Mùa mưa đã vào chính vụ nhưng thời tiết phương Nam trưa vẫn nóng như nung. Hôm nào có mưa thì còn mát mẻ, hôm nào ráo hoảnh thì lửa đổ xuống làm người bức bối, cổ họng thì cứ khát, muốn tìm gì đó mát lạnh để dịu cơn.
Ngồi đu đưa trên chiếc võng, ngoại nghe cô cháu gái than thở thì tự nhiên ôn chuyện cũ: “Hồi đó cứ tầm giờ này là tụi bây thấp thỏm đứng ngồi không yên rồi theo vòi tiền để mua sương sa nè”.
Lời ngoại nói làm ký ức tôi quay ngược về năm một ngàn chín trăm hồi đó, thời còn tiểu học, hè được nghỉ học, trốn ngủ trưa cứ chạy rầm rập, nóng bức người lại thèm cái gì mát mát. Và như một thói quen, cứ xế chiều là thẫn thờ canh tiếng rao “Ai sương sa hông?”. Tiếng rao không đủ lớn, chỉ mới văng vẳng đầu hẻm mà phải thính tai lắm mới nghe được. Nhưng với lũ nhỏ bọn tôi, có khi chưa nghe đã lo nhõng nhẽo vòi tiền. Sau tiếng rao, đợi tầm 5-10 phút là thấy bóng dáng quen thuộc đẩy chiếc xe nhỏ tiến đến gần, tiếng rao lớn dần. Trên xe là chiếc tủ kính, bên trong rất nhiều những chén sương sa đầy màu sắc được ướp bởi những cục nước đá trong vắt, chỉ nhìn thôi đã thấy mát ruột.
Đám con nít thi nhau bu đầy chiếc xe đẩy nhỏ ấy, đứa thì lấy vị dừa, đứa lấy vị lá dứa, đứa nào gan hơn thì lấy mùi ca cao vị hơi nhẫn nhẹ, còn đứa nào thích béo thì cứ lấy vị trứng cút.
Sương sa được đựng trong chén nhôm nhỏ xinh mát lạnh, xắn bởi cái muỗng cũng bằng nhôm cong cong vẹo vẹo. Có vậy thôi mà thích mê!
Vị dừa thơm béo, xắn miếng nào miếng nấy dai vừa phải, nhai lại hơi bột bột mịn mịn beo béo. Ca cao thơm nồng, đám con gái không ưa nhưng lại được lòng đám con trai. Đứa nào biết ăn nhất thì sẽ chọn vị trứng cút. Trứng cút được khuấy đều rồi đổ lẫn vào trong lớp sương sa giòn dai ấy, khi ăn dù hơi tanh nhưng nếu cảm được rồi thì sẽ dễ bị nghiện bởi cái tanh béo nhẹ ấy. Đặc biệt, tụi nhóc cứ đặt tên cho riêng vị trứng cút là sương sa mây vì nó vằn vện như những cuộn mây trên trời vậy.
Thời bây giờ, món ngon vật lạ nhiều vô kể, các quán trà sữa, ăn vặt mọc lên như nấm nhưng món sương sa giải nhiệt ngày hè vẫn khó quên trong tôi. Bởi vậy mà trưa trưa nóng bức lại nhớ tiếng rao “Ai sương sa hông?” và tự giác lấy xe ra đường đến quán ruột ở số 143 Phạm Văn Chí, phường 3, quận 6, TP HCM. Dù chén nhôm, muỗng nhôm được thay bằng những chiếc chén nhựa nhưng vị sương sa vẫn như ngày nào. Ngoài ra, cô chú chủ quán còn sáng tạo thêm nhiều vị mới để phục vụ thực khách.
Chỉ với 6.000 đồng/chén, món sương sa gây nghiện có khi làm người ta bỏ cả cơm chiều vì ăn quên nghỉ.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/ai-suong-sa-hong-20190801211715591.htm