Cho rằng văn hóa đọc rất quan trọng trong phát triển văn hóa, nhân cách, song theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), nghịch lý là cha mẹ muốn con đọc sách để giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách.
Nêu lợi ích của việc đọc sách, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, đọc sách khác nhiều so với cập nhật kiến thức trên không gian mạng. Đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Đọc thông tin trên mạng không đầy đủ nội dung dễ nảy sinh phiến diện, xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.
“Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp hình thành thói quen làm việc đến nơi đến chốn. Đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung”, ông Cảnh nói và cho biết vừa đọc xong cuốn Tật xấu người Việt.
Theo ông, điểm yếu của người Việt có thể khắc phục nếu tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội. Người đọc sẽ nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư, tật xấu.
“Hiện nay, cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách”, đại biểu đoàn Bình Định nói và đề nghị ngành giáo dục nên có quy định giao cho trẻ tiểu học về nhà đọc sách và tóm tắt nội dung. Bổ sung phát triển không gian đọc ở các khu vực công cộng, khu du lịch, khu vui chơi…
“Không thực hiện được lại phải lấy ngân sách T.Ư”
Trong tờ trình, Chính phủ đưa ra nguồn vốn huy động giai đoạn 2025 – 2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), con số này không nhiều, song phần đối ứng ngân sách của địa phương rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh hiện nay còn phải trợ cấp từ ngân sách T.Ư.
“T.Ư trợ cấp ngân sách về xong lấy tiền này đưa vào đối ứng cũng vậy, tại sao T.Ư không làm luôn mà để giao cho địa phương, gây khó khăn cho người ta”, ông Hòa nói.
Ông đề nghị có thể tỷ lệ ngân sách T.Ư cao hơn, ngân sách đối ứng của địa phương thấp hơn để số tiền ngân sách đối ứng này sử dụng vào chương trình mục tiêu khác mà không chỉ có văn hóa.
Về tỷ lệ ngân sách các nguồn vốn khác là hơn 12%, tương đương hơn 15.000 tỉ đồng, ông Hòa cho rằng, nguồn vốn này cũng khó khăn chứ “không phải đơn giản”.
“Báo cáo chỉ nói vốn khác nhưng không biết khác gồm việc gì, xã hội hóa như thế nào, con số này lớn chứ không phải nhỏ. Đề nghị xem lại chứ đưa ra con số mà sau này tổ chức thực hiện không được, cuối cùng lại lấy từ ngân sách của T.Ư”, ông Hòa nêu.
Báo cáo giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguồn vốn khác như trong tờ trình chỉ là tạm tính, còn nguồn khác là nguồn xã hội rất lớn. Kết luận của Bộ Chính trị nói rất rõ là huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực Nhà nước để đầu tư cho phát triển văn hóa.
Ông Hùng dẫn ví dụ gần đây ông dự hội nghị xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm để thực hiện vấn đề hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, có 300 doanh nghiệp đến để làm việc và đăng ký nguồn vốn. Nếu được chấp thuận là 2 tỉ USD, đây là con số rất lớn.
“Hà Nội và một số địa phương khác có cơ chế này chắc chắn con số này không phải chỉ là 15.000 tỉ đồng. Đây chỉ là khái toán về nguồn lực xã hội”, Bộ trưởng VH-TT-DL nêu.
Về nguồn vốn ngân sách địa phương, theo ông Hùng, khi xây dựng chương trình này đã tính toán không phải cào bằng tất cả các địa phương, không phải địa phương nào cũng 24%, mà đây là con số tính chung cho toàn quốc. Khi phân bổ, Chính phủ sẽ tính toán theo tiêu chí, không phải tất cả các địa phương đều 24%.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/cha-me-muon-con-cai-doc-sach-nhung-phan-lon-cha-me-khong-doc-185241101153526168.htm