(Dân trí) – PVOIL VOC 2024 tiếp tục đem tới một sân chơi lành mạnh và quy củ với cộng đồng người chơi xe off-road, và không thiếu những màn “phá xe” đầy kịch tính.
Giải đua xe ô tô địa hình Việt Nam PVOIL Cup (PVOIL VOC) là một sự kiện thường niên, thu hút các tay chơi off-road đến từ cả 3 miền của Tổ quốc. Năm nay, PVOIL tiếp tục được tổ chức tại Làng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), trong 3 ngày từ 1-3/11.
Ở kỳ tổ chức này, PVOIL VOC 2024 được chia thành 4 hạng thi đấu, gồm: Cơ bản, Bán tải nâng cao, SUV nâng cao và Chuyên nghiệp. Hạng Cơ bản sẽ có những màn ganh đua từ những mẫu xe bán tải nguyên bản, các cấp “độ chế” nâng dần theo hạng đua, nhằm phù hợp với những đường đua địa hình phức tạp được ban tổ chức dày công thiết kế.
Sáng 2/11, đông đảo người đến xem giải đua PVOIL VOC 2024 dồn sự chú ý vào đường thi số 6. Tại đây, những mẫu SUV nâng cao đến từ các đội đua đem tới những màn “phá xe” mãn nhãn, thông qua đường chạy yêu cầu tính kỹ thuật cao.
Những chiếc xe tham gia hạng đua này sẽ phải vượt qua 3 hố sâu có nước, sau đó vượt 2 chướng ngại vật được ban tổ chức sắp xếp độ khó tăng dần, trước khi về đích. Điểm số được tính toán dựa trên thời gian hoàn thành bài thi, nhưng cũng có một số quy định các đội đua phải lưu ý, nếu không muốn bị trừ điểm.
Mỗi đội đua xe có 2 thành viên gồm tài xế chính và “chã” – thuật ngữ chỉ tài xế phụ. Các “chã” đóng vai trò quan trọng không kém trong các hạng đua, thường sử dụng tời để phụ trợ, giúp tài xế chính điều khiển xe chinh phục địa hình khó.
Ở vạch xuất phát của đường thi số 6, các “chã” sẽ phải cầm tời leo trèo qua các hố sâu, do quy định bắt buộc tời phải nằm trong đường đua. Sau khi băng qua các địa hình, các “chã” sẽ phải buộc tời vào một xe cẩu được ban tổ chức sắp xếp, làm điểm neo cho xe của đội đua.
Sau khi móc nối tời vào điểm neo, các tài xế chính sẽ điều khiển xe thực hiện bài thi chính. Những hố sâu có độ dốc cao, cộng thêm bùn nước khiến các đội đua phải tính toán điểm rơi, cũng như cân nhắc đặt bánh ở vị trí phù hợp, để có khả năng leo dốc.
Tất nhiên ở bài thi này, đội đua đầu tiên sẽ có lợi thế khi đường còn đẹp. Những đội thi đấu sau đó sẽ gặp khó, do các xe trước đã “cày” đường khi leo dốc.
Vượt qua 3 hố sâu, các xe thi đấu sẽ phải đối mặt với 2 chướng ngại vật là các thùng phi được xếp ngang tạo hình bậc thang. Trong đó ở chướng ngại vật đầu tiên, đa phần các đội đua đều không gặp khó khăn gì.
Với chướng ngại vật cuối, tài xế chính không chỉ phải điều chỉnh chân ga, phanh phù hợp để tạo điểm bám khi leo lên, mà còn phải kết hợp sử dụng tời khi xe lên tới đỉnh. Do ở vị trí này, 4 bánh đều lơ lửng trên không trung, không có địa hình để bám.
