Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), gần 10 tháng năm nay Việt Nam xuất khẩu ớt mang về 22 triệu USD. Trong đó hiện nay Lào là thị trường xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam, sau đó đến Trung Quốc.
Theo VPSA, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 5.000 tấn ớt, với kim ngạch đạt khoảng 11,9 triệu USD; đến năm 2023 kim ngạch tăng lên 20 triệu USD, tương ứng với hơn 10.000 tấn; đột biến gần 10 tháng năm nay kim ngạch xuất khẩu thu về đến 22,2 triệu USD.
Nếu như trước đây Hàn Quốc, Mỹ ăn nhiều ớt Việt Nam thì từ năm 2022 đến nay thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Lào; lần lượt chiếm 33% và 43% thị phần.
Ngày 31-10, Tuổi Trẻ Online trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) về tình hình xuất khẩu ớt. Vị này thừa nhận 2 “vị khách” lớn của ớt Việt hiện nay là Trung Quốc và Lào.
Lý giải điều này, lãnh đạo VPSA nói: “Trung Quốc có lẩu Tứ Xuyên là món ăn truyền thống. Món này cay nồng, thấm đẫm vị ớt và tiêu. Nhất là vào mùa đông lạnh giá, người Trung Quốc tăng ăn lẩu có vị cay nồng.
Vì thế vào những tháng gần cuối năm, Trung Quốc nhập khẩu ớt rất nhiều, nhất là ớt khô. Trước đây, nguồn cung cho Trung Quốc phần lớn là từ ớt Ấn Độ, nhưng nguồn cung bị hụt nên thị trường này quay sang ăn mạnh ớt Việt Nam”.
Trong khi đó, hương vị cay của các loại là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Lào, nên bà Nguyễn Thị Xuân (TP.HCM, doanh nghiệp thu mua nông sản xuất khẩu) cho biết:
“Người dân xứ triệu voi ăn cay rất giỏi và ớt khô là gia vị chính trong các món ăn. Ớt được thu gom bên Việt Nam xuất bán sang Trung Quốc, Lào để họ làm ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc… Sức mua mỗi năm mỗi tăng, lượng khách tìm mua ký hợp đồng lâu dài cũng nhiều hơn”.
Theo một số chuyên gia nhận định, do ớt Việt Nam có độ cay cao và có nhiều loại khác nhau như ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng… đều rất cay nên được thị trường như Trung Quốc, Lào… ưa chuộng.
Hiện nay, thị trường nội địa ghi nhận ớt có mức giá dao động 22.000 – 28.000 đồng/kg.
Trước đó từ tháng 3-2022, ớt tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi xử lý kiểm dịch.
Tại Việt Nam, cây ớt ở Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”.
Việt Nam xuất khẩu ớt khô chỉ đứng sau Ấn Độ
Theo VPSA dẫn ra, năm 2020 sản lượng ớt của thế giới là khoảng 60 triệu tấn, bao gồm cả ớt cay, ớt chuông và ớt xanh.
Châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Thương mại ớt toàn cầu trị giá khoảng 35 tỉ USD mỗi năm, không kém cà phê hoặc trà.
Các nước trồng ớt chính là Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Romania, Trung Quốc, Nigeria và Mexico…
Riêng đối với ớt khô, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm hơn 6,11% vào năm 2021, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-gi-dac-biet-ma-xuat-khau-ot-vao-2-thi-truong-lao-va-trung-quoc-tang-20241031154630027.htm