Buổi thảo luận tổ tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa X, GS.TS Đỗ Quang Hưng khiêm tốn ngồi ở một góc phòng họp. Ông nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, tham gia giảng dạy tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Nhưng cũng đã nhiều năm, một trong những phần việc quan trọng của GS Đỗ Quang Hưng là “việc Mặt trận”, ông tham gia Đoàn Chủ tịch và là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo của MTTQ Việt Nam.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông bên hành lang Đại hội, dưới góc nhìn của một nhà khoa học xã hội, với những khát vọng và mong muốn về phẩm chất người Việt Nam bước vào một thời kỳ mới.
PV: Thưa Giáo sư, trước hết là về cảm xúc, ông cảm nhận như thế nào khi tại Đại hội lần này, thông điệp của Tổng bí thư Tô Lâm về một kỷ nguyên mới được Đại hội đặc biệt quan tâm và nhiều đại biểu thảo luận?
GS.TS ĐỖ QUANG HƯNG: Đứng ở góc độ một nhà khoa học, tôi cho rằng kỷ nguyên mới là một mong muốn và một luận điểm rất lớn. Mở ra một kỷ nguyên (Era) không phải là sự thay đổi bình thường, mà là một sự thay đổi về chất có tính bước ngoặt cho cả một dân tộc, một đất nước. Kỷ nguyên mới đòi hỏi phải được xét trên 3 bình diện: Quan hệ kinh tế; quan hệ con người và quan hệ xã hội.
Trong đó, về kinh tế đòi hỏi việc thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới một nền kinh tế cao hơn. Còn vấn đề con người, mặc dù tôi xếp thứ hai, nhưng là vấn đề lớn và quan trọng. Cũng không phải tôi có phát hiện mới mẻ gì, vì mấy kỳ Đại hội Đảng vừa qua đều đặt vấn đề xây dựng con người mới, coi con người là nhân tố quyết định của phát triển xã hội.
Trước hết, hãy cứ là người Việt Nam yêu đất nước mình. Bây giờ chúng ta đã nói nhiều về công dân toàn cầu. Thực chất công dân toàn cầu là nâng chất lượng của con người cá thể, không còn chỉ là công dân của nước này, nước kia nữa. Nhưng công dân toàn cầu cũng không phủ nhận những gì chúng ta băn khoăn về bản sắc văn hóa hay lòng yêu nước. Công dân toàn cầu đòi hỏi những phẩm chất, những trình độ của công dân ở một tầm cao hơn, nay mai còn có công dân vũ trụ nữa cơ mà.
“Tôi vẫn mong muốn phải có chiến lược để phát triển con người cá nhân. Chúng ta thật sự mong có một kỷ nguyên mới, nhưng kỷ nguyên mới chỉ được xây dựng và được kết tụ trong con người mới. Không phải chỉ có là hiện đại hóa thì có kỷ nguyên mới.”
Chúng ta hay nói về người Việt Nam với những phẩm chất mà chúng ta vẫn ca ngợi, như tính cộng đồng, năng động, sáng tạo, cần cù và yêu nước. Những cái đó thì tốt thôi nhưng chưa đủ trong một kỷ nguyên mới đòi hỏi tính cá thể, tính cá nhân cao hơn nữa. Tôi cho rằng đây là cái rất quan trọng.
Mỗi một dân tộc có bước đi đặc biệt, khác nhau. Dân tộc mình cũng là dân tộc rất đặc biệt, chúng ta phải thừa nhận như vậy. Tôi mong muốn thông điệp về một kỷ nguyên khi đang được các nhà lãnh đạo cao nhất đề cập đến thì nó trở thành một đường hướng chiến lược để đào tạo con người, để tạo điều kiện cho phát triển con người trong một kỷ nguyên mới.
Là một nhà khoa học xã hội, theo ông, cần phải có chiến lược thế nào trong đào tạo nguồn nhân lực để con người Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện, tự tin bước vào kỷ nguyên mới?
– Tôi có may mắn đã từng được tham gia Hội đồng Lý luận trung ương. Và ở diễn đàn này, tôi cũng đã có lúc bộc lộ tâm tư của mình rằng đường lối chính sách của nước mình dành cho việc nghiên cứu về các vấn đề xã hội và cho việc phát triển khoa học xã hội có vẻ như còn đang ở vùng trũng so với chính sách về các lĩnh vực khác. Sự quan tâm đến khoa học xã hội, nhìn nhận đánh giá về khoa học xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi. Chưa chú trọng đến phát triển khoa học xã hội nghiên cứu về quy luật phát triển xã hội, về con người. Muốn phát triển kinh tế, xã hội, muốn có nguồn nhân lực chất lượng, muốn phát triển con người Việt Nam mới đều phải bắt đầu từ khoa học xã hội. Mà trước hết, phải trọng dụng các chuyên gia về khoa học xã hội.
