Tại hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh Truyền nhiễm & HIV/AIDS diễn ra trong 2 ngày 01-02/11, đại diện nhóm chuyên gia, bác sĩ đến từ Hệ thống Y tế MEDLATEC đã đóng góp những nội dung báo cáo giá trị góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị nhóm bệnh lý này. Các báo cáo nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, bác sĩ quốc tế và Việt Nam.
Diễn đàn trao đổi y khoa uy tín về nhóm bệnh truyền nhiễm
Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh Truyền nhiễm & HIV/AIDS, do Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội).
Hội nghị diễn ra trong 03 ngày (31/10 – 02/11/2024) với sự tham gia của gần 2.000 chuyên gia truyền nhiễm đầu ngành, cùng y bác sĩ đến từ các cơ sở y tế trong nước và quốc tế.
Nhận được lời mời từ hội nghị, đại diện MEDLATEC, đến từ Trung tâm Xét nghiệm có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn kiêm Chủ nhiệm Khoa Vi sinh (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân Y), ThS. Phạm Văn Ngãi – Phó Giám đốc Trung tâm, ThS.BSNT Trần Hữu Đạt – Trưởng Phòng Vi sinh, ThS.BSNT Mai Thị Trang – Phòng Vi sinh, cùng các bác sĩ khác công tác tại đơn vị. Đây là diễn đàn y khoa uy tín để trao đổi kiến thức, cập nhật phương pháp mới trong chẩn đoán, điều trị nhóm bệnh truyền nhiễm, hàng năm MEDLATEC đều góp mặt tham dự tích cực.
Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ MEDLATEC tham dự hội nghị
Tại hội nghị lần này có hơn 100 nội dung báo cáo được trình bày, tập trung vào các chuyên đề chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm, tiêu biểu như: Báo cáo Xu hướng và ứng phó bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, viêm gan virus và xơ gan, HIV/AIDS, kháng sinh và kháng kháng sinh, sốt xuất huyết, bệnh ký sinh trùng, lây truyền qua đường tình dục, một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm…
Công cụ vàng phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh do liên cầu khuẩn nhóm B
Tham dự hội nghị, nội dung báo cáo “PCR sau tăng sinh – Công cụ hiệu quả phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh do liên cầu khuẩn nhóm B”, do PGS.TS Nguyễn Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC trình bày nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự.
PGS.TS Nguyễn Thái Sơn trình bày báo cáo tại hội nghị
Báo cáo chỉ ra rằng, liên cầu khuẩn nhóm B thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục và đại tràng ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây truyền bệnh cho thai nhi do vi khuẩn truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ, hoặc vỡ ối. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn và tử vong ở trẻ sơ sinh.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng đó, năm 2021, Hiệp Hội Vi sinh Hoa kỳ đã cập nhật hướng dẫn xét nghiệm sàng lọc phát hiện liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai từ 36 đến 38 tuần (37 tuần 6 ngày).
Hiện nay, có hai phương pháp chính xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B được sử dụng phổ biến đó là: Nuôi cấy định danh và Real-time PCR.
Trong bài báo cáo, chuyên gia chỉ ra nghiên cứu đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của Realtime-PCR liên cầu khuẩn nhóm B sau tăng sinh so với phương pháp nuôi cấy định danh truyền thống. Cụ thể như sau:
>> Nuôi cấy định danh:
- Làm được kháng sinh đồ
>> Real-time PCR:
- Độ đặc hiệu tương đương phương pháp nuôi cấy
- Không làm được kháng sinh đồ
Kết quả khảo sát tỷ lệ thai phụ dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B năm 2023 tại Hệ thống Y tế MEDLATEC qua nuôi cấy là 16,69%, trong đó tỷ lệ thai phụ được sàng lọc liên cầu B dương tính qua Real-time PCR là 25,5%.
Chuyên gia đưa ra kết luận, phương pháp xét nghiệm Real-time PCR thích hợp cho sàng lọc, là công cụ vàng phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh do liên cầu khuẩn nhóm B; phương pháp nuôi cấy sử dụng khi có nghi ngờ kháng kháng sinh.
Vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp: Tỷ lệ phân bố và đặc điểm kháng kháng sinh
Nhiễm trùng đường hô hấp có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi. Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC đã tiếp nhận và phân tích hàng nghìn mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trong những năm qua.
ThS.BSNT Trần Hữu Đạt – Trưởng Phòng Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC trình bày báo cáo tại hội nghị
ThS.BSNT Trần Hữu Đạt cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu “Tỷ lệ phân bố và đặc điểm kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp thường gặp”. Nội dung nghiên cứu được bác sĩ trình bày tại hội nghị như sau:
- Đối tượng nghiên cứu: 5338 mẫu bệnh phẩm đường hô hấp được thực hiện xét nghiệm nuôi cấy định danh và kháng thuốc tại Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC không vi phạm các tiêu chuẩn loại trừ.
- Thời gian: Từ 01/01/2022 – 31/12/2023.
Tại hội nghị, bác sĩ đã công bố chi tiết các số liệu nghiên cứu và chỉ ra một số kết luận sau quá trình nghiên cứu gồm:
Tỷ lệ phân bố vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp:
- Tỷ lệ mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dương tính với vi khuẩn gây bệnh giai đoạn 2022-2023 là 49%, chủ yếu từ các bệnh phẩm đờm (47,5%), dịch họng (23%) và dịch tỵ hầu (15,9%).
