10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy ước đạt 51,74 tỷ USD, trong đó, gạo, cà phê, rau quả lập đỉnh lịch sử.
Xuất khẩu gạo 10 tháng vượt cả năm 2023
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 10/2024 ước tính đạt hơn 5,9 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông, lâm, thủy sản đã vượt 51,7 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,38 tỷ USD, tăng 25,6%.
Xuất khẩu gạo trong 10 tháng năm nay đã đạt 4,86 tỷ USD, vượt cả năm 2023. Ảnh: M.H |
Trong bức tranh sáng của ngành hàng nông lâm thủy sản điểm tên mặt hàng gạo. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 10 tháng năm nay đã đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua con số 4,67 tỷ USD của cả năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng 23,4%.
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt hơn 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức giá bình quân cao kỷ lục so với những năm trước đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu sang thị trường truyền thống Philippines tăng mạnh 53,3%, thị trường Indonesia tăng 35,1% và thị trường Malaysia tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, năm ngoái nước ta xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Năm nay mới 10 tháng, lượng gạo xuất khẩu đã lên tới 7,8 triệu tấn. Nếu tính cả hai tháng cuối năm, xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ vượt con số của năm 2023.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, vừa qua, Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, giảm thuế xuất khẩu nên giá gạo 5% tấm của Việt Nam bị ảnh hưởng. Song, phân khúc gạo thơm, gạo cao cấp của nước ta lại bán được giá cao và rất ổn định. Đây là điều đáng mừng.
Với những kết quả đạt được trong 10 tháng, Bộ Nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo đạt mục tiêu vượt 5 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả tự tin vượt đích 7 tỷ USD
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu cũng lập kỷ lục lịch sử khi thu về 6,34 tỷ USD chỉ trong 10 tháng, tăng mạnh 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp vào con số kỷ lục này là nhờ xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh 37,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 3,8 tỷ USD trong 9 tháng.
Xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng năm nay. Ảnh: VITV |
Nhìn chung, các thị trường đều tăng trưởng trên hai con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada. Mới đây, Nghị định thư cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã trở thành yếu tố mới thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cuối tháng 9/2024, nhiều doanh nghiệp Việt chia sẻ đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30-50 container, thậm chí có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp 1.500 container cho đối tác nước bạn. Đây là tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường 1,4 tỷ dân.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả, Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp sầu riêng trái vụ vào tháng 11 và 12, đảm bảo nguồn cung khi các nước khác không có hàng. Điều này tạo lợi thế cho Việt Nam, giúp giá sầu riêng tăng cao.
Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng hưởng lợi khi bước vào mùa đông là thời điểm nhiều nước gặp khó khăn trong thu hoạch, còn Việt Nam vẫn duy trì điều kiện thuận lợi để trồng rau quả. Đặc biệt, lợi thế về kết nối đường bộ, biển và đường sắt với Trung Quốc giúp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.
Năm nay, dự báo xuất khẩu sầu riêng tăng 45% so với năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu dừa tươi có thể tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mốc 7 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục mới
Với mặt hàng cà phê, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD. Tuy khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị lại tăng mạnh hơn 40%.
10 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD |
Nguyên nhân là do giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng qua ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, các thị trường xuất khẩu chủ lực đều tăng mua loại hạt này của nước ta. Đặc biệt, xuất khẩu sang Philippines và Malaysia có cùng mức tăng gấp 2,2 lần so với năm 2023. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lập kỷ lục lịch sử dù còn hai tháng nữa mới kết thúc năm.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, năm 2024 có những điều vô cùng đặc biệt với ngành hàng này. Lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới; giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng lớn nhất thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica.
Các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng, 2024 là “năm thần kỳ” với ngành cà phê Việt. Giá lên cao đến mức người ta “nằm mơ cũng không thấy”. Không chỉ ghi nhận hàng loạt kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, xuất khẩu cà phê năm nay sẽ đạt mục tiêu vượt 5 tỷ USD.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhấn mạnh: Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tháng 10 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 5,91 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu chỉ cần đạt 5,5 tỷ USD/tháng, ngành nông nghiệp sẽ về đích 62 tỷ USD. Thành công này đến từ nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua, xây dựng được hệ thống thị trường ổn định và rộng mở. Cùng với đó, các Nghị định thư ký kết với Trung Quốc đã mở cửa cho các sản phẩm như dừa, sầu riêng đông lạnh và cá sấu của Việt Nam vào thị trường nước bạn. Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Ảrập. Việc tăng cường hợp tác với khu vực Trung Đông cũng giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal, nơi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn và phân khúc thị trường cao cấp. Với những bước tiến này, ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin chinh phục các thị trường khó tính và nhiều tiềm năng trên quy mô lớn hơn. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị, xã hội và môi trường, nông sản Việt Nam vẫn vươn xa tới gần 200 quốc gia, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhiều khu vực. |
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-gao-ca-phe-rau-qua-don-ky-luc-moi-356105.html