Có người bảo đó là “chợ phiên đẹp nhất Việt Nam”, chẳng biết có không. Còn đối với những người con tha hương, đó là một trong những hình ảnh gợi nhớ về thủa ấu thơ, về quê hương bản quán.
Anh Nguyễn Quốc Toàn, 45 tuổi, quê ở Sơn Dương, Tuyên Quang nhưng định cư ở TPHCM từ gần 10 năm nay. Tôi quen anh sau một lần có việc cần xây sửa nhà bởi anh Toàn là chủ thầu xây dựng, có một nhóm thợ toàn dân Tuyên Quang.
Từ một tấm ảnh
Có lần, lướt trên mạng thấy tấm ảnh chợ quê miền Bắc, cụ thể là một chợ phiên ở Sơn Dương, Tuyên Quang rất đẹp với phong cảnh làng quê miền núi, chợ đơn sơ giữa đồng bên một cây đa rất lớn, tiện có Toàn ở đó, tôi hỏi anh có biết chỗ ấy không. “Ôi, chỗ này là quê tôi mà, chợ Cây đa Tuân Lộ đấy”, anh Toàn nói như reo. “Khi nào có dịp về quê tôi chơi, tôi sẽ dẫn ông đến thăm”, Toàn bảo.
Bằng đi một thời gian, tôi cũng quên khuấy mất ngôi chợ quê cùng lời mời. Rồi tôi chuyển công tác, về Bắc. Bỗng một ngày, tôi nhận được điện thoại, đầu dây bên kia là tiếng Toàn: “Tôi tranh thủ ra ngoài quê, ông bố trí một hai hôm về Sơn Dương với tôi nhé. Tôi sẽ đưa ông đi thăm chợ Cây đa”. Đang rảnh rỗi, cộng thêm cái tính thích lang thang, thế là tôi nhận lời.
Đúng hẹn, tôi đi xe máy từ Hà Nội lên Vĩnh Yên, rẽ hướng Quốc lộ 2C, qua cầu Liễn Sơn chạy về Tân Thanh, Sơn Dương, như hướng dẫn của người bạn. Từ đằng xa đã thấy cây đa lớn xanh um cách đường cái lớn chừng 100 m. Nhưng chợ không một bóng người và khung cảnh trông có vẻ tiêu điều, không nhộn nhịp, sáng bừng, lấp lánh như trong ảnh. Cây đa lớn nhưng trông tiều tụy, một cành lớn bị gãy vẫn còn nằm chỏng chơ dưới bãi đất gần gốc (sau này mấy người bán hàng ở chợ nói cây bị sét đánh).
Gia đình người bạn đón tôi rất niềm nở. Ông Tuấn, bố Toàn nói mấy năm vừa rồi có dịch Covid, vợ chồng anh không về Bắc. Lần nay con trai ông tranh thủ ra thăm bố mẹ nhưng vợ bận công việc, các con bận học nên không theo ra được. “Cháu nó về quê mà lại có anh là bạn đến chơi, quý hóa quá”, ông Tuấn, 68 tuổi, cựu cán bộ ủy ban xã, nói.
Tôi hỏi ông Tuấn vì sao xã Tân Thanh mà chợ thì lại là “Cây đa Tuân Lộ”. Ông Tuấn cười: Nguyên xã Tân Thanh này là do hai xã Tuân Lộ và Thanh Phát của huyện Sơn Dương hợp thành từ năm 2019. “Xã đổi tên nhưng dân thì vẫn cứ quen gọi là chợ Cây đa Tuân Lộ”, ông nói. Ông bảo từ nhỏ đã thấy có chợ. “Cây đa thì còn có trước nữa. Bà mẹ tôi năm nay 96 tuổi còn nhớ lúc bà ấy lớn lên thì cây đa đã ở đó từ lâu lắm rồi”.
Toàn chợt chen vào: “À bố, cái bà cụ bán bánh chưng rán có còn đi chợ không?”. “Bà ấy mất lâu rồi, giờ con dâu tiếp quản gánh bánh chưng”, mẹ Toàn trả lời thay chồng.
Ông Tuấn nói chợ Cây đa Tuân Lộ theo phiên, cứ vào mùng hai, mùng 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch thì họp, mà cũng chỉ từ sáng sớm đến trưa là tan, bao năm nay vẫn thế.
Hôm sau, mùng 2 âm, Toàn dẫn tôi ra chợ chơi. Người ta hay nói chợ chính là “bộ mặt kinh tế” của địa phương. Giàu sang, no đủ hay thiếu thốn, cứ ra chợ là thấy. Nếu so với các chợ ở vùng đông dân cư, vùng thấp dưới xuôi, chợ Cây đa có thể gọi là nghèo nàn, hàng hóa chủ yếu là những thứ phục vụ nông nghiệp và đồ ăn thức uống hằng ngày.
Theo lời Toàn, ở chợ có một số người bán hàng theo dạng chuyên nghiệp, ví dụ hàng bánh rán, hàng bánh chưng, bánh cuốn, hàng thịt hay quầy bán quần áo. Những người này ngồi chỗ cố định, phiên nào cũng có mặt. “Số còn lại là dân trong vùng, lâu lâu có gì bán được, ví dụ vài mớ rau mới hái, mớ tép đêm qua xúc được hay bầy chó con mới học ăn cơm, lại đem ra chợ Cây đa”, Toàn nói.
Ông Tuấn cho biết cả xã Tân Thanh có hơn 6.000 dân với 7 dân tộc. Người dân tộc thiểu số chiếm 50 %, đa phần là người Dao, người Nùng, người Tày, Cao Lan, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, trồng rừng và chăn nuôi quy mô nhỏ.