- Vi khuẩn gram âm chiếm đa số (70,4%) so với vi khuẩn gram dương (29,6%).
- Tỷ lệ các chủng vi khuẩn phân lập được từ bệnh phẩm đường hô hấp ở giới nam (60%) cao hơn giới nữ (40%).
- Vi khuẩn phân lập được từ bệnh phẩm đường hô hấp chủ yếu là trẻ em từ 0-5 tuổi (42,1%), nhóm người trên 65 tuổi là 22,1%. Mùa thu và mùa đông là 2 mùa có tỷ lệ dương tính với vi khuẩn phân lập được từ bệnh phẩm đường hô hấp là cao nhất.
Cùng một số đặc điểm chi tiết kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp đường hô hấp đã được công bố.
Nghiên cứu không chỉ giúp cung cấp thông tin về sự phân bố, khả năng kháng thuốc của các vi khuẩn đường hô hấp mà còn cung cấp dữ liệu cho việc giám sát kháng kháng sinh và xây dựng các hướng dẫn điều trị hợp lý, hiệu quả hơn trong tương lai.
Tỷ lệ và phân bố của các type HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung
Nội dung báo cáo thứ ba MEDLATEC đóng góp trong khuôn khổ hội nghị về chuyên đề bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục “Tỷ lệ và phân bố của các type HPV nguy cơ cao trên mẫu bệnh phẩm”, được trình bày bởi ThS.BSNT Mai Thị Trang – Phòng Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC.
ThS.BSNT Mai Thị Trang trình bày báo cáo tại hội nghị
Bác sĩ chỉ ra, virus HPV là căn nguyên thường gặp nhất trong các nhiễm trùng lây qua đường tình dục và là nguyên nhân của trên 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Có hơn 200 genotype HPV khác nhau về cấu trúc di truyền. HPV nguy cơ thấp (HPV LR) gây ra các tổn thương lành tính như mụn cóc sinh dục, sùi mào gà… HPV nguy cơ cao (HPV HR) gồm 14 type là căn nguyên của ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh ung thư khác.
Đáng lo ngại rằng, tất cả những người có hoạt động tình dục đều có thể nhiễm virus HPV ít nhất 1 lần, nhưng thông thường hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ loại bỏ virus sau 1-2 năm. Với HPV nguy cơ cao, thời gian để loại bỏ virus sẽ lâu hơn. Quá trình từ nhiễm HPV đến hình thành tế bào ung thư thường kéo dài 15-20 năm ở người khỏe mạnh và 5-10 năm ở người suy giảm miễn dịch.
Vì vậy, dự phòng và tầm soát sớm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung là vấn đề được đặt ra cấp thiết. Hiện nay, xét nghiệm HPV Genotype PCR là phương pháp phổ biến, có thể giúp xác định chính xác các chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, ngay từ khi HPV chưa gây tổn thương tế bào.
Nội dung bài báo cáo, bác sĩ chia sẻ nghiên cứu giá trị về tỷ lệ và phân bố của các type HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung được thực hiện tại Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC. Cụ thể như sau:
- Đối tượng nghiên cứu: Các đối tượng có kết quả xét nghiệm HPV Genotype HR và có đầy đủ thông tin về tuổi, giới, khu vực sinh sống.
- Thời gian: Từ 01/01/2021 – 31/12/2023.
Theo đó, 03 kết luận quan trọng được chỉ ra qua nghiên cứu gồm:
- Tỷ lệ nhiễm HPV HR chung ở nữ giới là 165%. Tỷ lệ nhiễm HPV type 16, type 18 và 12 type khác lần lượt là 3,5%, 32% và 12,2 %. Tỷ lệ đồng nhiễm từ 2 type HPV HR trở lên là 21%.
- Tỷ lệ nhiễm HPV HR ở nữ giới đạt đỉnh ở lứa tuổi trước 25 và sau đó giảm dần theo độ tuổi.
- Tỷ lệ nhiễm HPV HR cao ở phụ nữ Thái Nguyên, Hải Phòng và Vĩnh Phúc. Tỷ lệ nhiễm HPV HR thấp nhất ở Thanh Hóa, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trong khuôn khổ hội nghị, bên cạnh 03 nội dung báo cáo được chuyên gia MEDLATEC trình bày trực tiếp, nội dung poster báo cáo “Khảo sát sự phân bố của một số vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục trên các mẫu được thực hiện tại Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC (2021-2023)” nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, bác sĩ tham dự.
Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ MEDLATEC chụp ảnh lưu niệm tại poster báo cáo nghiên cứu của nhóm tác giả Trung tâm Xét nghiệm
Những thông tin được đúc kết từ quá trình nghiên cứu dày công, giàu thực tiễn của nhóm chuyên gia, bác sĩ MEDLATEC cùng các cộng sự chắc chắn đã góp phần cung cấp thêm kiến thức chuyên môn hữu ích đến đông đảo bác sĩ tham dự, từ đó nâng cao công tác sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/bao-cao-vien-medlatec-ghi-dau-an-voi-noi-dung-nghien-cuu-giau-thuc-tien-tai-hoi-nghi-benh-truyen-nhiem-toan-quoc