(LĐXH) – Tình trạng nghiện ma túy đang trở thành vấn đề nhức nhối hơn bao giờ hết, đặc biệt khi đối tượng nghiện ngày càng trẻ hóa và lan đến tầng lớp học sinh sinh viên (HSSV).
Không chỉ có xu hướng gia tăng mà độ tuổi sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Điều này không những gây hệ lụy về sức khỏe mà còn tác động sâu rộng đến an ninh trật tự và đời sống cộng đồng.
Những con số báo động
Hiện cả nước có 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý. Độ tuổi sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 – 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 – 15.
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70 – 75% người trong độ tuổi 17 – 35, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, HSSV.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), số lượng đối tượng cai nghiện ma túy trẻ tuổi theo diện bắt buộc và tự nguyện cũng có xu hướng tăng lên.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến 14/3/2024, tại 110 cơ sở cai nghiện ma tuý trên toàn quốc (97 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập) đã tiếp nhận 98.986 người đến cai nghiện, trong đó 97 cơ sở công lập tiếp nhận 76.450 người cai nghiện bắt buộc (249 người dưới 18 tuổi), 17.463 người cai nghiện tự nguyện (311 người dưới 18 tuổi); tại 13 cơ sở ngoài công lập, có 5.073 người đến đăng ký cai nghiện tự nguyện (9 người dưới 18 tuổi).
Theo bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, giới trẻ nghiện ma túy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn nguyên nhân từ chính các em. Do thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý, nên nhiều em bị đối tượng xấu kích động, lôi kéo sử dụng.
Một số em do tò mò, thích thể hiện bản thân nên đã chủ động đến với ma tuý. Số khác có tâm lý đua đòi, hưởng thụ, sống buông thả, dễ bị lôi kéo, sa ngã. Một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ bỏ nhau, gia đình bất hoà, mồ côi cha, mẹ hoặc kinh tế khó khăn, do buồn chán, cô đơn, không làm chủ được bản thân nên tìm đến ma tuý.
Trong khi đó, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi; các đối tượng đã sản xuất rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, lại được ngụy trang dưới dạng “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử… nên dễ dàng lôi kéo, dụ dỗ giới trẻ.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp; đáng chú ý là tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới nhiều thủ đoạn diễn ra tinh vi ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều cơ sở giáo dục.
Trong đó, đáng báo động là tình trạng nghiện ma túy trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, HSSV.
10 tháng qua, đã có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”, gây ra 33 vụ phạm pháp hình sự, trong đó 4 vụ giết người.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện 4 trường hợp cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật về ma túy; 61 trường hợp HSSV vi phạm pháp luật về ma túy (30 trường hợp HSSV vi phạm hành chính về ma túy, 31 trường hợp HSSV phạm tội về ma túy).
Những câu chuyện đau lòng
N.V.H., 17 tuổi, đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho biết: “Ban đầu, do bạn rủ rê, bảo là không sao đâu, nên em tính thử một lần cho biết. Từ đó nghiện lúc nào không hay, em sử dụng ma túy cả trong trường học.
Mỗi lần dùng, em dường như quên hết mọi căng thẳng, áp lực của gia đình và cuộc sống. Giờ đây em mới thấy tác hại của ma túy, nó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
Hồi đầu năm, thấy H. có biểu hiện bất thường, sụt cân nên gia đình nghi ngờ, tra hỏi, đưa đi xét nghiệm và biết H. nghiện. Từ đó, mẹ H. để ý và quan tâm đến em nhiều hơn, khuyên em từ bỏ, nhưng ma túy đã “ngấm” vào người, không thể quên được. Thấy ở nhà không thể khiến H. đoạn tuyệt với ma túy nên gia đình đã quyết tâm đưa em đi cai nghiện.
T.Đ.B. (18 tuổi) cho biết, lúc đầu em sử dụng ma tuý là do quá căng thẳng và áp lực từ gia đình về chuyện học hành, thi cử. Thế rồi em dính ma túy lúc nào không hay bởi ý nghĩ sai lầm là nó sẽ giúp em giải tỏa bế tắc. Càng lún sâu em mới thấy mình sai và kéo em vào hố đen của tuyệt vọng.
“Để có tiền sử dụng ma túy, em đã lấy tiền và đồ vật trong nhà đi cầm cố, thậm chí trộm đồ nhà hàng xóm. Điều ân hận nhất là em đã làm khổ bố mẹ và gia đình. Vì chuyện này mà mẹ em bị sốc phải nhập viện”, T.Đ.B. chia sẻ.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp thanh, thiếu niên nghiện ma tuý do thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý và sự quan tâm của gia đình.
Là người trực tiếp quản lý, điều trị rất nhiều đối tượng cai nghiện trẻ tuổi, mỗi em một hoàn cảnh, số phận khác nhau, ông Hoàng Văn Luật, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho biết: Hiện cơ sở quản lý, điều trị cho 687 đối tượng cai nghiện bắt buộc, trong đó 32 em dưới 18 tuổi (8 nữ).
Những năm gần đây, đối tượng sử dụng ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở ngày càng trẻ hóa. Từ thời điểm được giao nhiệm vụ tiếp nhận đối tượng dưới 18 tuổi đến nay, cơ sở đã tiếp nhận, quản lý hơn 70 em từ 12 đến dưới 18 tuổi.
“Nhìn các cháu bằng tuổi con, cháu mình khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Để chăm sóc đối tượng đặc biệt này, bên cạnh chăm lo sức khỏe, giáo dục hành vi nhân cách, lao động trị liệu, cơ sở còn quan tâm đến đời sống tinh thần, như tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp lứa tuổi, thường xuyên cử cán bộ hỏi han, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để nắm được tình hình thực tế từ đó điều chỉnh phương pháp quản lý, giáo dục, tư vấn phù hợp.
Cơ sở cũng tạo điều kiện để các em tham gia lớp học nghề để khi trở về cộng đồng có thể tìm được việc làm ổn định, tránh tái nghiện”, ông Luật chia sẻ.
Kỳ II: Cần sự chung tay của cộng đồng
Thùy Hương
Báo Lao động và Xã hội số 130
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/ky-i-nhung-cau-chuyen-dau-long-tu-nguoi-tre-nghien-ma-tuy-20241028200745431.htm