Báo cáo tài chính quý 3-2024 cho thấy mức tăng trưởng toàn thị trường được đóng góp chủ yếu bởi nhóm phi tài chính với bức tranh kinh tế tươi sáng.
Gạo, cà phê, rau quả, tiêu… năm nay được xuất khẩu với mức giá tăng vọt, đưa kim ngạch xuất khẩu ngành nông sản đạt mốc mới.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp mang về gần 52 tỉ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp có thể đạt 62 tỉ USD trong năm nay, con số kỷ lục từ trước đến nay
Người trồng sầu riêng, cà phê vui hơn Tết
Gần 5 năm trồng sầu riêng nhưng gia đình ông Nguyễn Mười (tỉnh Tiền Giang) chưa năm nào phấn khởi như năm 2024.
Ông Mười kể sầu riêng ở miền Tây mùa chính vụ là hai tháng 4-5. “Mùa đó tôi đã “hốt” được kha khá, gửi tiết kiệm ngân hàng.
Còn lại ít đầu tư tái canh tác. Bây giờ miền Tây đang có sầu riêng trái vụ, đầu tháng 9 thương lái đã đặt hàng.
Có hơn 100 gốc sầu riêng Musang King và sầu riêng Ri6, thương lái ra vào liên tục. Sầu riêng tăng giá, không những tôi mà bà con trồng sầu riêng rất vui mừng” – ông Mười chia sẻ.
Nếu như sầu riêng chính vụ ông Mười thu hoạch gần 40 tấn, với mức giá 120.000 đồng/kg, trừ hết các chi phí lãi gần 4 tỉ đồng thì sầu riêng trái vụ, ông Mười cho biết sản lượng thu hoạch khoảng 1/3 chính vụ nhưng mức giá hiện 140.000 – 150.000 đồng/kg nên có thể lãi thêm 2 tỉ đồng.
Bà Bùi Thị Châm, giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A (ở TP Cần Thơ), cho biết các nước tăng nhập khẩu với sầu riêng, nhất là Trung Quốc, nên sản lượng và giá sầu riêng tăng mạnh.
“Năm nay, giá sầu riêng bà con bán ra tại vườn cao nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, bà con trồng sầu riêng trúng đậm. Đặc biệt, những hộ có sầu riêng trái vụ thì lợi nhuận rất lớn, có khi gấp đôi”, bà Châm nói.
Ngoài sầu riêng, cà phê cũng có 10 tháng xuất khẩu kỷ lục chưa từng có. Bà Phạm Thị Thương (tỉnh Đắk Nông) có gần 15ha cà phê, trong hai vụ trở lại đây, bà Thương cho biết cà phê được mùa, được giá.
“So với vụ năm 2022 thì giá lẫn sản lượng èo ọt. Nhưng mùa 2023, 2024 cà phê lại được mùa, thu về khoảng 3,5 – 3,8 tấn/ha. Giá bán có thời điểm gần 126.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, người trồng cà phê có thể thu về lợi nhuận hơn 350 triệu đồng mỗi ha. Thương lái ra vào liên tục. Nông dân được mùa, có tiền phấn khởi” – bà Thương chia sẻ.
Còn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn tiếp tục “ngây ngất” khi gạo được giá. Chị Nguyễn Thị Thu, nông dân trồng lúa ở tỉnh Đồng Tháp, nói về thu nhập: “Giá lúa vụ thu đông dao động từ 7.500 – 7.800 đồng/kg. Chúng tôi sẽ thu về hơn 30 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. So với vụ chính hè thu, như vậy là quá ổn”.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 2024 là năm nông dân làm lúa bán được giá cả ba vụ nhờ vào thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá cao.
Ngay người trồng hồ tiêu cũng bất ngờ về mức tăng giá của sản phẩm này. Bà Phạm Thị Tường Vân, người trồng tiêu ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), chia sẻ: “Đầu năm 2024, tiêu chỉ có giá 60.000 – 70.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm lên 180.000 đồng.
Dù hiện nay hơn giá 144.000 đồng/kg vẫn là mức rất cao. Người trồng tiêu chưa bao giờ chứng kiến mức tăng kinh khủng như vậy. Bà con có lợi nhuận và mạnh dạn đầu tư. Tôi đã trồng thêm gần 2 sào tiêu vì tin tưởng vào nhu cầu của thế giới cũng như nhu cầu nội địa”.
10 tháng, kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt 1,12 tỉ USD, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá xuất khẩu trung bình 5.084 USD/tấn, tăng 51,7%.
Tiếp tục mở rộng thị trường
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp nằm trong top 20 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tiêu lớn thì ngoài các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ…
“Doanh nghiệp luôn cần hỗ trợ trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu, tháo gỡ rào cản của các nước đặt ra và gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro.
Nhu cầu của thế giới với nông sản Việt luôn tăng nên phải chú trọng việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản để việc xuất khẩu bền vững, tạo niềm tin với người tiêu dùng thế giới và tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu” – vị lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận.
