Năm 2010, sau khi nữ sinh tên Tiết Dật Phàm đăng tải lên mạng xã hội bức ảnh chụp một mình trong lễ tốt nghiệp, ngành Cổ sinh vật học của Đại học Bắc Kinh mới được biết tên rộng rãi.
Trước đó, ít ai biết có chuyên ngành như vậy tồn tại. Tên chuyên ngành khiến người ta liên tưởng đến những môn học khó. Tiết Dật Phàm cũng vì đó mà nổi tiếng bởi cô là người hiếm hoi chọn và có thể hoàn tất chương trình học của chuyên ngành lạ này.
Sau nhiều năm, Tiết Dật Phàm vẫn là một trong số ít sinh viên sở hữu bằng cử nhân ngành Cổ sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh.
Cổ sinh vật học là một ngành khoa học nghiên cứu lịch sử phát triển sự sống trên Trái Đất, tìm hiểu các loài động vật và thực vật cổ xưa dựa vào các hóa thạch tìm được.
Cô chia sẻ đây là ngành học không dễ dàng bởi học kiến thức đã khó nhưng việc đi thực địa để tìm kiếm hóa thạch còn khó hơn.
Đối với nữ, việc phải thường xuyên làm việc, nghiên cứu liên tục trong điều kiện ngoài trời, khu vực khảo cổ bụi bặm khá vất vả. Nhưng vì đam mê, cô gái này vẫn quyết theo tới cùng, không bỏ dở giữa chừng.
Tuy nhiên, sau khi có bằng cử nhân chuyên ngành Cổ sinh vật học, Tiết Dật Phàm lại chuyển hướng sang lĩnh vực y học. Hiện tại, cô là một bác sĩ chuyên điều trị bệnh ung thư.
Cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh khẳng định cô vẫn yêu thích chuyên ngành Cổ sinh vật học nhưng việc chọn một hướng đi khác cũng không có gì bất ngờ.
Lưu Nhạc – người từng học ngành Cổ sinh vật học cho hay từ năm 2008 đến năm 2016, chỉ có 7 sinh viên theo ngành này tốt nghiệp ra trường. Dù ban đầu cũng có nhiều hơn 1 sinh viên đăng ký học nhưng trong quá trình nghiên cứu, đa số đều bỏ học, chỉ còn rất ít người có thể trụ lại. 1 sinh viên/1 khoá là ‘kỳ tích’ của ngành học này, bởi có năm còn không có sinh viên nào theo ngành.
Chính vì sự đặc biệt đó, Cổ sinh vật học được mệnh danh là chuyên ngành “cô đơn” nhất không chỉ tại Đại học Bắc Kinh mà trên cả đất nước.
Lưu Nhạc cho biết anh từng nhận được nhiều thắc mắc của mọi người về việc điểm số. Có người hỏi vì sao trường không hạ điểm thấp hoặc có những chính sách đặc biệt để thu hút sinh viên.
Lưu Nhạc lý giải để theo đuổi chuyên ngành này, sinh viên cần rất nhiều yếu tố. Không chỉ vì số lượng mà trường hạ thấp chất lượng tuyển sinh. Suốt nhiều năm qua, trường cũng chưa từng đặc cách đối với sinh viên theo học ngành này.
Thuở còn đi học, người thân và bạn bè thường hiểu nhầm chuyên ngành Lưu Nhạc theo đuổi là Khảo cổ học. Mỗi lần giải thích, Lưu Nhạc đều nói sinh viên Cổ sinh vật học sẽ lên núi đào xương, tìm hóa thạch, còn sinh viên Khảo cổ học sẽ khai quật mộ cổ.
Dù là ngành học “cô đơn” nhưng sinh viên ngành Cổ sinh vật học hiếm khi phải trải qua các lớp học chỉ có một người. Chương trình học có rất nhiều môn học trùng với các ngành khác, do đó sinh viên sẽ được ghép lớp học chung. Sinh viên Cổ sinh vật học vẫn có nhiều cơ hội để giao lưu, kết bạn.
Khác với Tiết Dật Phàm, Lưu Nhạc sau khi tốt nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê. Giờ đây anh đã trở thành giảng viên lĩnh vực này.
Dù quá trình học có những vất vả do tính chất đặc thù nhưng chuyên ngành Cổ sinh vật học vẫn được đánh giá sẽ mang đến công việc triển vọng. Sinh viên tốt nghiệp ngành này ít ai thất nghiệp, sau khi ra trường có thể làm việc cho các viện nghiên cứu, viện bảo tàng, khu bảo tồn, các công ty khai thác khoáng sản.
Đến nay, ở Trung Quốc không còn nhiều trường đào tạo ngành này. Dù vậy Đại học Bắc Kinh vẫn duy trì tuyển sinh và quyết tâm đảm bảo lượng nhân sự chất lượng cho ngành nghiên cứu này.
Nguồn: https://vtcnews.vn/chuyen-nganh-co-don-nhat-trung-quoc-moi-nam-chi-1-sinh-vien-tot-nghiep-ar905241.html