Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là Nhà hát 3 nón lá) của tỉnh Bạc Liêu vừa được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Đồng thời được công nhận kỷ lục Việt Nam là điểm du lịch độc đáo bậc nhất ĐBSCL và cả nước.
Khi nhắc đến vùng đất Bạc Liêu, du khách không chỉ nhớ về giai thoại ăn chơi của Công tử Bạc Liêu nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh, hay cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, mà ngày nay còn ấn tượng bởi công trình Nhà hát 3 nón lá.
Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022
Ông Văn Công Diệp, Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, chia sẻ Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa công nhận Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là Nhà hát 3 nón lá) của tỉnh Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024.
Nhà Cao Văn Lầu tọa lạc cạnh quảng trường Hùng Vương, P.1, TP.Bạc Liêu, được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá đan xen nhau. Năm 2014, Nhà hát Cao Văn Lầu vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục “Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”.
Cũng theo ông Văn Công Diệp, Nhà hát Cao Văn Lầu còn được độc giả, Ban tổ chức chương trình “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022” đề cử, bình chọn là một trong 35 điểm đến của “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022” ở hạng mục: Công trình kiến trúc độc đáo. “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022” là chương trình, do Sài Gòn Tiếp Thị phát động, tổ chức.
Kiến trúc độc đáo của Nhà hát 3 nón lá
Nhà hát 3 nón lá được xây dựng nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu do kiến trúc sư Vương Hoàng Lê (thuộc Hội Kiến trúc sư TP.HCM) thiết kế. Nhà hát có tổng diện tích 2.262 m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình 3 chiếc nón lá khổng lồ hướng vào nhau. Chiều cao nón lớn nhất hơn 24 m, đường kính nón lớn nhất hơn 45 m, mái được làm bằng tấm composite đúng như màu chiếc nón lá.
3 nón lá là biểu tượng cho sự gắn kết giữa ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng chung sống hòa thuận trên mảnh đất này. Với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, Nhà hát 3 nón lá nổi bật vẻ đẹp truyền thống mộc mạc, giản dị và quen thuộc. Công trình không chỉ để vinh danh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần của người dân Nam bộ trong quá trình phát triển đời sống văn hóa của mình, là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu.
Theo thiết kế 3 chiếc nón lá đại diện cho 3 khối nhà. Nhà A là nơi diễn ra các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: ca cải lương, hát dù kê, ca múa nhạc đương đại… với sức chứa hơn 850 chỗ. Nhà B là khu vực dành cho trung tâm hội thảo, hội nghị và Nhà C là nơi dành riêng để tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch đến tham quan.
Công trình được thiết kế theo mô hình 3 chiếc nón lá vừa mềm mại, vừa sống động, hình ảnh chiếc nón lá gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, duyên dáng, chịu thương chịu khó. Đây còn là biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện tình đoàn kết của ba dân tộc anh em: Kinh – Khmer – Hoa sinh sống trên vùng đất Bạc Liêu, sự gắn bó 3 miền Bắc – Trung – Nam của đất nước.
Ngoài ra, theo thiết kế các khối nón lá được thiết kế quay về các phía trục đường chính, có khối đế hình tròn được liên kết với hồ nước nên rất sinh động. Hồ nước có tổng diện tích 1.800 m², giữa hồ là lối đi cho khách tham quan, uốn cong theo suốt chu vi hồ. Phần diện tích hồ phía ngoài lối đi dùng để trồng sen, súng và thả các loại cá kiểng vừa mát mẻ, lại vừa thơ mộng. Phần hồ nước bên trong soi bóng công trình và mái nón lá trên mặt nước. Về đêm, nhà hát được rọi chiếu bằng những ánh đèn lung linh rực sáng cả trung tâm TP.Bạc Liêu.
Cái nôi giữ gìn văn hóa đặc sắc Nam bộ
Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, Nhà hát Cao Văn Lầu mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Nhà hát mang nét đẹp không chỉ ở góc độ kiến trúc mà còn hàm chứa bản sắc văn hóa độc đáo. Đây là nơi sưu tầm, bảo tồn, đào tạo, truyền nghề và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Nhà hát cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm: cải lương, dù kê, ca múa nhạc tổng hợp truyền thống, đương đại… Những tiết mục sẽ được trình bày bởi các NSƯT, các nghệ sĩ trẻ tài năng, qua những vở diễn trích đoạn cải lương được biểu diễn vào tối thứ bảy hàng tuần. Nhà hát còn tổ chức nhiều sự kiện triển lãm, trưng bày văn hóa, nghệ thuật, lịch sử thu hút khách du lịch đến tham quan, là điểm thu hút giới trẻ đến chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm, check in, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Bạc Liêu.
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-hat-3-non-la-bac-lieu-diem-nhan-du-lich-doc-dao-cua-mien-tay-185241031161858479.htm