Còn với thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang tăng tốc những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD (tăng so với năm 2023 là 1,8 tỉ USD).
Hiệp hội này cho rằng thời gian tới có thuận lợi là thị trường Mỹ tăng trưởng tốt và mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố sẽ mua thêm thủy sản, trong đó có các sản phẩm từ cá da trơn.
“Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông, Trung Quốc, EU… bên cạnh các thị trường truyền thống”, ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký VASEP – đánh giá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết vừa qua Việt Nam ký thêm ba nghị định thư về xuất khẩu dừa, sầu riêng đông lạnh và cá sấu.
Hiện bộ đang phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản trong hai tháng cuối năm để tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
“Mốc xuất khẩu cả năm 2024 mà Chính phủ giao là 54 đến 55 tỉ USD. Còn lại tháng 11 và tháng 12, nếu mỗi tháng xuất khẩu chỉ đạt 5,5 tỉ USD thì xuất khẩu cả năm 2024 có khả năng đạt trên 62 tỉ USD. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay” – ông Tiến nói.
Thấy giá tăng vẫn phải tính… đường lùi
Người trồng sầu riêng thường có được lợi nhuận lớn hơn hẳn các loại cây công nghiệp khác nhưng không phải lúc nào cũng dễ ăn.
Theo ông Nguyễn Bảo Nguyên (Buôn Hồ, Đắk Lắk), 1ha sầu riêng có thể cho năng suất từ 7 – 10 tấn.
Tuy nhiên, suất đầu tư trồng sầu riêng lớn, loại cây trồng này hay dịch bệnh, chưa kể vụ mùa 2024 thời tiết bất lợi nên hầu hết vùng trồng tại Tây Nguyên chịu thiệt hại nặng vì sầu bị sượng cơm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Tùng – phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – xác nhận tình trạng sầu riêng bị sượng năm nay gây tổn thất cho nhiều nhà vườn, thậm chí cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn chung đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân giàu lên.
Tương tự, với giá hồ tiêu hiện nay, ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), xác nhận khoảng 70 – 80% nông dân chọn bán vào thời điểm giá dưới 100.000 đồng/kg.
Do đó, có lợi nhất vẫn là đại lý và doanh nghiệp nếu lực lượng này chọn dự trữ. Theo ông Bính, trong nước sắp vào vụ thu hoạch (tháng 12), nếu giá hồ tiêu giữ mức tốt thì nhiều nông dân năm nay mới có lợi.
Hiện nhiều nông dân đã bắt đầu thu hoạch cà phê và chọn bán cà tươi với giá khá cao: 20.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp cho rằng cái lo lớn nhất là sợ giá biến động.
Việc trồng mới ào ạt khi thấy giá tăng cao sẽ dễ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu, kéo giá xuống thấp trong những năm tới.
Những kỷ lục mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm nay đã đạt 51,74 tỉ USD, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước và ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 15,2 tỉ USD, tăng mạnh hơn 62% so với cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đua nhau lập kỷ lục lịch sử.
Đơn cử 10 tháng đầu năm xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê – dù lượng giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng cao kỷ lục giúp thu về 4,6 tỉ USD.
Tương tự, xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm đạt 4,86 tỉ USD – vượt kỷ lục của cả năm 2023 (4,68 tỉ USD). Như vậy, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo và thu về 4,68 tỉ USD nhưng 10 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn.
Trong hai tháng cuối năm có thể đưa xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn. “Ấn Độ vừa cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng còn phân khúc gạo thơm, gạo cao cấp của nước ta lại bán được giá cao và rất ổn định giá nên đây là điều rất mừng” – ông Tiến nói.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước và thu về 6,34 tỉ USD trong 10 tháng, trong đó nhờ xuất khẩu sầu riêng bùng nổ.
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm nay không chỉ gia tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc mà giá trị xuất khẩu cũng tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính với mức tăng mạnh nhất tại thị trường Thái Lan (87%).
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đây là một năm thắng lợi lớn của ngành rau quả, kết quả này nhờ một phần vào nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh của Trung Quốc.
Theo ông Nguyên, hai tháng cuối năm chúng ta tiếp tục xuất khẩu sầu riêng trái vụ trong khi các nước khác không có hàng.
Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng hưởng lợi khi bước vào mùa đông là thời điểm nhiều nước gặp khó khăn trong thu hoạch, còn Việt Nam vẫn duy trì điều kiện thuận lợi để trồng rau quả.
Đặc biệt, lợi thế về kết nối đường bộ, biển và đường sắt với Trung Quốc giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển. “Với đà này, xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 7,5 tỉ USD – kỷ lục chưa từng có” – ông Nguyên nhận định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoi-nam-kinh-te-don-tin-vui-20241103083502884.htm