(Dân trí) – Dưới góc độ tâm lý, ThS Đặng Hoàng An đánh giá, lối sống phông bạt là chủ đề nóng, việc đưa vào đề văn cũng là một cách giúp học sinh nhận thức và bày tỏ quan điểm về những vấn đề thực tiễn.
Từ mạng xã hội vào đề thi
Mới đây, mạng xã hội bàn luận sôi nổi về đề văn giữa học kỳ I của trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TPHCM. Đề văn gây ấn tượng bởi sự ngắn gọn, yêu cầu học sinh viết bài nghị luận về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay.
Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với chủ đề này. “Phông bạt” là thuật ngữ phổ biến trên mạng xã hội như TikTok, Facebook… được giới trẻ thường sử dụng. Cụm từ này chỉ việc khoe khoang, phô trương điều gì đó không thuộc về bản thân, nhằm mục đích chứng tỏ trước người khác.
Thấy vừa gần gũi vừa mới lạ là cảm xúc của B.N., học sinh trường THPT Võ Văn Kiệt TPHCM sau khi đọc đề. B.N. bất ngờ vì cụm từ tưởng chỉ dùng cho vui trên mạng được đưa vào đề thi và nghĩ mình có thể làm được 3 tờ giấy.
“Em thấy đề thực tế vì trào lưu phông bạt rất hot. Đọc đề đã nảy số liên tục, có ngay dẫn chứng đưa vào bài như việc một số người photoshop biên lai, khai ảo tiền quyên góp cứu trợ bão Yagi và người trẻ khoe thu nhập khủng, mua nhà, siêu xe trên mạng, giả vờ cuộc sống sang chảnh. Em nghĩ các bạn sẽ có nhiều nguồn khai thác khiến bài làm phong phú và ấn tượng”, em nói.
Tương tự, M.B., học sinh trường THPT Lương Văn Can TPHCM chia sẻ, việc đưa thực trạng này vào đề sẽ có nhiều góc nhìn từ học sinh, em vừa thấy đề đã có cảm hứng viết.
M.B. cho biết, đây là chủ đề mà hầu như các bạn trẻ đều biết và quan tâm, thậm chí quen thuộc và nắm rõ vì sử dụng cụm từ “phông bạt” hàng ngày. Em thường xuyên thấy các bạn trẻ lên mạng khoe tài sản khủng, nghỉ học từ sớm mà vẫn có lương trăm triệu. Đây là minh chứng cho lối sống phông bạt vẫn diễn ra mạnh mẽ trên mạng xã hội.
“Thay vì bàn luận trên mạng, giờ đây chúng em có thể nêu suy nghĩ qua bài thi. Việc chia sẻ quan điểm với bạn bè cũng thú vị hơn, không chỉ là kiến thức văn học thông thường”, M.B. cho hay.
Nhiều người trẻ khát khao chứng tỏ bản thân
Giáo viên một trường THPT công lập ở TPHCM nhận xét, vấn đề xã hội đặt ra trong đề khá phù hợp, thời sự và học sinh dễ vận dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh tính thực tiễn khơi gợi tâm lý hứng thú cho các em, một số ý kiến cho rằng đề thi này có thời gian 45 phút chưa hợp lý. Theo Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá định kỳ (hình thức làm bài trên máy tính hoặc trên giấy) với các môn trên 70 tiết/năm là từ 60 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Bên cạnh đó, đề cũng chưa có phần tiếng Việt để kiểm tra đầy đủ năng lực của học sinh.
Giáo viên này cho hay, dù không theo cấu trúc chung của đề thi giữa kỳ thông thường nhưng đây là sự thay đổi linh hoạt. Vì đây là đề dành riêng cho một trường nên có thể giáo viên kiểm tra phần tiếng Việt theo hình thức khác, thời gian 45 phút cho một câu nghị luận cũng hợp lý.
Giáo viên này nói thêm, trước chỉ đạo bỏ kiểm tra tập trung giữa kỳ, giảm tải áp lực cho học sinh, giáo viên có thể tự do lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá nhưng phải thống nhất với tổ chuyên môn về ma trận. Song, nếu đánh giá bằng các hình thức khác thì phải có kế hoạch được tổ trưởng chuyên môn và ban giám hiệu duyệt, cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.
Dưới góc độ tâm lý, ThS Đặng Hoàng An đánh giá, lối sống phông bạt là chủ đề hot hiện tại, việc đưa vào đề văn cũng là một cách giúp học sinh nhận thức và bày tỏ quan điểm về những vấn đề thực tiễn.
Ông phân tích, xuất phát từ nhu cầu thể hiện bản thân, tâm lý muốn gây chú ý, đặt nặng về vật chất khiến nhiều người trẻ khát khao và cố chứng tỏ bằng nhiều cách.
“Người ta thường chú ý đến những vấn đề gây sốc, lắm tiền nhiều của.
Giới trẻ lại hưởng ứng rất nhanh, bị cuốn vào những lượt yêu thích, bình luận khen ngợi, ngưỡng mộ nên càng muốn khoe”, ThS An bày tỏ.
Vì thế, theo ThS, khi bàn luận chủ đề này, học sinh có thể tư duy và tự rút ra bài học về những điều mà các em tiếp xúc hàng ngày trên mạng.
Không chỉ khoe ở mức cho vui, nhiều người còn “phông bạt” một cách vô tội vạ, sai lệch và thiếu kiểm soát. Việc này có thể lộ thông tin cá nhân hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ, bạo lực mạng.
Từ thực tế đề thi, ông cho hay, để xóa bỏ lối sống này cần một lộ trình dài từ việc uốn nắn, giáo dục và nhận thức từ mỗi cá nhân. Trong đó, giáo dục từ nhà trường và gia đình rất quan trọng.
“Các trường nên tổ chức những chuyên đề định hướng giá trị sống, cách cư xử văn minh trên mạng xã hội cho các em. Gia đình cần giáo dục những bài học về sự trung thực cho thế hệ trẻ”, ThS Đặng Hoàng An nói.
Có thể thấy, theo chương trình mới, cấu trúc đề thi các môn đã có sự thay đổi giúp học sinh phát huy năng lực, tự do sáng tạo. Ngày càng nhiều đề thi với chủ đề mới mẻ, thực tiễn xuất hiện.
Tuy nhiên, việc đưa những chủ đề nóng trên mạng vào đề có nhiều luồng ý kiến. Một số người đồng tình, một số khác cho rằng cần có sự giải thích rõ ràng về các thuật ngữ, cân nhắc về những chủ đề nhạy cảm, gây tranh cãi, làm mất vẻ trong sáng học đường.
Kỷ Hương
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-van-loi-song-phong-bat-bai-hoc-ve-khoe-qua-da-co-the-bi-bao-luc-mang-20241031084353475.htm