(Dân trí) – Thông tin trên vừa được đưa ra ngày 31/10 nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Việt Nam học và 35 năm giảng dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Hà Nội.
Theo PGS. TS Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hà Nội, với tầm nhìn đến năm 2045, Trường ĐH Hà Nội sẽ trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, nằm trong top đầu của Việt Nam, có danh tiếng ở khu vực châu Á.
PGS. TS Phạm Ngọc Thạch cho hay, ngoài chương trình đào tạo cử nhân ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, thạc sĩ ngành ngôn ngữ Việt Nam, khoa Việt Nam học còn có các chương trình đào tạo tiếng Việt ngắn hạn với các khóa học tiếng Việt giao tiếp và tiếng Việt chuyên ngành.
Sinh viên, học viên tốt nghiệp ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam có cơ hội làm việc trong các cơ quan ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu.
Mục tiêu của Trường ĐH Hà Nội đào tạo người học trở thành công dân có trách nhiệm, đề cao bản sắc dân tộc và giá trị con người Việt Nam khi hội nhập thế giới; có năng lực chuyên môn vững vàng, thành thạo ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực được đào tạo, phục vụ nhu cầu xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng khoa Việt Nam học, cho biết hàng năm khoa tiếp nhận và đào tạo khoảng 400 sinh viên quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia theo học hệ cử nhân chính quy ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Khoa cũng tiếp nhận và đào tạo khoảng 300 sinh viên theo học hệ ngắn hạn các khóa học tiếng Việt và tiếng Việt chuyên ngành.
Số sinh viên đạt tỷ lệ tốt nghiệp trong 10 năm trở lại đây luôn đạt gần 100%. Trong đó, số sinh viên khá, giỏi chiếm gần 90%, không có sinh viên yếu kém.
Theo kết quả điều tra tháng 9/2024, khoảng 100% sinh viên của khoa có việc làm sau khi tốt nghiệp được 6 tháng. Gần 90% sinh viên sau khi ra trường được làm việc theo đúng chuyên môn tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chia sẻ cảm xúc tại sự kiện, ông Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam, nhớ lại Việt Nam đã in đậm dấu ấn trong trái tim ông từ năm 12 tuổi.
Xuất phát từ tình cảm đó, sau này, ông không dè dặt chút nào khi quyết định đặt chân lên máy bay đến đất nước Việt Nam làm việc.
Cho đến nay, ông vẫn nhớ từng con chữ đầu tiên khi thầy cô nhà trường dạy mình học tiếng Việt: “Hãy cố gắng và cố gắng hơn nữa”, thầy cô khuyên ông.
Đại sứ cho rằng, việc dạy và học tiếng Việt là trách nhiệm nhưng đồng thời là niềm tự hào của thầy cô nhà trường, đó là cầu nối truyền bá những hình ảnh kỳ diệu của người dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
“Tôi luôn đánh giá cao sự hội nhập của Việt Nam. Nếu chỉ bình luận Việt Nam từ xa, bạn sẽ không bao giờ hiểu được đất nước và con người ở đây.
Vậy nên bạn hãy gần gũi để thấy, dù nhỏ bé nhưng Việt Nam đã đặt vị trí quan trọng trên trường quốc tế”, ông Saadi Salama nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/truong-dh-ha-noi-du-kien-thanh-dai-hoc-da-nganh-vao-nam-2045-20241031001126580.htm