Báo cáo tuần về ngành hàng rau quả của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, các nhà nhập khẩu sầu riêng Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trồng sầu riêng ở Lào, trong khi đang chi hàng tỷ USD mua sầu riêng của Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 6,4 tỷ USD – một con số vô tiền khoảng hậu.
Trong số 6,4 tỷ rau quả Việt Nam mang về cho đất nước, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dù chính vụ sầu riêng đã kết thúc vào tháng 10, Việt Nam vẫn có hàng trái vụ, giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD – một con số hiếm loại trái cây nào đạt được.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết tháng 9/2024, sản lượng sầu riêng nước ta đạt 984.800 tấn, tăng mạnh 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, sản lượng sầu riêng cả năm có thể đạt trên 1,2 triệu tấn. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa, một lượng rất lớn sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan và các thị trường khác.
Trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng tiếp tục lập những kỷ lục ấn tượng, báo cáo tuần ngành hàng rau quả của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nêu một thông tin đáng chú ý. Đó là, mới đây, các nhà nhập khẩu nông sản Trung Quốc đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Lào và đại diện người trồng sầu riêng Lào để tìm hiểu cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Với sự trợ giúp của Đường sắt Trung Quốc – Lào, sầu riêng Lào dự kiến sẽ được giao đến tay người tiêu dùng Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi hái trong tương lai.
Thông tấn xã Quốc gia Lào thông tin, Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Lào hiện có 170 trang trại với tổng diện tích 20.000 ha. Hơn 10.000 cây sầu riêng đã bắt đầu cho trái, sản lượng khoảng 900 tấn sầu riêng. Người trồng sầu riêng đã lai thành công giống sầu riêng Malaysia với các giống sầu riêng địa phương của Lào để cho ra quả sầu riêng chất lượng cao. Dự kiến đến năm 2029, số cây sầu riêng do hiệp hội sản xuất sẽ đạt 270.000 cây, sản xuất 24.300 tấn sầu riêng, trị giá hơn 155,5 triệu USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra những cảnh báo về áp lực cạnh tranh của nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, trong đó có sầu riêng.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc,Hàn Quốc… Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới. Dù vậy, trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu.
“Điển hình là thị trường Trung Quốc, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phía Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh. Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Nguồn: https://danviet.vn/da-chi-hang-ty-do-mua-cua-viet-nam-thuong-nhan-trung-quoc-con-tim-co-hoi-trong-loai-trai-cay-vua-o-lao-20241017175849368.htm