(NLĐO) – Có những người thầy không xuất hiện cùng phấn trắng bảng đen, không lên lớp trong tiếng trống trường, nhưng đã dạy ta nhiều bài học quý giá
Thiện duyên ở đời hình như luôn đến những khi mình chẳng thể nào ngờ tới…cũng hệt cái lúc mà tôi được gặp thầy Nguyễn Thanh Minh (nguyên Tổng Biên tập báo Doanh nhân Sài Gòn, nguyên Chủ tịch Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can, nguyên Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn) vào buổi chiều tháng 8 chín năm về trước.
Người thầy không đứng lớp
Giữa những bộn bề cơm áo, giữa cái lạ lẫm thị thành, thầy xuất hiện nghiêm nghị nhưng giản dị. Năm ấy, tôi chỉ mới bước chân vào đại học.
Tôi đến nơi đây khi ước mơ nhỏ chật vật in nặng trên đôi vai ba mẹ. Với tôi lúc ấy, còn học là còn hy vọng – và thật đáng sợ nếu con người phải sống mà chẳng có thứ gì để ước mơ. Cái ước mơ tưởng xa xỉ là đến giảng đường của tôi từng suýt chút dừng giữa chừng nếu không có thầy và Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can. Tôi biết đến quỹ qua một người bạn, và năm tôi làm hồ sơ (2015) cũng là kì đầu tiên hoạt động của quỹ.
Một cô sinh viên năm nhất mới chập chững vào TP HCM vẫn còn lạ lẫm với Hàng Xanh hay Ngã năm Chuồng Chó, cố mò mẫm làm hồ sơ xin học bổng với suy nghĩ “Cái gì cũng có thể thử khi tuyệt vọng“.
Nhớ những buổi chiều thành phố đổ mưa dông, đường sá trơ trọi và mịt mờ nước, tôi ngồi co chân hàng giờ ở tiệm Internet gần trường chỉ để đánh máy mấy tờ đơn ứng tuyển rồi photo bảng điểm, bằng khen… Vòng hồ sơ, rồi các buổi phỏng vấn khó nhằn không ít lần làm tôi có ý định chùn bước. Nhưng chắc là khát vọng đến trường lớn quá, át cả sự tự ti và sợ sệt cố hữu của một cô bé lần đầu xa nhà hơn 700 cây số.
Giờ ngẫm lại, những ngày tháng ấy có lẽ sẽ là kỉ niệm mà tôi chẳng thể nào quên được trong suốt chặng đường sau này.
Tôi gặp thầy lần đầu tại buổi phỏng vấn vào quỹ trong một chiều tháng 8-2015: Thầy mặc vest đen còn tôi thì bận chiếc áo trắng thời cấp ba sờn cũ. Cái ngờ nghệch từ câu dạ thưa và nụ cười trừ khi chưa biết đáp lời làm tôi bồn chồn lo lắng. Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ, người luôn hỏi những câu khó nhất như Thầy, cuối cùng lại quyết định chọn tôi, trong ngỡ ngàng và bối rối.
Hôm trao học bổng là một ngày đẹp trời, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại nghẹn ngào bật khóc. Lúc phát biểu về định hướng tương lai, tôi khẽ quay sang như tìm kiếm chút động viên nào đó: Thầy đang đứng sau lưng, lặng im nhìn tôi đầy xúc động.
Tôi thấy mắt thầy hơi nhòe ướt. Đó có lẽ là lần đầu tôi phát hiện: thì ra thầy không lạnh lùng như bề ngoài vẫn thấy.
Thầy và Quỹ Hỗ trợ tài năng Lương Văn Can đã đồng hành cùng tôi trong suốt quãng đường đại học nhiều trắc trở. Từ những hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí, dụng cụ học tập, cho đến chương trình Mentorship hướng nghiệp hay các dự án cộng đồng… tất cả đã làm cuộc sống của tôi có thêm vô vàn màu sắc: màu của hy vọng. Tôi dần biết cách sẻ chia mà không đợi mình “giàu có”, dần biết cách yêu thương bản thân và hiểu rằng ai cũng mang trong mình những giá trị để phát triển và cống hiến.
Trong các buổi gặp mặt định kỳ, thầy thường hỏi tôi về các định hướng tương lai, về khó khăn đang vấp phải, về cách giải quyết và đặc biệt không thể thiếu các bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng mà tôi đã học được ở trường.
Thầy hay bảo rằng, muốn thành công cần trung thực, hiếu nghĩa. Trung thực, hiếu nghĩa không chỉ gói gọn trong đời sống thường ngày mà còn cần vận dụng trong công việc. Đó cũng là tôn chỉ của quỹ, dựa trên tư tưởng và triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can.