Tôi vẫn mong muốn phải có chiến lược để phát triển con người cá nhân. Chúng ta thật sự mong có một kỷ nguyên mới, nhưng kỷ nguyên mới chỉ được xây dựng và được kết tụ trong con người mới. Không phải chỉ có là hiện đại hóa thì có kỷ nguyên mới. Thế giới đã nói đến những thời kỳ xã hội gọi là hậu công nghiệp, hậu hiện đại. Số quốc gia đang ở thời kỳ hậu hiện đại (còn gọi là kỷ nguyên hậu hiện đại) thì cũng không nhiều lắm, không hết mười ngón tay. Trở lại với việc các kỳ Đại hội Đảng vừa rồi đều coi con người là nhân tố quyết định, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực. Thế là về quan điểm, đường lối quá đúng. Nhưng khi thực hiện, thì chúng ta chưa xây dựng được những kế hoạch, những chương trình tương xứng với Nghị quyết của Đảng.
Vừa rồi về phương diện xóa đói giảm nghèo đã làm khá tốt, đó cũng là một vấn đề của xây dựng con người. Hay chống tham nhũng, rồi đào tạo, sử dụng con người đã có rất nhiều tiến bộ. Nhưng vẫn chưa đủ được. Trong đó có một vấn đề lớn, nó như cục đá, như trái núi đè lên ngực, lên trái tim của một người trí thức đã nhiều chục năm làm nghề giáo dục như tôi (tôi được giữ lại trường đại học từ lúc mới có 21 tuổi), đau lắm, là chưa có nhiều thay đổi trong cải cách giáo dục. Bởi vì then chốt của cải cách giáo dục là để đào tạo con người. Nhưng chúng ta vẫn mắc ở đâu đó không giải quyết được, chưa giải quyết được nên những đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thi cử vừa rồi của ngành giáo dục nó chỉ là bề ngoài, chưa giải quyết được việc đổi mới căn bản và toàn diện.
Mặc dù tôi có thời gian công tác khá dài đến 13, 14 năm là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, những năm qua tôi dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu về tôn giáo để có thể tư vấn cho Đảng, cho Nhà nước, cho Mặt trận. Nhưng tâm hồn tôi vẫn thuộc về nghề giáo nơi tôi đã gắn bó từ thời tuổi trẻ. Bằng sự mẫn cảm thì tôi vẫn thấy cách đặt vấn đề của cải cách giáo dục hiện nay vẫn chưa được. Cách đây vài chục năm tôi cũng đã tham gia viết sách giáo khoa môn lịch sử. Độ mươi năm nay đã đến thế hệ các học trò của tôi đang gánh vác việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa. Và chính họ mỗi lần gặp gỡ đều tâm sự rằng cũng chưa có cách nào bứt phá lên được.
Như vậy theo Giáo sư, để bước vào một thời kỳ mới cần những bước đi như thế nào trong cả 3 trụ cột là kinh tế, giáo dục và văn hoá, cũng như trong mối quan hệ giữa kinh tế, giáo dục, văn hóa?
“Tôi cũng đã có lúc bộc lộ tâm tư của mình rằng đường lối chính sách của nước mình dành cho việc nghiên cứu về các vấn đề xã hội và cho việc phát triển khoa học xã hội có vẻ như còn đang ở vùng trũng so với chính sách về các lĩnh vực khác. Sự quan tâm đến khoa học xã hội, nhìn nhận đánh giá về khoa học xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi. Chưa chú trọng đến phát triển khoa học xã hội nghiên cứu về quy luật phát triển xã hội, về con người.”
GS.TS Đỗ Quang Hưng
– Nếu muốn là kỷ nguyên mới thì phải tái cấu trúc lại quan hệ xã hội, quan hệ con người, quan hệ sản xuất. Cái này không có gì là mới cả. Nếu hiểu theo nghĩa bình thường ấy cũng giống như là trước đây chúng ta nghèo đói, chúng ta bao cấp thì cấu trúc xã hội của chúng ta như này. Đến khi chúng ta đổi mới chúng ta muốn thay đổi ra sông, ra biển thì chúng ta đã thay đổi. Vừa rồi chúng ta đã có những bước tái cấu trúc rồi, cái giá trị xã hội và con người cũng thay đổi, quan hệ xã hội bắt đầu thay đổi đấy. Nhưng bây giờ phải thêm gì để có một cái kỷ nguyên mới thì cá nhân tôi trước mắt chỉ có hai ý thôi. Thứ nhất là chúng ta phải chấp nhận một số các nguyên lý mà các nước đã bước vào kỷ nguyên hậu hiện đại họ đang thực hiện. Một số giá trị của họ chúng ta nên tham khảo tất nhiên trên cơ sở tỉnh táo, sàng lọc. Cái model nào, cái công thức nào, cái định luật nào phù hợp thì vận dụng với các bước đi cụ thể.
