GĐXH – Trước tuổi dậy thì trẻ phải được trang bị một số kỹ năng sống thiết yếu để bắt đầu những năm tháng tuổi teen thuận lợi.
Theo các nhà tâm lý học, khi một đứa trẻ từ 9 tuổi đến 13 tuổi đó là giai đoạn mà cha mẹ nên chuyển từ nuôi dạy con cái sang cho phép con cái phát triển và tự lập. Để làm cho quá trình chuyển đổi này diễn ra suôn sẻ, cha mẹ nên giúp con mình có được một số kỹ năng sống thiết yếu trước khi trẻ bước sang tuổi 13.
1. Kiếm tiền và quản lý tiền
Bạn có thể dạy con bạn một số kỹ năng tài chính cơ bản ngay khi chúng học cách đếm.
Ở tuổi 13, trẻ em sẽ có thể tiết kiệm tiền từ trợ cấp hàng tuần, nhận thức được các chi phí cơ bản trong gia đình, hiểu sự khác biệt giữa thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng và có thể đưa ra quyết định về chi tiêu và biết tiết kiệm.
2. Giải quyết bất đồng một cách thân thiện
Xung đột giữa những đứa trẻ luôn xảy ra, dù là giữa những người bạn thân. Vì vậy, phải chuẩn bị cho con đối phó với xung đột và biết cách xử lý.
Hãy dạy con xác định nguồn gốc xung đột, sau đó đưa ra các giải pháp hòa bình. Trẻ con thường căn cứ vào hành vi và cách ứng xử của cha mẹ, nên bạn phải làm gương cho con.
3. Làm các việc nhà cơ bản
Một số chuyên gia tâm lý học cho rằng, trẻ có thể làm rất nhiều việc nhà từ khi còn nhỏ, như lau dọn bàn sau bữa tối hoặc thu gom quần áo cho vào máy giặt.
Trước 13 tuổi, trẻ nên đủ khả năng là quần áo, lấy quần áo từ trong máy giặt ra, thay ga giường, rửa xe ô tô, lau chùi phòng tắm và dọn bếp gọn gàng.
Cha mẹ nên kiên trì và đưa ra những yêu cầu cụ thể, đồng thời không quên khích lệ trẻ để duy trì thói quen làm việc nhà.
4. Chuẩn bị bữa ăn
Nấu ăn là một kỹ năng quan trọng mà con bạn sẽ cần khi chúng trở thành người lớn. Vì thế, khi trẻ ở độ tuổi từ 9 đến 10 tuổi bạn có thể dạy trẻ biết nấu những món đơn giản như luộc rau hoặc chiên trứng.
Đến tuổi 13, trẻ em sẽ có thể lên kế hoạch cho bữa ăn gia đình, làm theo một công thức đơn giản và làm quen với các thiết bị nhà bếp. Đừng quên dạy con bạn về những điều cơ bản về vệ sinh và an toàn.
5. Trách nhiệm và sự cẩn thận
Trách nhiệm là một thuật ngữ rộng, gồm việc cất đồ chơi, giúp việc nhà đến chăm sóc thú cưng. Cố gắng đào tạo để dần dần trẻ làm vì chúng cần phải làm, chứ không phải vì bố mẹ sai bảo.
Biết chịu trách nhiệm là chìa khóa để trẻ thành công trong học tập và cuộc sống.
6. Đi mua sắm đồ để nấu ăn
Đưa trẻ đi mua thực phẩm cùng bạn sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng thiết yếu như lên thực đơn cho một bữa tối gia đình, viết danh sách những đồ cần mua và cân đối ngân quỹ.
Hãy dạy trẻ cách đọc nhãn dinh dưỡng và cách tìm, lựa chọn món đồ có giá cả tốt, hợp lý. Đừng quên đặt ra các giới hạn.
Một nghiên cứu của Đại học Kansas (Hoa Kỳ) cho thấy, 50% trẻ nhỏ đi theo cha mẹ mua sắm thực phẩm đòi được mua thứ gì đó và chỉ có 50% phụ huynh cố gắng từ chối yêu cầu đó.
7. Vệ sinh cá nhân
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng trẻ từ 10 tuổi hoặc 11 sẽ tự vệ sinh một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn không biết điều này, vì thế cha mẹ cần dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc tắm gội hằng ngày, sử dụng chất khử mùi, thay quần áo, cạo râu, vệ sinh răng miệng và hiểu cơ thể của chính mình.
8. Quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian vô cùng quan trọng: trẻ nên học cách lập kế hoạch, đặt ưu tiên và làm việc một cách hiệu quả.
Cố gắng trao cho trẻ một số công cụ có thể giúp trẻ quản lý thời gian tốt hơn như chuông điện thoại hay các ứng dụng lịch đặc biệt.
Nhớ rằng quyết định làm gì và khi nào làm trở nên dễ dàng hơn nhiều khi bạn viết chúng ra giấy.
Hãy tặng trẻ món quà là một chiếc đồng hồ, giúp trẻ kiểm soát những lần xao nhãng, thiếu tập trung và luôn luôn nêu gương sáng cho trẻ.
9. Hòa đồng
Dạy con cách hòa đồng, chơi cùng các bạn sẽ giúp chúng có khả năng làm việc nhóm tốt khi trưởng thành.
Học cách chơi, làm việc theo nhóm cũng sẽ dạy con nhiều kỹ năng xã hội như tôn trọng, thỏa hiệp, khoan dung, kiên nhẫn, giao tiếp và đồng cảm.
Có kỹ năng làm việc nhóm con bạn sẽ phát triển sự tự tin, tin tưởng vào người khác, làm nên tảng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
10. Kỹ năng xã hội và cách cư xử
Điều quan trọng là dạy con cách cư xử càng sớm càng tốt. Khuyến khích chúng chia sẻ, lịch sự và tôn trọng người già.
Tập thói quen tuân theo nghi thức đúng đắn sẽ hỗ trợ con bạn khi chúng trở thành thanh thiếu niên, giúp chúng thành công trong sự nghiệp.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/10-ky-nang-thiet-yeu-dua-tre-nao-cung-can-phai-duoc-day-do-truoc-khi-buoc-vao-tuoi-13-172241101155838788.htm