Tiếng Anh là một ngôn ngữ quan trọng tại Pakistan với hơn 108.036.049 người sử dụng, đưa quốc gia này trở thành cộng đồng nói tiếng Anh lớn thứ ba trên thế giới, theo World Atlas. Tiếng Anh được sử dụng ở Pakistan là một biến thể của ngôn ngữ này, được gọi là English Pakistan hay Paklish. 

Khoảng 27% dân số Pakistan sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ trong khi 58% nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. 

Tuy nhiên, Pakistan chỉ đứng thứ 64 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ theo Bảng xếp hạng Chỉ số Thông thạo tiếng Anh (EF EPI) năm 2023, với số điểm 497 và thuộc nhóm “thông thạo thấp”. 

Ngôn ngữ “trung lập”

Việc sử dụng tiếng Anh ở Pakistan bắt nguồn từ thời kỳ cai trị thuộc địa của người Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ khi tiếng Anh được thiết lập như một biểu tượng của quyền lực. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hành chính và giáo dục bậc cao vào thế kỷ 19 dưới thời cai trị của người Anh. 

Chính phủ thuộc địa Anh đã cố gắng tạo ra một tầng lớp tinh hoa địa phương thành thạo tiếng Anh để làm cầu nối giữa các nhà cai trị Anh và dân cư địa phương. 

Sau khi giành độc lập vào năm 1947, Pakistan đã chọn tiếng Urdu làm ngôn ngữ quốc gia nhằm tạo dựng một bản sắc dân tộc thống nhất. 

Hình (1).png
Tiếng Anh được giảng dạy như một môn học bắt buộc đến trình độ đại học ở Pakistan. Ảnh: UNICEF.

Tuy nhiên, việc này đã gây ra những căng thẳng ngôn ngữ giữa các nhóm sắc tộc khác nhau trong nước. Để giải quyết vấn đề, tiếng Anh được chỉ định là ngôn ngữ chính thức, phục vụ như một phương tiện trung lập giữa các tranh chấp này, theo nghiên cứu trên Journal of Interdisciplinary Insights.

Mặc dù Hiến pháp năm 1973 xác định tiếng Urdu là ngôn ngữ quốc gia, Điều 251 cho phép sử dụng tiếng Anh cho các mục đích chính thức, đặc biệt trong hệ thống tư pháp và các hội đồng lập pháp.

Nghĩa là tiếng Anh được giữ làm ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Urdu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa các tỉnh và đảm bảo sự liên tục trong hoạt động của chính phủ. Quyết định này đã đặt nền móng cho vị thế của tiếng Anh như một ngôn ngữ tinh hoa trong xã hội giai đoạn hậu thuộc địa của Pakistan.

Khi toàn cầu hóa kinh tế phát triển, chính phủ Pakistan tiếp tục ưu tiên giáo dục tiếng Anh để thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội. Tuy vậy, tháng 9/2015, Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố rằng ngôn ngữ chính thức sẽ trở lại là tiếng Urdu, theo Hiến pháp năm 1973.

Nhiều học sinh học 14 năm vẫn kém 

Chính sách tiếng Anh hiện tại ở Pakistan có đặc điểm nổi bật là tính thực tiễn. Chính phủ đang nỗ lực làm cho tiếng Anh trở nên dễ tiếp cận hơn cho mọi người, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục, nhằm tăng cường khả năng sử dụng ngôn ngữ này trong đời sống hàng ngày và tạo ra cơ hội cho các thế hệ trẻ.

Trong hệ thống giáo dục Pakistan, tiếng Anh được giảng dạy như một môn học bắt buộc đến trình độ đại học. Tuy nhiên, chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục tiếng Anh khác biệt rõ rệt giữa các nhóm kinh tế xã hội khác nhau.

Một lý do chính khiến trình độ tiếng Anh thấp ở Pakistan là sự phân bổ không đồng đều của nền giáo dục chất lượng. Các trường học bằng tiếng Anh cung cấp chương trình giảng dạy tốt hơn nhưng chỉ giới hạn ở các trung tâm thành thị và các gia đình giàu có, khiến một bộ phận lớn dân số không được tiếp xúc đầy đủ với tiếng Anh.

Các trường tư thục chủ yếu phục vụ cho các gia đình trung lưu và tinh hoa đô thị, cung cấp chương trình giảng dạy tiếng Anh chất lượng cao. Sinh viên tốt nghiệp từ những trường này thường có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn. 

Ngược lại, trường công lập, đặc biệt ở vùng nông thôn, dạy bằng tiếng Urdu hoặc các ngôn ngữ địa phương, với tiếng Anh chỉ được xem là môn học phụ. Học sinh ở những cơ sở này thường nhận được sự giảng dạy tiếng Anh không đầy đủ, hạn chế khả năng đạt được trình độ giao tiếp.

Vì vậy, mặc dù đã học tiếng Anh hơn 14 năm, phần lớn học sinh từ các trường không thuộc giới tinh hoa vẫn thiếu những kỹ năng cần thiết để theo học giáo dục bậc cao và phát triển sự nghiệp, như được chỉ ra trong Journal of Education and Educational Development.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục của Pakistan thường nhấn mạnh vào kỹ năng đọc và viết tiếng Anh, ít chú trọng vào việc phát triển khả năng nghe và nói. Điều này khiến học sinh có thể đọc và viết tiếng Anh nhưng lại gặp khó khăn trong khả năng nói và nói trôi chảy. 

Nhiều học sinh tốt nghiệp với các quy tắc ngữ pháp học thuộc lòng nhưng lại không tự tin tham gia vào các cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh.

‘Học tiếng Anh cả chục năm vẫn không thể nói một câu hoàn chỉnh’“Tôi học tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 12 nhưng không nói được câu nào”, một độc giả chia sẻ với VietNamNet. Không ít độc giả phân tích phương pháp, sĩ số lớp quá đông… là rào cản cho việc dạy và học tiếng Anh tại các trường học.