Chuỗi Seminar đào tạo về “Nâng cao kiến thức về Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” do UEF và Viện FNF Việt Nam tổ chức.
Ngày 1-11, chuỗi Seminar đào tạo về “Nâng cao kiến thức về Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM (UEF) và Viện FNF Việt Nam (Friedrich Nauman Stiftung für die Freiheit) đã được tổ chức.
Sự kiện có sự tham dự của gần 100 đại biểu là các đại diện lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), giảng viên và chuyên gia của trường UEF và Đại học Kinh tế TP HCM (UEH).
Theo UEF, chuỗi sự kiện nhằm tăng cường kiến thức và hiểu biết về công nghệ AI cho SMEs tại TP HCM thông qua đào tạo và hướng dẫn toàn diện. Giúp SMEs trang bị kỹ năng và tài nguyên cần thiết để tích hợp hiệu quả các giải pháp AI vào hoạt động kinh doanh, nhằm tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ đó, khuyến khích SMEs áp dụng AI như một động lực cho đổi mới và tăng trưởng bền vững, với mục tiêu giúp doanh nghiệp trở thành người dẫn đầu trong nền kinh tế số.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên UEH, cho biết các lĩnh vực ứng dụng AI trong doanh nghiệp hiện nay là tự động hóa quy trình; quản lý khách hàng; chuỗi cung ứng; nhân sự và tài chính kế toán. Đơn cử, trong tự động hóa quy trình, AI sẽ hỗ trợ tự động hóa tác vụ lặp đi lăp lại thông qua các công nghệ, từ đó giúp nhập liệu, xử lý hóa đơn, quản lý kho một cách nhanh chóng, chính xác… Điều này giúp giảm lỗi của con người, tăng năng suất và giải phóng nhân viên khỏi những nhiệm vụ nhàm chán để tập trung vào công việc có giá trị cao hơn.
TS Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Kinh tế, UEF, cho rằng khi nhắc về AI đa phần quan điểm vẫn nghĩ đây là vấn đề cao siêu, khó tiếp cận hay thậm chí phải “đập đi xây lại”. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có mô hình tối ưu vận hành khi áp dụng AI vào doanh nghiệp. Bước đầu tiên các doanh nghiệp cần quan tâm là tinh gọn các khâu vận hành, từ việc lưu trữ giấy tờ trên điện toán đám mây, cho đến tối ưu kiểm soát nhân sự bằng AI thế nào.
Sau khi được tinh gọn, bước kế tiếp cần lưu ý là chuẩn hoá. Nếu không chuẩn hoá thì sẽ không nhân bản mô hình đến tất cả các phòng ban trong đơn vị. Từ tinh gọn, chuẩn hoá rồi mới đến tối ưu giữa các bộ phận, tạo nên môi trường làm việc tối ưu.
“Xa hơn, các doanh nghiệp cần có góc nhìn tối ưu chuỗi giá trị, từ đầu vào cho đến đầu ra, không chỉ có sự tham gia của bản thân doanh nghiệp mà còn các đối tác. Khi áp dụng AI, chuỗi giá trị này có thể giảm chi phí ở khâu nào. Doanh nghiệp trước khi áp dụng AI trước hết cần phải hiểu bản thân mình cần gì, sau đó khảo sát thị trường các sản phẩm phù hợp với mô hình kinh doanh”, TS Ngô Minh Hải nói.
Theo UEF, chuỗi seminar được tổ chức trong 6 buổi (từ ngày 1-11 đến 3-11) với những nội dung hữu ích như cơ sở của AI và ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp; ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp; ứng dụng AI trong tiếp thị và bán hàng; AI trong dịch vụ khách hàng và hỗ trợ…
Nguồn: https://diaoc.nld.com.vn/nang-cao-kien-thuc-ve-ai-va-ung-dung-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-196241102065029632.htm