Chính hai điều thầy dặn ấy đã giúp tôi neo lại lòng mình về hướng sáng tại vô số ngã rẽ và cám dỗ trong cuộc sống. Trưởng thành sau nhiều lần va vấp, giờ này đối với tôi, thành công không phải khi tài khoản có thêm nhiều số 0 hay được mọi người trọng vọng. Thành công chỉ đơn giản là trở thành một người lương thiện, tử tế, một học trò giữ đúng phẩm hạnh trung thực, hiếu nghĩa như lời dạy của thầy.
Dù có đang ở cương vị nào, với tôi, thầy luôn là một người dẫn đường, người định hướng và chắp cánh cho ước mơ. Thầy đã mang lại ánh sáng và thắp lên ngọn lửa hy vọng không chỉ cho riêng tôi mà còn cho rất nhiều bạn sinh viên khác trên mọi miền đất nước sau khi trở thành thành viên của quỹ. Thầy từng bảo đây không phải là quỹ từ thiện, mà là quỹ hỗ trợ tài năng. “Vì vậy, các con đều là những người xuất sắc và xứng đáng với nhiều điều tốt đẹp. Do đấy, đừng nghĩ rằng mình mắc nợ hay đang nhận sự ban ơn nào đó. Thứ các con cần quan tâm là nỗ lực học giỏi hơn, thành công hơn từng ngày, để xứng đáng với hai chữ tài năng”.
Thầy ơi..!
Chắc đó là câu nói tôi hay dùng nhất những khi cần thầy vỗ về, an ủi, khi nỗi đau nghẹn cuống họng và chỉ bật thốt lên được vài âm tiết giản đơn, chua xót.
Năm 3, tôi có ý định bảo lưu việc học, vì những vấn đề gia đình. Thầy tìm gặp tôi, hỏi lại định hướng tương lai, rồi lặng im giây lát. Nước mắt tủi thân cứ chảy xuôi, dù chẳng hề mong muốn. Thầy đưa tôi tấm khăn giấy cùng mấy viên kẹo socola được mua trong chuyến công tác nước ngoài, nhẹ nhàng thốt lên: “Thầy làm con khóc mất rồi”. Tự nhiên thấy thầy thân thương tới lạ.
Vừa tốt nghiệp thì ba tôi qua đời đột ngột trên biển, trong một chuyến khơi xa. Sài Gòn mờ mịt trong mắt tôi, rồi dần nhòe ướt. Đêm đã muộn, xe chẳng còn, phương tiện gì cũng hết, tôi ngồi bệt ở sân ga, khóc nấc gọi cho thầy, chỉ kịp thốt 2 tiếng “Thầy ơi!” rồi òa lên nức nở.
Thầy khẽ lặng im nghe tiếng tôi thút thít. Chẳng nói gì nhiều, giọng thầy trầm ấm nghĩ cách giúp tôi giải quyết vấn đề trước mắt: đặt vé. Thầy làm tôi hiểu rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, bản thân cũng cần phải duy trì lý trí.
“Bình tĩnh..” – Thầy bảo thế. Thần kì làm sao, tôi chợt thấy mình như có thêm sức mạnh. May quá, tôi còn có thầy.
Lạ lùng lắm, khi thầy chưa từng giảng dạy ở môi trường chính quy, nhưng tất cả sinh viên trong quỹ đều gọi “Thầy” đầy thân thiết.
Thầy đã tiếp cho tôi đôi cánh để bay hết quãng đường đại học. Ra trường, thầy lại thắp lên niềm tin để tôi không bỏ cuộc sau những lần vấp ngã. Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ rất cả các bạn sinh viên khác trong qũy từng có cơ hội làm việc cùng thầy.
Đến tận giờ này, thầy vẫn nghiêm nghị như ngày đầu gặp gỡ. Tôi ít khi thấy thầy nói đùa, nhưng chẳng bao giờ hình ảnh thầy trong tôi trở nên xa lạ cả. Có lẽ vì thế chăng mà lúc đạt được thành tích gì, tôi luôn muốn khoe cho thầy, khi thì bài báo vừa được đăng, lúc là giải thưởng mới nhận tới… Có hôm thầy nhắn “Chụp rõ cho thầy đọc“, có lúc lại đơn giản nhưng ngập tràn xúc động “Thầy tự hào về con lắm“. Mỗi lần như thế, khóe mắt tôi lại cay cay..
Dù có bao nhiêu năm tháng đổi thay, có người thoáng qua, có người tôi chưa từng chợt nhớ trong guồng quay cơm áo, nhưng hình ảnh của thầy vẫn cứ in đậm, như một kỉ niệm chương của thời đi học mà tôi có, là thứ mà tôi luôn trân trọng tới mãi sau này.
Cảm ơn thầy, Người thầy kính yêu của con!
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-nguoi-thay-kinh-yeu-hanh-trinh-hieu-nghia-196241031123832138.htm