(MPI) – Dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 31/10/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Đầu tư tổ chức Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 – năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải; các chuyên gia trong ngành; các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics; các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau hiện đang thuê nhà xưởng và kho bãi, các đơn vị tư vấn hàng đầu về logistics và chuỗi cung ứng. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung: nắm bắt cơ hội, tận dụng được những tiềm năng, đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các doanh nghiệp khác, cũng như quốc gia nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các quốc gia khác. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nắm bắt, ứng dụng được các công nghệ mới, tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất nước và những cơ hội khách quan mang lại để có đủ sức cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, để đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Để đạt được điều đó, Thứ trưởng cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp triển khai các cái nhiệm vụ, giải pháp sau cụ thể về cơ chế chính sách, về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Về phía các doanh nghiệp logistics, cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Hội nghị lần này là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có quyết tâm cao hơn; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, các chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi để vượt qua các thách thức, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 – năm 2024 tập trung thảo luận chuyên sâu về những vấn đề cấp bách nhất của ngành như hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường kết nối giao thông, đảm bảo các biện pháp ứng phó trước các thách thức thay đổi trong hoàn cảnh mới; tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng tới phát triển xanh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thông minh.
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, vị trí chiến lược trong các tuyến giao thương quốc tế, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư đang ngày một cải thiện được minh họa rõ nét bởi sự tăng trưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ sau thời gian bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, và đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ trong việc việc đẩy mạnh các đại dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các lĩnh vực đường bộ, đường không, cảng biển, đường sắt, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang mở ra nhiều cơ hội chưa từng có tiền lệ cho ngành logistics Việt Nam phát triển.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI |
Với chủ đề Chuyển đổi để bứt phá, tại Hội nghị lần này, đại diện các cơ quan quản lý, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong ngành logistics sẽ gợi mở nhiều ý tưởng cho những bài toán chuyển đổi của ngành logisitics để đạt được mục tiêu bứt phá. Theo đó, tập trung thảo luận về cách thức chuyển đổi để chi phí logisticstại Việt Nam không còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, tăng thêm sức cạnh tranh cho nền kinh tế; Chuyển đổi như thế nào để tháo gỡ những điểm nghẽn, dù đã được nhận diện qua thời gian dài, nhưng vẫn tiếp tục kìm bước chân ngành logistics Việt Nam trên đường chạy bứt phá; để các doanh nghiệp logistics trong nước chóng xanh hơn, nhanh hơn, mạnh hơn.
Ông Lê Trọng Minh mong muốn thông qua Hội nghị này, đại biểu có thể tìm cho mình những không gian kết nối, thiết lập những mối quan hệ đối tác mới để cùng bứt tốc nhanh hơn, đạt được nhiều thành công hơn góp phần vào sự phát triển đột phá của ngành logistics Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra 2 phiên thảo luận. Phiên 1 với chủ đề “Đối diện những thách thức mới”, trong phiên này các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề. Thứ nhất sẽ nhìn nhận các xu hướng mới và biến động toàn cầu. Trong đó, phân tích rõ tác động của biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và các chính sách kinh tế thay đổi đối với ngành logistics; Sự thay đổi trong dòng chảy thương mại toàn cầu và tác động của nó đối với chuỗi cung ứng và vận chuyển; thay đổi trong nhu cầu của khách hàng trước bối cảnh biến động toàn cầu và cạnh tranh gay gắt của chuỗi cung ứng.
Thứ hai là nhận diện các thách thức cơ sở hạ tầng logistics. Các chuyên gia sẽ có những phân tích về tình trạng hiện tại của cơ sở hạ tầng logistics, bao gồm cảng biển, sân bay, đường bộ, và hệ thống kho bãi; Thách thức trong việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành.
Thứ ba là đánh giá về những đứt gãy và an ninh chuỗi cung ứng, bao gồm: nguyên nhân và hậu quả của đứt gãy chuỗi cung ứng, bao gồm đại dịch, thiên tai và xung đột địa chính trị; Các mối đe dọa từ vấn đề bảo mật dữ liệu, tấn công mạng và an toàn dữ liệu và hàng hóa; Thảo luận các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với đứt gãy và những bài học rút ra từ các sự cố gần đây.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phiên 2 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá”, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận vào ba vấn đề chính. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ với các nội dung gồm: khai thác tiềm năng tích hợp của dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng và cải thiện hiệu quả hoạt động logistics; Đầu tư vào hạ tầng công nghệ, xây dựng năng lực phân tích dữ liệu và ứng dụng AI; Xây dựng văn hóa đổi mới, sẵn sàng thích ứng với các công nghệ mới nổi.
Các chuyên gia cũng đưa ra những ví dụ thành công từ các doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, kết hợp công nghệ mới vào hoạt động logistics.
Thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng thông minh. Với nội dung này, các chuyên gia sẽ có những phân tích về việc ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của cơ sở hạ tầng logistics, như hệ thống giao thông thông minh và quản lý kho bãi tự động; Chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông minh để chuẩn bị cho sự tăng trưởng dài hạn.
Nội dung thứ ba là tái cấu trúc chuỗi cung ứng gắn với phát triển xanh, bền vững. Các chiến lược để tái cấu trúc, tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm tăng cường tính linh hoạt và khả năng phục hồi, chẳng hạn như đa dạng hóa nguồn cung ứng và xây dựng các trung tâm phân phối khu vực; hay tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển để giảm thiểu chi phí và thời gian giao hàng./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-31/Hoi-nghi-Logistics-Viet-Nam-2024-Chuyen-doi-de-butnf8oxg.aspx