Những làng khoa bảng ở Ân Thi
Hưng Yên là vùng đất văn hiến, hiếu học, trọng nhân tài, quê hương của nhiều nhà khoa bảng của đất nước. Ân Thi tự hào góp phần làm nên giá trị đó với nhiều làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng nổi tiếng cả nước. Trong gần 10 thế kỷ khoa cử, huyện Ân Thi có 41 đại khoa.
Lầu Tư văn làng Phù Ủng nằm trong quần thể di tích lịch sử – văn hóa đền Phù Ủng |
Thổ Hoàng tiếng Hán có nghĩa là “vùng đất vàng”, nay là Thổ Hoàng Cả thuộc thị trấn Ân Thi (Ân Thi). Theo sử liệu, làng Thổ Hoàng được hình thành cách đây gần 2.000 năm. Ðây được coi là vùng đất lành, có thế đất “thất tinh quần tụ”, các xóm quây quần theo hình vòng tròn.
Kể từ khi triều đình phong kiến mở khoa thi chọn người hiền tài ra giúp nước cho đến khoa thi cuối cùng, làng Thổ Hoàng đã có hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài ở các kỳ thi. Trong đó, 12 người đỗ đại khoa và là một trong 10 làng có truyền thống khoa cử bậc nhất trong lịch sử đất nước. Tiêu biểu nhất trong các nhà khoa bảng của Thổ Hoàng là Nguyễn Trung Ngạn – vị Hoàng giáp đầu tiên của nền khoa cử phong kiến Việt Nam. Năm 12 tuổi, ông đỗ Thái học sinh, năm 16 tuổi, đỗ Hoàng giáp (1304), là vị Hoàng giáp trẻ nhất cả nước và cũng là ông tổ khai khoa của làng Thổ Hoàng. Về sau, ông làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình. Làm quan dưới 5 triều vua nhà Trần, Nguyễn Trung Ngạn xuất sắc trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học…
Sau Nguyễn Trung Ngạn, Thổ Hoàng có nhiều người đỗ đại khoa. Đặc biệt, có những dòng họ cha con, ông cháu đều đỗ đạt như họ Hoàng có 5 người đỗ đại khoa, họ Vũ và họ Nguyễn, mỗi họ có 3 vị đỗ đại khoa. Hiện nay, nhà thờ họ Hoàng là một trong những di tích nho học và khoa bảng của Hưng Yên, phối thờ tổ tiên dòng họ Hoàng và các vị tiến sĩ trong dòng họ. Được xây dựng từ năm 1893, nhà thờ họ Hoàng từng trùng tu lại và lưu giữ được một tấm bia đá rất giá trị, có niên đại từ thế kỷ 17 do tiến sĩ Trần Thế Vinh (Tri phủ Khoái Châu) phụng soạn.
Theo sử liệu để lại, cụ tổ khai sinh ra dòng họ Hoàng ở làng Thổ Hoàng là cụ Hoàng Chân Tính, làm nghề dạy học ở xa. Khi mất, con cháu đưa cụ về làng để chôn cất. Cụ Chân Tính có hai người con trai. Người con trưởng ở lại làng, người con thứ về Hoàng Vân lập ra họ Hoàng ở Vân Nội, Hoàng Vân, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Hồng Tiến (Khoái Châu). Điều đặc biệt, nhánh họ Hoàng ở Vân Nội chính là cội nguồn dòng họ ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Thái phó Hoàng Nghĩa Kiều vào trấn thủ Nghệ An lập ra nhánh họ Hoàng tại Hoàng Trù (Nam Đàn – Nghệ An). Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ là con gái của dòng họ Hoàng nơi đây.
Làng Phù Ủng, xã Phù Ủng là một ngôi làng cổ, được bao quanh bởi hệ thống đê Bắc Hưng Hải và sông Cửu An. Nơi đây, từ xa xưa được biết đến là một vùng đất có truyền thống hiếu học. Truyền thống ấy được người dân lưu truyền và tạc vào bia đá như nhắc nhở thế hệ sau kế thừa sự nghiệp khoa cử của các bậc tiền nhân. Lầu Tư văn chính là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của làng Phù Ủng.
Lầu Tư văn nằm trong quần thể Di tích lịch sử – văn hóa đền Phù Ủng. Xưa kia, Lầu Tư văn là khu nhà bia của Văn từ. 4 tấm bia đặt trong Lầu Tư văn ghi lại tên tuổi, sự nghiệp của những người đỗ đạt trong làng qua các kỳ thi thời Lê, Nguyễn. Đây là những tấm bia có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử và là nguồn tư liệu quan trọng để tìm hiểu về lịch sử khoa cử làng Phù Ủng. Tấm bia thứ nhất ghi, lập bia trước là để ghi lại tên các khoa thi, họ tên các người đỗ, sau đó dựng tại ruộng tế của các dòng họ, lấy tháng Giêng hằng năm để cúng tế. Đất này vốn xưa có nền văn hiến đã lâu. Người lớn tuổi có đức, mà các bậc danh gia có nhiều người đỗ đạt làm rạng rỡ quê hương. Việc dựng bia ghi lại các khoa thi, tiếp đó là họ tên người đỗ đạt ở ấp ta. Mong rằng tấm gương đó sáng mãi không mờ, tiếng thơm lưu lại muôn đời. Để cái đức không bị lụi tàn mà sáng mãi, truyền lại mà không bị mai một…
Làng Bình Hồ, xã Quảng Lãng xưa kia là nơi nổi tiếng truyền thống khoa cử của tổng Lưu Xá. Từ chỉ Bình Hồ ghi lại, nền tư văn ấp ta khởi thủy từ vị đỗ đại khoa. Xét từ khi các vị đăng khoa, nhiều người kế tiếp đỗ đạt làm quan, nức tiếng thơm tho, thực đủ để làm rạng rỡ nền tư văn. Để khuyến khích con cháu theo sự nghiệp khoa cử, dân làng đề ra những quy định dành cho người đỗ đạt và theo nghiệp khoa cử. Bia đá tại Từ chỉ còn ghi lại lệ khao thưởng cho người đỗ đạt. Ngày nay, Từ chỉ Bình Hồ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của làng, mà còn là nơi trao phần thưởng cho các học sinh giỏi và đạt giải cao trong các kỳ thi, nối tiếp truyền thống hiếu học của làng như lời của người xưa: Ngày sau, đường khoa hoạn kế nối, bảng vàng được đăng tên, phải chăng là nhờ có văn chỉ này được mở rộng hơn ư, đó chính là mong mỏi nhiều ở lớp người sau vậy (được ghi tại bia Từ chỉ Bình Hồ)…
Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn |
Ân Thi hiện còn nhiều địa chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học như di tích nho học Lầu Tư văn, Từ chỉ Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng (xã Phù Ủng), Từ chỉ Bình Hồ (xã Quảng Lãng), đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, nhà thờ họ Hoàng (thị trấn Ân Thi), di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia nhà thờ họ Đỗ xã Quang Vinh. Từ đó thêm trân trọng, tự hào quá khứ, phát huy, kế thừa tinh thần của cha ông xây dựng, giữ gìn nền văn hiến trường tồn của dân tộc.
Đào Doan