Sắc màu văn hóa đa dạng ấy tụ họp trong cái chợ rộng chưa đầy 3.000 m2. “Ở đây, ông có thể thấy người Kinh bán thịt lợn, các giống vật nuôi, quần áo, người Dao bán lá thuốc, người Nùng bán dao, bán kéo, đồ rèn”, Toàn nói.
Những người bán hàng lâu năm trong chợ bảo ngày xưa dân trong vùng thấy có cây đa phủ bóng mát ở cạnh gò đất giữa cánh đồng lúa thì kéo đến bày hàng bán, đông dần thì thành chợ. Lúc đầu chỉ là vài cái quán nhỏ dựng lên bằng thân tre, lợp lá cọ hay cỏ tranh. Sau này chính quyền xây thành các dãy nhà lợp mái ngói, rồi đến thời mái fibro xi măng và nay thì một số dãy nhà đã được thay bằng tôn mạ kẽm.
Chúng tôi dạo một vòng quanh chợ. Khu ngoài bán cây giống, vật nuôi, bên trong là các gian hàng nông cụ toàn cuốc xẻng, dao, kéo. Rồi đến hàng thịt lợn, cá. Tất cả được bày dưới đất, trên tấm bạt nhựa, chiếu nhựa hay nylon. “Chỉ có người Kinh mới bày thịt trên phản thôi, bà con dân tộc thiểu số quen trải thịt dưới đất như thế”, Toàn nói.
Anh bảo đối với mình, khi xa quê, nhớ đến chợ Cây đa là nhớ đến mấy hàng quà của vùng quê nghèo, chúng gắn bó với tuổi thơ của những người như anh. “Quà quê cũng chẳng có gì, chủ yếu là hàng bánh rán đường, hàng bánh chưng, loại bánh bằng một nửa bàn tay người lớn, nhưng hồi ấy lúc nào cũng đói, ăn sao mà ngon thế”, Toàn nói.
Ngày trước, cứ đến phiên chợ thì cả người lớn và trẻ con đều vui. Có khi cả nhà xuống chợ, bố thì “làm cút rượu” với mấy ông bạn ở hàng bún lòng, bà mẹ mang theo gánh rau vừa bán vừa ngó ông con trai mồm ngậm cái kẹo bột mới được mua cho, nhảy nhót nghịch ngợm hết chỗ này chỗ nọ.
“Bây giờ Nhà nước đo nồng độ cồn gắt nên các ông cũng ít ngồi lai rai buổi sáng như trước, chỉ vài ông nhà gần chợ vẫn còn giữ thói quen ấy thôi”, chị bán bún chả nói. Bún chả ở chợ quê không giống món ăn cùng tên nổi tiếng ở Hà Nội, chỉ đơn giản là bún chan nước dùng, bỏ thêm vài miếng thịt lợn nướng. “Ở đây chỉ biết ăn kiểu này, bún chả kiểu Hà Nội mọi người không quen”, chị bán bún nói. Chị bảo mỗi phiên, chị bán được trên dưới 30 bát bún, mỗi bát giá 15.000 đồng.
Chợ Cây đa lên phim
Chị hàng bún nói chợ tuy nhỏ thế nhưng không chỉ dân xã Tân Thanh hay các xã lân cận mà có những người ở thị trấn Sơn Dương, hay người ở bản xa 15 – 20 km cũng về đây mua bán, trao đổi. “Nhỏ mà nổi tiếng ra phết. Lên cả phim rồi đấy chú ạ”, chị bảo.
Theo những người bán hàng ở chợ Cây đa, đã có nhiều đoàn về đây lấy chợ làm bối cảnh quay phim. Có người nói cảnh chợ Cây đa đã lên phim Làng Vũ Đại ngày ấy, lại có người nói “lên phim gì mà có ông Xuân Hinh đóng vai thầy bói”…
Ông Tuấn bảo chợ Cây đa lên phim ảnh thì đúng, nhưng chắc chắn không phải là Làng Vũ Đại ngày ấy. “Tôi nhớ chắc chắn không phải phim ấy, còn phim gì thì nay lâu quá không nhớ được tên. Đài truyền hình tỉnh cũng nhiều lần về quay cảnh chợ, làm video ca nhạc”, ông nói.
Không biết có phải nhờ được lên phim, hay nhờ mấy tấm ảnh đẹp được đưa lên một số diễn đàn, mà chợ Cây đa được biết đến nhiều hơn những nơi khác ở Tân Thanh. Trên mạng, người ta bảo nhau “đó là chợ phiên đẹp nhất Việt Nam”. Nhưng cũng có những phượt thủ, nổi hứng bởi vẻ đẹp như tranh vẽ của ngôi chợ quê qua ống kính của nhiếp ảnh gia, vượt cả trăm cây số đến đây để rồi nhận ra cảnh vật không lung linh như họ dự kiến. “Trông ảnh thì đẹp thế, đến rồi thấy cũng thường thôi”, một người viết trên Facebook.
Những ai am hiểu nhiếp ảnh đều biết rằng một khung cảnh nào đó muốn lên ảnh đẹp còn tùy thời điểm, tùy mùa, tùy góc máy, tùy tài năng của người chụp và nhiều thứ khác nữa.
“Nhưng đối với tôi, chợ lúc nào cũng đẹp bởi nó gắn liền với cả quãng đời trẻ con. Sống ở xa, mỗi khi được về quê, ra chợ là được gặp lại bao nhiêu thứ thân thuộc với mình ngày trước. Vì thế, cứ ra thăm ông bà, kiểu gì tôi cũng ghé chợ Cây đa”, anh Toàn nói.
Nguồn: https://daidoanket.vn/di-cho-cay-da-10293664.html