Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 16 mới đây, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay, đồng thời khẳng định những giá trị cốt lõi của UNCLOS trong quản trị biển và đại dương.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski (ngoài cùng, bên trái) chủ trì một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 16 tại Quảng Ninh ngày 24/10. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Xin Đại sứ nhận định về những nỗ lực của Việt Nam trong thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982?
Việt Nam là quốc gia biển luôn ủng hộ trật tự pháp lý quốc tế. Vì vậy, tôi cho rằng vai trò của Việt Nam trong UNCLOS, với tư cách là một quốc gia đi đầu, thực sự rất quan trọng. Hội nghị quốc tế Biển Đông được tổ chức thường niên cũng cho thấy Việt Nam không chỉ tuân thủ các quy tắc của UNCLOS mà còn có mục tiêu trở thành một trong những quốc gia góp phần thúc đẩy các chuẩn mực trong lĩnh vực này.
Một khía cạnh khác mà tôi muốn đề cập để minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam là vừa qua, Việt Nam đã thông báo lần đầu tiên có ứng cử viên cho vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) là một ứng cử viên xuất sắc. Việc Việt Nam chọn bà làm ứng viên thẩm phán cho ITLOS là một động thái rất tích cực và đáng hoan nghênh. Tóm lại, Việt Nam đang thực hiện rất tốt vai trò của mình.
“Chiến thuật vùng xám” là chiến thuật sử dụng sức mạnh dưới ngưỡng chiến tranh. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm, đáng lo ngại và chắc chắn không phù hợp với luật pháp. |
UNCLOS sau 30 năm thực thi đã minh chứng giá trị quan trọng như một bản “hiến pháp” của đại dương. Trước những thay đổi hiện nay trên thực tiễn, nhiều người đặt câu hỏi liệu UNCLOS có còn phù hợp không.
Theo ý kiến chung của các chuyên gia trong khuôn khổ Hội thảo Biển đông lần này, UNCLOS vẫn rất phù hợp và sẽ tiếp tục là trụ cột của hệ thống pháp lý quản lý các đại dương và biển cả.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề thực sự ở đây còn là làm thế nào để có thể thực thi UNCLOS một cách hiệu quả hơn. Ở một số khía cạnh nhất định vẫn có những thách thức mới từ công nghệ cần được quản lý, như vấn đề cáp ngầm dưới biển. Tuy nhiên, những thách thức này vẫn có thể được giải quyết trong khuôn khổ của UNCLOS. Đây cũng là quan điểm chung của tất cả những người tham dự hội thảo lần này.
Đại sứ đánh giá như thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay và những hành vi sử dụng “chiến thuật vùng xám”?
Tình hình Biển Đông hiện nay đứng trước nhiều khó khăn. Australia đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về một số hành vi chúng tôi chứng kiến đang diễn ra ở Biển Đông. Các bên đều hiểu rõ luật lệ, nhưng hiện tại những quy tắc này đang bị vi phạm nghiêm trọng.
Chúng ta đang chứng kiến cái gọi là “chiến thuật vùng xám” từ các lực lượng dân quân lớn, không chỉ vi phạm những hiểu biết chung về luật pháp mà còn gây ra xung đột, bất ổn và nguy hiểm cho cả những ngư dân vô tội. Đây là một vấn đề của khu vực cần phải được giải quyết.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Nhiều nước trong khu vực đang chia sẻ những quan ngại này và ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn. Tuy không thể biết trước tương lai ra sao nhưng hy vọng rằng chúng ta sẽ được chứng kiến sự trở lại của các hoạt động an toàn và có kỷ luật, tuân thủ khuôn khổ pháp lý và các quy tắc biển mà chúng ta đã thống nhất và thông qua.
“Chiến thuật vùng xám” là chiến thuật sử dụng sức mạnh dưới ngưỡng chiến tranh. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm, đáng lo ngại và chắc chắn không phù hợp với luật pháp. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi quốc gia nào đang sử dụng “chiến thuật vùng xám” hãy quay trở lại cách thức hoạt động tốt đẹp hơn.
Sau 30 năm đi vào thực thi, nhiều người cho rằng UNCLOS nên được sửa đổi đề phù hợp với thực tế, tuy nhiên, nhiều người lại đề xuất nên bổ sung thêm các thỏa thuận phụ để hỗ trợ UNCLOS. Theo Đại sứ, phương án nào tốt hơn?
UNCLOS vẫn cực kỳ quan trọng và tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa UNCLOS là “hiến pháp” của đại dương và biển cả. Vì vậy, chúng ta không nên thay đổi nó. Thay vào đó, tôi nghĩ chúng ta có thể bổ sung thêm các thỏa thuận để đối phó với các thách thức mới, ví dụ như vấn đề cáp ngầm dưới biển.
Sự thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) năm ngoái đã chứng minh cộng đồng quốc tế có khả năng bổ sung thay vì làm suy yếu UNCLOS. Đó là một khác biệt quan trọng.
Với Biển Đông, UNCLOS vẫn là trụ cột trung tâm và cần phải được tuân thủ ở vùng biển quan trọng này. Hiện nay, điều quan trọng nhất chính là thực thi nó. Nếu một quốc gia chọn cách phớt lờ các quy tắc, đó thực sự là một vấn đề. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quy tắc đó sai.
Trong khuôn khổ Hội thảo Biển Đông lần này, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa ra thảo thuận trong lĩnh vực quản trị biển với cả những khía cách lợi ích và rủi ro. Đại sứ nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như không gian mạng, AI và những công nghệ quan trọng khác như điện toán lượng tử sẽ đóng vai trò nhất định trong quản lý hàng hải. Nhưng điều quan trọng hơn cả là các quy tắc về đại dương và biển cả phải được tuân thủ, và những công nghệ mới này cần được áp dụng để phù hợp với các quy tắc đó.
Tôi tin chắc đó cũng là điều cả Việt Nam và Australia đều mong muốn nhìn thấy trong ứng xử tại Biển Đông và các vùng biển khác.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-australia-quoc-gia-nao-su-dung-chien-thuat-vung-xam-o-bien-dong-nen-quay-lai-cach-thuc-hoat-dong-tot-dep-hon-292066.html