Bước đi cuối, các tài xế chính phải căn độ tời thật chuẩn để xe từ từ được kéo qua chướng ngại vật. Khi đó, đầu xe cắm thẳng xuống, khiến nhiều người xem cảm thấy thót tim, nhưng sau đó là những tiếng vỗ tay và hò reo “vỡ òa”, khi xe thành công hãm lại và chạm bánh sau xuống đất, không bị lật ngửa về phía trước.
Tại đường đua số 9 dành cho hạng Bán tải nâng cao, cuộc đua kết hợp giữa tốc độ và tính kỹ thuật. Ở vị trí xuất phát, các xe tham gia thi đấu sẽ phải lên/xuống dốc liên tục theo đường cong uốn lượn, trước khi đi vào địa hình mang tính “khiêu chiến” hơn.
Đây là giai đoạn yêu cầu tài xế chính phải nắm bắt được tốc độ hợp lý và góc vào cua để giúp xe ôm theo đường đua của ban tổ chức một cách mượt mà và nhanh chóng. Nếu quá ga, xe có thể đối mặt với việc đâm cọc (bị trừ điểm), hoặc mất thời gian tiến/lùi.
Sau khi vượt qua khúc chạy tốc độ, các đội thi đấu ở đường đua số 9 sẽ phải chinh phục hố sâu khá lớn. Không thiếu tay lái quá ga khi vào địa hình này, khiến xe cắm đầu mạnh xuống đất, tạo cảm giác “xót của” cho những người xem giải đua.
Ở bước vượt hố, các “chã” lại phát huy tác dụng, cần nhanh chóng móc tời vào đầu xe và điểm cố định được ban tổ chức thiết kế. Sau đó, đội thi đấu có khoảng 100m đường đất uốn lượn, trước khi vào thử thách cuối cùng ở đường đua số 9.
Trước khi về đích của đường đua số 9, các đội thi cần vượt qua 2 hố ngang. Ban tổ chức đã sắp đặt 2 thân cây vắt qua hố, và các “chã” sẽ có nhiệm vụ nhảy xuống hố, xếp lại thân cây và điều hướng, giúp tài xế chính vượt qua địa hình.
Trong đó, có đội đua có “chã” là nữ giới, với sức khỏe và tốc độ không kém cạnh đấng mày râu. Những “bóng hồng” này liên tục nhận được sự cổ vũ lớn lao từ khán giả.
Đây là bài thi đặc trưng tại các kỳ PVOIL VOC. Do đó, không thiếu đội đua lựa chọn gài số, tăng ga mạnh để vọt qua thay vì để “chã” xuống sắp xếp. Tất nhiên, tài xế chính phải căn sao cho 2 thanh gỗ nằm ở giữa 2 bánh trước, nếu không xe sẽ không có điểm tì để vượt địa hình.
Sau khi vượt qua 2 hố ngang này, các “chã” cần sắp xếp lại thanh gỗ (nếu cần) theo thiết kế ban đầu của ban tổ chức rồi nhanh chóng quay trở lại xe trước khi tiến về đích. Quy định này là bắt buộc, đội đua không tuân thủ sẽ bị trừ điểm.
Phía trên chỉ là 2 trong số tổng cộng 15 đường thi tại PVOIL VOC 2024, đem tới những màn đua xe địa hình hấp dẫn cho khán giả trực tiếp hay truyền hình.
Bên cạnh những cuộc đua gay cấn, PVOIL VOC 2024 còn thu hút nhiều hãng xe (Suzuki, Toyota, Isuzu, Nissan, Ford và Skoda) tham dự, trưng bày sản phẩm kết hợp tổ chức lái thử trên địa hình gập ghềnh của Đồng Mô. Trong đó, Skoda khá “bạo tay” khi đem tới các mẫu SUV đang được mở bán, trong khi các thương hiệu còn lại chủ yếu mang tới các mẫu bán tải, hoặc xe việt dã.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/kich-tinh-ngay-khoi-tranh-giai-dua-o-to-dia-hinh-voc-2024-20241102152246496.htm