Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt được nhiều kết quả tích cực. Khi cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với từng thôn xóm, bản làng, từng ngày “thay da, đổi thịt” cuộc sống của người dân vùng Trung du.
Mang vốn ưu đãi ra đảo tiền tiêu Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện tín dụng chính sách xã hội |
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư do Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức |
Bước đột phá của tín dụng chính sách
Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, địa hình phức tạp, vùng núi chiếm 79% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã có chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt từ 7-8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, với nhiều dự án đã được đầu tư cho các chương trình giảm nghèo bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, cơ bản xóa xong hộ đói, giảm hộ nghèo. Bên cạnh đó, số lao động có việc làm tăng lên, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, từng bước xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Có được kết quả tích cực trên, không thể thiếu động lực quan trọng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngay sau khi Chỉ thị số 40 ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; hệ thống NHCSXH tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung của Chỉ thị, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.
Ở cấp huyện, xã, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao nhận thức của hội viên nhất là phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua sinh hoạt chi/tổ Hội, hệ thống đài truyền thanh ở địa phương, viết tin, bài trên đài truyền thanh, báo, trang thông tin điện tử của tỉnh, của Hội,… Đặc biệt là phổ biến, thông báo đến các đối tượng thuộc diện thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là những chính sách mới ban hành, để người dân nắm rõ, đề nghị vay vốn ưu đãi khi có nhu cầu.
UBND cấp xã quan tâm bố trí 225 Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở ủy ban, đảm bảo an toàn, thuận tiện trong giao dịch với khách hàng. Thường xuyên công khai các thông tin liên quan đến tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã, công khai các đối tượng vay vốn tại NHCSXH. Tổ chức chính trị – xã hội ủy thác các cấp và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn thường xuyên làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và tuyên dương, khen thưởng để nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình tiêu biểu, giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Nhìn lại chặng đường 10 năm triển khai Chỉ thị số 40, có thể thấy tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết, tạo việc làm, cải thiện đời sống, phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hiệu quả sử dụng vốn vay của các đối tượng chính sách trên địa bàn giai đoạn 2014-2024 từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW có thể thấy rõ như: Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách, tăng 8 chương trình so với năm 2014; doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong 10 năm qua đạt 11.616 tỷ đồng. Bình quân một món vay đã tăng từ 17,71 triệu đồng năm 2014 lên 43,26 triệu đồng năm 2024 (tăng 25,55 triệu đồng/ món vay so với năm 2014).
Trong 10 năm qua, số lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH là 332.227 hộ; số hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 48.274 hộ, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt mục tiêu đề ra, số hộ nghèo giảm từ 37.649 hộ (tỷ lệ 9,89%) năm 2014 xuống còn 18.957 hộ (tỷ lệ 4,49%) và số hộ cận nghèo giảm từ 38.953 hộ (tỷ lệ 10,23%) năm 2014 xuống còn 15.357 hộ (tỷ lệ 3,65%). Đồng thời, từ các nguồn vốn chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện, cùng các nguồn lực khác đã góp phần đưa các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; bộ mặt nông thôn, vùng sâu vùng xa không ngừng được đổi mới, phát triển.
Hộ ông Nguyễn Hữu Nhị, ở khu 9, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm để trồng hồng Gia Thanh và Bưởi cho hiệu quả kinh tế cao |
Nguồn vốn giúp người dân giảm nghèo bền vững
Nhớ lại những ngày chưa biết tới nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Hoàng Thị Ngân, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông, làm thuê, làm mướn nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả, nhận thức về làm kinh tế còn hạn chế. Không chỉ bà Ngân, tại vùng đất trung du tại xã Bắc Sơn, thuận lợi thì ít khó khăn thì nhiều, có rất nhiều gia đình trong diện hộ nghèo luôn trăn trở suy nghĩ làm sao có thể vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo.
Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, được sự chỉ bảo và chia sẻ của các thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn, sự động viên của lãnh đạo xã, sự hỗ trợ của Hội cựu chiến binh xã Bắc Sơn, dưới sự hướng dẫn cầm tay chỉ việc của các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Năm 2016, bà Ngân mạnh dạn vay vốn chính sách 50 triệu đồng để mua 01 con bò cái và trồng 2.000 cây bạch đàn. Sau 5 năm, bà Ngân đã trả xong nợ ngân hàng và đồi cây bạch đàn bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình bà thoát được hộ nghèo và đã trở trành hộ khá trong thôn. Năm 2019, bà Ngân lại tiếp tục mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Từ đó, gia đình bà Ngân tiếp tục đầu tư và mở rộng chuồng trại để mở rộng chăn nuôi cũng như mua vật tư để chăm sóc đồi bạch đàn. Nhờ vậy mà thu nhập hàng năm của gia đình bình quân đạt trên 80 triệu đồng/năm.
Với bà Hoàng Thị Hợp ở khu Mỏ Son, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê không thể quên những ngày tháng khó khăn khi phải lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình lại lo chi phí cho hai người con đang đi học. Là hộ nghèo trong xã, năm 2014, gia đình bà Hợp được tổ chức Đoàn thanh niên và Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu Mỏ Son – xã Sơn Tình kết nạp vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn để bình xét, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay 02 gói vay vốn ưu đãi dành cho học sinh sinh viên với tổng số tiền 82.500.000 đồng. Nhờ đó, gánh nặng trang trải chi phí học tập cho các con đỡ nặng nhọc hơn, cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn; ngoài việc trả lãi hàng tháng, gia đình bà Hợp cũng tích góp được chút tiền, có điều kiện cho các con trang trải chi phí ăn học tốt hơn.
Năm 2020, nhờ nguồn vốn trang trải chi phí học tập cho hai con, cùng với thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình bà Hợp đã thoát nghèo. Bước sang 2021, gia đình bà Hợp có ý tưởng mở rộng sản xuất, chăn nuôi nhưng do vốn tự có của gia đình còn hạn chế. Đang trong lúc băn khoăn, trăn trở về vốn, bà Hợp lại được bình xét cho vay với số tiền 100 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo và 20 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ 02 nguồn vốn vay trên gia đình bà Hợp đã có công trình xử lý vệ sinh đúng tiêu chuẩn; mua được 2 bò nái sinh sản; đào, cải tạo được hơn 4.000m2 ao thả cá thịt và cá giống. Từ đó, gia đình lại có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Bà Hợp vui vẻ cho biết, hiện tại hai người con đã tốt nghiệp đại học và ra trường có việc làm, thu nhập ổn định, giúp đỡ gia đình trả nợ gốc và lãi cho NHCSXH đúng hạn. Gia đình hiện tại có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi bò nái sinh sản và nuôi cá giống, cá thương phẩm, trừ các khoản chi phí gia đình tôi thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững, không tái nghèo trở lại.
NHCSXH tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác |
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, ông Trương Việt Phương, Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là những chương trình tín dụng mới; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NHCSXH.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/von-chinh-sach-gieo-suc-song-moi-vung-trung-du-phu-tho-157349.html