Ký ức hào hùng của người lính bảo vệ nữ tướng Nguyễn Thị Định
Một ngày tháng Tư, cả nước đang hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), chúng tôi vinh dự được gặp người chiến sỹ anh dũng trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ông là cựu chiến binh Võ Tòng Bạt (sinh năm 1936) ở thôn An Tào, xã Cương Chính (Tiên Lữ). Lần giở những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian, ký ức về những trận đánh ác liệt với kẻ thù, về niềm hạnh phúc vỡ òa ngày non sông thu về một mối, đặc biệt là quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Định khi ấy là Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông.
Cựu chiến binh Võ Tòng Bạt ở thôn An Tào, xã Cương Chính (Tiên Lữ) |
Trong căn nhà cấp 4 giản dị treo nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sỹ giải phóng…, người cựu chiến binh năm nay đã ở tuổi 87, mái tóc bạc trắng như cước, mắt nhìn xa xăm hồi tưởng về những tháng ngày không thể nào quên. Năm 1953, chàng thanh niên Võ Tòng Bạt khi đó mới 17 tuổi đã xung phong nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Tháng 4.1965, ông phục viên trở về quê hương. Sum họp với gia đình chỉ vỏn vẹn 4 tháng, ông tái ngũ, được cấp trên điều động bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt, ông Bạt được cấp trên giao trọng trách bảo vệ Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định.
Ông Bạt cho biết, đội cảnh vệ của đồng chí Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam gồm 12 người, cả nam và nữ. Nhiệm vụ của đội là theo sát, bảo vệ đồng chí, nhất là khi đồng chí đi đến chiến trường thăm, động viên các đơn vị giải phóng quân. Công tác bảo vệ thời gian đó rất khó khăn, nhưng tất cả chúng tôi đều nhiệt tình cách mạng và quyết tâm trung thành, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì sự an toàn của đồng chí Nguyễn Thị Định. Trong những chuyến đi thị sát chiến trường, thăm, động viên các đơn vị chiến đấu, từng chiến sỹ đội cảnh vệ được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể. Hầu như chúng tôi hành quân trong đêm, đi qua những con đường hay những kênh rạch nguy hiểm với nhiều đồn, bốt, căn cứ dày đặc của quân địch. Mặc dù thường có đội trinh sát dẫn đường tiền trạm trước nhưng đội cảnh vệ luôn phải chủ động tác chiến khi tình huống bất ngờ xảy ra…
Trong thời gian 3 năm làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Định, điều mà cảnh vệ Võ Tòng Bạt ấn tượng nhất về đồng chí là một người phụ nữ dũng cảm, tài giỏi, phúc hậu và dung dị. “Mặc dù là Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam khiến địch khiếp sợ nhưng với chiến sỹ, đồng chí là người phụ nữ giàu lòng nhân ái, rộng lượng, bao dung, sống chan hòa với mọi người, như người chị, người mẹ hiền, tận tụy chăm sóc, động viên chúng tôi. Đồng chí thường mặc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ – đặc trưng của người con gái Bến Tre. Không có bất cứ sự xa cách nào giữa đồng chí và mọi người. Vì vậy, anh em chiến sỹ đội cảnh vệ thường gọi đồng chí với cái tên trìu mến là “chị Hai Định”, ông Bạt chia sẻ.
Ông Bạt nhớ lại: Tháng 4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong một lần ngồi nói chuyện, chị Hai Định chủ động hỏi tôi: “Cậu ở đây hay là về?”. Trước câu hỏi thân tình ấy, tôi bày tỏ nguyện vọng được trở ra miền Bắc. Tháng 6/1975, tôi phục viên trở về quê hương. Ngày kết thúc nhiệm vụ, tôi được Thiếu tướng Nguyễn Thị Định tặng một khẩu súng, hiện đã giao nộp lại Nhà nước.
Trở về quê hương, thương binh – bệnh binh Võ Tòng Bạt vẫn luôn dõi theo mọi tin tức về đồng chí Nguyễn Thị Định. Ngày 26/8/1992, khi biết tin trái tim của vị nữ tướng huyền thoại ngừng đập qua thông báo trên đài, ông Bạt cảm thấy mất mát và hụt hẫng. Ông trùng giọng: Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, được phục vụ đồng chí Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là vinh dự lớn lao và không thể nào quên.
Với những chiến công trong 2 cuộc kháng chiến, cựu chiến binh Võ Tòng Bạt được trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 12 danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ – cơ giới – máy bay cấp E; 15 bằng khen chiến đấu và công tác cấp E…
Hiện nay, dù tuổi cao sức yếu, nhưng người lính già 55 năm tuổi Đảng vẫn luôn nhắc nhở con, cháu phải ghi nhớ lịch sử và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc; nỗ lực phấn đấu học tập, lao động và rèn luyện để phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương.
Dương Miền