Thứ hai là chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội trong một kỷ nguyên mới nó phải hài hoà với nhau. Ngay cả cái điều mà mà người ta vẫn nói kinh tế quyết định hết cũng chưa chắc đã đúng trong thời đại bây giờ hay khi ta đang bắt đầu vào kỷ nguyên mới. Nhìn cụ thể vào hoàn cảnh nào đó thì kinh tế vẫn có thể quyết định, nhưng nhìn tổng thể trên toàn xã hội thì không chắc, mà không thể cứng nhắc như thế nữa. Để thấy rằng những cái thuộc ý thức, phương pháp hay là những cấu trúc về phi vật chất trong quan hệ với thế giới vật chất phải có những thay đổi để bước vào kỷ nguyên mới.
Trở lại với vấn đề con người, nhân tố con người là then chốt. Thưa ông, nói một cách cụ thể hơn, rõ hơn thì con người của thời kỳ mới này cần những phẩm chất gì?
– Con người trong kỷ nguyên mới thì theo tôi sẽ vẫn kế thừa những giá trị của nhân loại về con người, về vận mệnh, về lẽ sống.
Con người mới sẽ được chắt lọc ra từ những giá trị đã có, loài người đã làm được, nhưng phải được khai phóng hơn. Hơn lúc nào hết chúng ta cần thoát ra khỏi những định kiến về lối sống. Ở một số các quốc gia hậu hiện đại họ đang có gì thì mình cũng lặng lẽ quan sát thêm và học tập.
Nhưng một điều như tôi nói từ ban đầu, hãy cứ là người Việt Nam yêu nước. Bởi vì công dân toàn cầu chỉ là một việc thôi, kỷ nguyên mới phải bắt đầu từ những dân tộc cụ thể thì mới bền vững. Trên thực tế những nước đã bước vào kỷ nguyên hậu hiện đại như ở Tây Âu – Bắc Mỹ là những đất nước và dân tộc rất cụ thể.
Chỉ có điều theo quan sát của tôi thì nhìn ra thế giới đây đang là thời kỳ khó khăn. Ngay cả những quốc gia hậu hiện đại bản thân họ hiện nay cũng xuất hiện những nghịch lý và băn khoăn mới. Rồi những khuôn mẫu thành công của các nước Châu Á sau một thời gian cũng đang rơi vào bế tắc.
Cho nên Việt Nam phải có con đường của riêng mình, chọn từng lộ trình, từng bước đi, giải quyết từng vấn đề một. Bây giờ nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ở ta duy kinh tế và duy khoa học kỹ thuật. Tức là cứ bảo bây giờ không có gì ngoài công nghệ cao để phát triển kinh tế. Quan điểm của tôi là chưa chắc đâu, không phải chỉ có công nghệ cao quyết định được hết đâu. Kỷ nguyên mới đồng thời với công nghệ cao thì còn phải có một chính sách xã hội phù hợp. Cho nên quan điểm của tôi là bây giờ lựa chọn các chính sách, chiến lược, điều chỉnh chính sách chiến lược cho phù hợp với từng bước đi.
Đầu thế kỷ 21, thế giới có vẻ rất “sính” ngành dự báo học, khoa học dự báo với những tiên đoán khuynh hướng phát triển trong tương lai được ưa chuộng. Tuy nhiên, trải qua 2 thập kỷ, đến giai đoạn hiện nay người ta thấy những sự biến đổi của thế giới loài người khiến người ta phải dè dặt hơn với dự báo học.
Nhưng với niềm tin của người nghiên cứu tôn giáo (tôi vẫn cho rằng thế kỷ này là thế kỷ của tâm linh), tôi tin và mong muốn rằng chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới bằng những con người Việt Nam mới.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
GS.TS Đỗ Quang Hưng sinh năm 1946 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội.
Ông tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968.
Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Lịch sử với đề tài: Lịch sử phong trào Cộng sản và công nhân Quốc tế tại Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) năm 1986.
Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.
Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2002.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Ông nhiều năm là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo.
Nguồn: https://daidoanket.vn/gs-ts-do-quang-hung-uy-vien-doan-chu-tich-ubtu-mttq-viet-nam-truoc-het-cu-la-nguoi-viet-nam-yeu-nuoc-minh-10293671.html