Ngành nông nghiệp Tây Ninh và các đơn vị nghiên cứu vẫn nỗ lực tìm kiếm giống khoai mì mới, vừa có gen kháng khảm, đảm bảo năng suất, chất lượng, vừa chống chịu tốt với các bệnh điển hình trên cây trồng này.
Dù đã có những tín hiệu khả quan, 6 giống khoai mì (sắn) kháng bệnh khảm lá được Bộ NNPTNT công nhận và công bố lưu hành khi trồng đại trà vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm khác nhau.
Bệnh vẫn hoành hành trên các giống khoai mì
Tây Ninh có diện tích trồng khoai mì hằng năm lớn thứ 2 cả nước (trên 62.000ha), sau Gia Lai. Năng suất trung bình của khoai mì ở Tây Ninh từ 33-35 tấn/ha, đứng đầu cả nước (cao gấp 1,7 lần).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, việc thâm canh liên tục tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh trên cây khoai mì phát triển và gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ.
Trong đó, bệnh lở cổ rễ (thối củ) phát hiện từ năm 2014 vẫn hoành hành đến nay. Bệnh lan rộng sẽ làm gốc, thân teo thắt, nứt nẻ, chảy nhựa, thối mục; lá cây héo đột ngột. Bệnh lan xuống củ làm cho củ hư thối.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh vụ Đông Xuân năm 2023-2024 vừa qua, Tây Ninh có hơn 300ha bị bệnh lở cổ rễ. Diện tích nhiễm bệnh phổ biến ở hầu hết khắp các vùng trồng mì chủ lực của tỉnh.
Riêng đối với bệnh khảm lá phát hiện từ năm 2017, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Từ năm 2018, Sở NNPTNT Tây Ninh phối hợp các Viện, trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm chọn tạo được 6 giống khoai mì kháng bệnh khảm, đã được Bộ NNPTNT công nhận và công bố lưu hành, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97.
Dù đã có những tín hiệu khả quan nhưng ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết các giống này khi được trồng đại trà ngoài thực địa vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm khác nhau.
Ví dụ như giống HN5 thân cây to, củ to nhưng chữ bột không cao. Đối với giống HN1 rất thành công về năng suất chất lượng tinh bột nhưng lại bị những bệnh khác như: thối cổ rể, xì mủ thân hay chổi rồng trên phần ngọn…
Phát hiện giống khoai mì kháng khảm mới
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai) là 1 trong những đơn vị nỗ lực đồng hành cùng Tây Ninh trong hơn 4 năm qua. ThS. Phạm Thị Nhạn – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến thoái hoá giống nói chung và khoai mì nói riêng.
Vì thế, dù đã tìm được 6 giống khoai mì kháng khảm thì công tác khảo nghiệm vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bởi vì để tìm ra được giống mới, ưu việt cần rất nhiều thời gian, công sức. Trung bình phải mất ít nhất 3-5 năm mới chọn ra giống được công nhận.
Qua khảo nghiệm từ 10.000 hạt lai các giống khoai mì có gen kháng bệnh khảm lá và một số bệnh hại khác tại tỉnh Tây Ninh, mới đây, Trung tâm Hưng Lộc đã phát hiện ra giống HLH20-0047.
Theo ThS. Nhạn, đây là giống ưu việt bởi không chỉ kháng 100% bệnh khảm lá mà còn có năng suất cao, chữ bột tốt. Trong điều kiện canh tác bình thường, giống HLH20-0047 có thể đạt năng suất từ 35-45 tấn/ha. Nếu trồng thâm canh và chăm sóc tốt như ở Tây Ninh, năng suất có thể đạt 45-55 tấn/ha. Hàm lượng tinh bột đạt được 29-30%.
Ngoài kháng 100% bệnh khảm, giống HLH20-0047 này còn kháng bệnh chổi rồng, có thể canh tác ở điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt như vùng bán ngập.
Giống này đáp ứng khá tốt các mong muốn của ngành khoai mì hiện nay. Trung tâm Hưng Lộc đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ NNPTNT công nhận”, ThS. Phạm Thị Nhạn chia sẻ.
Giữa tháng 10/2024, Sở NNPTNT Tây Ninh phối hợp tổ chức thu hoạch, đánh giá bộ giống khoai mì kháng khảm được trồng khảo nghiệm và tuyển chọn liên tục tại Trung tâm thực nghiệm nông nghiệp Tây Ninh từ năm 2021 đến nay.
Theo ông Jonathan Newby – Giám đốc Chương trình khoai mì quốc tế (Trung tâm CIAT), sau đợt thu hoạch này, dự kiến sẽ có thêm 2 giống khoai mì mới có gen kháng khảm và một số bệnh thường. Đồng thời, 2 giống mới cho năng suất, chất lượng tinh bộ cao hoặc bằng so với các giống trước đây.
Các chuyên gia sẽ có đánh giá cụ thể đối với các giống có đủ điều kiện để làm quy trình đề nghị Bộ NNPTNT công nhận và cấp phép lưu hành; sau đó triển khai nhanh công tác nhân giống nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bên cạnh công tác phối hợp tìm và phát triển các giống khoai mì mới, Viện Di truyền nông nghiệp cũng sẽ phối hợp để với các đơn vị quốc tế và trong nước tiến hành nghiên cứu quy trình canh tác bền vững theo hướng canh tác tái sinh.
TS. Nguyễn Hải Anh – Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết, đây là vấn đề ngành khoai mì cần quan tâm để hạn chế thoái hoá giống, vừa giúp cải tạo được sức khỏe của của đất, vừa nâng cao năng suất, chữ bột khoai mì.
Nguồn: https://danviet.vn/giong-khoai-mi-khang-kham-moi-nhat-se-trong-tren-dong-dat-tay-ninh-do-la-giong-khoai-mi-gi-2024103112383681.htm