Đảng Dân chủ hoang mang trong khi các nhà tài trợ dọa rút lại sự ủng hộ nếu ông không rút lui.
Các khảo sát thăm dò hậu tranh luận cho thấy ông Trump bỏ xa ông Biden nhưng Nhà Trắng nhấn mạnh vị chủ nhân sẽ không bỏ cuộc.
Ông Trump bị ám sát hụt
Ngày 13.7, khi đang phát biểu tại sự kiện vận động ngoài trời ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, ông Trump bị một tay súng ở tòa nhà gần đó bắn sượt tai. Mật vụ Mỹ lập tức lao lên bục che chắn cho ứng viên đảng Cộng hòa. Sau một hồi trấn tĩnh, ông đã giơ nắm tay lên và tuyên bố “chiến đấu”, tạo ra một trong những hình ảnh biểu tượng trong lịch sử chính trị Mỹ. Tay súng 20 tuổi Thomas Matthew Crooks bị Mật vụ Mỹ bắn chết tại hiện trường.
Sau lần bị ám sát hụt, sự ủng hộ dành cho ông Trump gia tăng và vị cựu tổng thống tranh thủ thời cơ để kêu gọi cử tri, tuyên bố rằng ông đã “lãnh viên đạn cho nền dân chủ”.
Ông Biden rút lui, bà Harris tranh cử tổng thống
Chiều 21.7, Tổng thống Biden công bố quyết định dừng tranh cử. Quyết định không gây bất ngờ bởi nhà lãnh đạo đã chịu sức ép từ phía đảng Dân chủ, song được đưa ra đột ngột qua một dòng “tweet” trên mạng X (tên cũ là Twitter).
Quyết định khiến ông Biden trở thành tổng thống tại nhiệm đầu tiên từ năm 1968 không tái tranh cử, theo AFP. Phó tổng thống Kamala Harris qua đó nhận được sự ủng hộ của ông Biden để trở thành người thay thế tranh cử.
Quyết định tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đua. Chỉ trong 2 tuần, bà Harris chính thức nhận được đề cử của đảng Dân chủ, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống của một trong hai đảng lớn. Sự nhập cuộc của bà Harris cũng làm khôi phục năng lượng cho phe Dân chủ, giành lại sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò, gồm tại các bang dao động quan trọng.
Vụ mưu sát lần 2
Ngày 15.9, ông Trump tiếp tục trở thành mục tiêu ám sát. Mật vụ Mỹ đã nổ súng khi phát hiện một đối tượng nấp sau hàng rào sân golf ở Florida với khẩu súng trường trong lúc ông Trump đang chơi golf cách đó vài trăm mét.
Vị ứng viên không bị thương. Tay súng bỏ chạy nhưng bị bắt trên đường. Các nhà điều tra cho biết tay súng Ryan Routh không bắn về phía ông Trump nhưng đã bỏ chạy khi một đặc vụ nổ súng.
Sự trỗi dậy của bà Harris
Chỉ trong vòng vài tuần sau khi thay thế ông Biden tranh cử, bà Harris từ chỗ là nhân vật không quá nổi bật đã nhanh chóng vươn lên trong cuộc đua sít sao chưa từng thấy.
Thời khắc nổi bật trong chiến dịch của bà là cuộc tranh luận với ông Trump vào ngày 10.9, khi bà được đánh giá là thể hiện tốt hơn đối thủ. Cuộc đọ sức dâng lên cao trào trong tuần trước ngày bầu cử với các cuộc vận động lớn.
Với ông Trump là sự kiện đông nghẹt khán giả tại sân vận động Madison Square Garden ở New York hôm 27.10, nơi các nhân vật phát biểu đưa ra những câu đùa mang tính phân biệt chủng tộc gây tranh cãi. Về phía bà Harris là sự kiện với đông người tham dự nhất vào ngày 29.10 tại công viên quốc gia ở bên ngoài Nhà Trắng.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nhung-buoc-ngoat-trong-cuoc-tranh-cu-tong-thong-my-2024-185241103123439306.htm