Nga nhiều lần cảnh báo “lằn ranh đỏ”. Có người lo sợ về một thảm họa hạt nhân, nhưng cũng có ý kiến cho đó là “đe dọa bằng lời nói”!
Theo quan điểm của Nga, bộ ba hạt nhân vẫn là sự bảo đảm quan trọng nhất cho an ninh quốc gia và của người dân; là công cụ để duy trì sự cân bằng chiến lược và quyền lực trên thế giới.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga tham gia duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Moscow năm 2022. (Nguồn: Reuters) |
Mạnh mẽ chưa từng thấy
Học thuyết hạt nhân của Nga năm 2020 quy định bốn trường hợp có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Một, khi có “thông tin đáng tin cậy” về việc kẻ thù phóng tên lửa đạn đạo chống Nga và đồng minh. Hai, kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt lớn khác để chống lại Nga và đồng minh. Ba, kẻ thù tấn công vào “cơ sở quân sự, nhà nước quan trọng” có thể làm gián đoạn năng lực phản ứng của lực lượng hạt nhân. Bốn, kẻ thù tấn công bằng vũ khí thông thường có khả năng đe dọa sự tồn vong quốc gia của Nga.
Ngày 25/9, tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng tình hình chính trị, quân sự thế giới đang thay đổi lớn, xuất hiện các mối đe dọa mới, nên cần thiết phải điều chỉnh, cập nhật Học thuyết hạt nhân.
Đề xuất mới nổi bật ba điểm nhấn về trường hợp/ngưỡng Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Một là, khi một quốc gia bất kỳ tấn công đường không quy mô lớn vào lãnh thổ Nga, bằng vũ khí thông thường, đe dọa chủ quyền của Nga. Hai là, hành động chống lại Nga của “bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, được sự tham gia, hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” là cuộc tấn công “liên minh chung của họ”. Moscow sẽ đáp trả vào cả hai đối tượng. Ba là, các trường hợp mở rộng áp dụng cho cả đồng minh Belarus.
Có thể thấy ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân hạ thấp, đồng nghĩa mối đe dọa và khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân tăng cao. Đó là lời cảnh báo mạnh mẽ chưa từng thấy của Nga.
“Tống tiền hạt nhân”?
Phương Tây vừa “đứng ngồi không yên” vừa không đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của tình thế. Một số nhà lãnh đạo cho rằng chỉ là hành động “đe dọa bằng lời nói”! Moscow “chơi trò tâm lý”! Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đó là “cảnh báo vô trách nhiệm và không đúng thời điểm”.
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yemark nhìn nhận động thái thể hiện sự yếu kém của Nga! Cơ sở cho những quan điểm trên là Moscow không đáp trả khi một số lần “lằn ranh đỏ” bị vượt qua và họ chưa thấy Nga có động thái chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân và sẽ bị phương tiện trinh sát NATO nắm chắc.
Ở chiều ngược lại, một số chính khách, chuyên gia phương Tây tỏ ra lo lắng. Nhà bình luận quân sự Mỹ Earl Rasmussen cho rằng Nga rất nghiêm túc và phớt lờ cảnh báo của Moscow “là một sai lầm nghiêm trọng”.
Theo một số chuyên gia, hiện NATO và phương Tây chưa vi phạm hai điều “kiêng kị nhất”, đồng ý cho Kiev sử dụng rộng rãi tên lửa tầm xa và các loại vũ khí hiện đại nhất tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và chưa đưa quân trực tiếp tham chiến ở Ukraine.
Điều gì sẽ xảy ra?
Tuyên bố về các trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân nêu rõ điều kiện có “thông tin đáng tin cậy” về cuộc tấn công của đối phương. Cái nguy hiểm là quyết định ấn nút hạt nhân của các bên không chỉ dựa trên hệ thống dữ liệu đầy đủ, chính xác mà còn do những cảnh báo, suy đoán chủ quan của một số khâu trong cả hệ thống.
Tính toán, quyết định chiến lược sai lầm của lãnh đạo các cường quốc hạt nhân là điều vô cùng nguy hiểm cho chính họ và cho nhân loại. Trở lại cuộc xung đột ở Ukraine, dù Nga thật sự không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân và coi đó là quyết định khó khăn, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn xảy ra kịch bản tồi tệ.
Một, NATO, phương Tây hỗ trợ, chi viện Ukraine tấn công đường không quy mô lớn vào lãnh thổ Nga, hoặc đánh chiếm Crimea. Hai, thế trận có nguy cơ đổ vỡ, NATO và phương Tây dốc vũ khí hiện đại cho Ukraine và đưa quân trực tiếp vào cứu nguy. Ba, cục diện chiến trường xoay chuyển bất lợi cho Moscow; NATO và phương Tây tiếp tục hành động khiêu khích Nga.
Nếu Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, dù ở quy mô chiến thuật, điều đó có thể dẫn đến việc NATO, phương Tây đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và tăng cường lực lượng áp sát, bao vây Nga, chiến tranh hạt nhân có nguy cơ bùng phát. Nếu một trong hai bên đánh đòn hạt nhân phủ đầu sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân tổng lực, Thế chiến III bùng nổ.
Chiến tranh hạt nhân, dù với bất cứ hình thức, quy mô nào, thì hậu quả vô cùng thảm khốc. Trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân tổng lực, nhiều khu vực trên hành tinh bị xóa sổ, đám mây hạt nhân che phủ hầu hết bầu trời; mục tiêu thiên niên kỷ, các quyết định ở Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 trở thành dĩ vãng…
Kể cả khi không xảy ra kịch bản hạt nhân nào, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vẫn sẽ bùng phát dữ dội. Các quốc gia đang và có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tăng tốc, gia tăng cuộc thử nghiệm và số lượng vũ khí trong kho hạt nhân… Những quốc gia khác thì lo tìm kiếm ô hạt nhân của các cường quốc.
Vì thế, cộng đồng quốc tế, nhất là nhân dân các cường quốc hạt nhân phải thúc đẩy mạnh mẽ chính phủ thực hiện công ước, hiệp định, nghị định thư về cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, khu vực không có vũ khí hạt nhân… Phát huy vai trò của Liên hợp quốc, đề xuất cơ chế, sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính phủ các nước, đặc biệt là nước lớn cần thực sự tuân thủ nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, có lý, có tình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tham-hoa-vu-khi-hat-nhan-canh-bao-suy-doan-va-kich-ban-288589.html