Những ngày này, đi dọc tuyến đường lên biên giới với nước bạn Campuchia, đoạn qua xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, sẽ thấy nhiều căn chòi dựng dã chiến ven lộ, treo bảng “bán đọt riềng”.
Dù vậy, sản phẩm đâu không thấy, chỉ thấy cái võng treo lơ thơ trên cái vạt tre cũ bóng màu thời gian. Chạy qua nhiều căn chòi như vậy vẫn không thấy ai đứng bán, tôi dừng hú họa trước một căn chòi dựng trước căn nhà cấp 4 rồi cất tiếng gọi, cũng chẳng có ai lên tiếng. Tôi đi vòng ra sau nhà vườn thì thấy hai đứa trẻ đang chơi thải sỏi. “Bà nội con đi hái riềng dưới ruộng rồi, để con ra kêu nội về bán” – bé trai khoảng 10 tuổi nhanh nhảu. “Đọt riềng đâu, cho cô xem với” – tôi hỏi. Thằng nhóc chạy lon ton ra chòi, mở nắp cái thùng xốp cũ kỹ đặt dưới gốc cây, bên trong có 2 bó đọt riềng trắng nõn đang ướp đá lạnh ngắt.
Theo chân hai đứa nhóc đi “kêu bà nội”, băng qua mấy ruộng lúa thì đến một đám riềng cao lút đầu. Một phụ nữ luống tuổi đang hì hục vạch đám lá riềng xanh mướt rồi dùng sức bứt từng đọt riềng tím thẫm. “Tôi tranh thủ sáng trời mát đi bứt để về lột bán trong ngày. Cũng sắp xong rồi, cô đợi một chút” – bà vui vẻ nói.
Cùng bà cháu vác đống đọt riềng về nhà, tôi chưa vội đi mà ngồi lại xem họ lột vỏ riềng và chủ yếu để học lóm cách ăn, cách nấu cái món thuở cha sinh mẹ đẻ mới thấy lần đầu.
Với một chiếc dao nhỏ, bà Lê Thị Mai – chủ nhân đám riềng – thoăn thoắt cắt ngọn, tách rồi lột phần vỏ tím thẫm ra, để lộ những đọt riềng to cỡ chiếc đũa, dài 30-40 cm, trắng nõn. Tôi xin 1 cọng nhấm thử, mùi riềng cay nồng nhưng không quá gắt, vị cay the rất thơm. “Đọt này để ăn sống hay luộc gì cũng được nhưng ngon nhất là nấu canh chua hoặc xào với gà và lá giang” – bà Mai nói.
Bà Mai kể ở vùng này vài chục năm trước chỉ toàn rừng. Mùa mưa đến, riềng trong rừng xanh tốt, đọt ra liên tục nên người ta hái ăn, dư thì bán cho bà con lối xóm hay người địa phương khác có dịp đi qua. Sau này dân cư đông lên, người ta phá rừng trồng cao su, riềng rừng hiếm dần nên mọi người bứng về nhà trồng giữ giống, sau nhân rộng, thuần hóa dần. “Đám riềng của nhà tôi gầy ra được cũng gần 5 năm rồi. Riềng mình trồng không thơm ngon bằng riềng rừng nhưng được cái cọng to hơn, ra nhanh hơn. Mùa nắng tưới nước cũng ra đọt. Nhờ nó mà gia đình tôi có đồng ra đồng vào” – bà Mai tâm sự.
Đọt riềng, món lạ vùng biên
Giá 1 kg đọt riềng là 50.000 đồng, nghe qua thì không rẻ nhưng nhìn công người nông dân ra sức bứt từng cái đọt rồi về còng lưng lột vỏ thì nó không hề đắt. Tôi mua 1 kg đọt riềng, do không kiếm được lá giang nên một phần nấu canh chua, một phần xào với thịt gà.
Cái món thật lạ, cay nồng đó nhưng khi nấu canh chua lại cho một vị thanh rất dễ chịu và ngọt lịm khi xào với thịt gà. Và trong cái vị thanh tao, ngọt lành đó vẫn vương thoảng cái hương riềng nồng nàn ấm áp…
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/dot-rieng-mon-la-vung-bien-20190725211312589.htm