Nhờ ‘lực đẩy’ từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) vừa được ký kết, thương mại Việt Nam – UAE kỳ vọng sớm vượt mốc 5 tỷ USD.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan hết tháng 9/2024, thương mại song phương Việt Nam và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,31 tỷ USD, tăng mạnh 43,67% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 1,31 tỷ USD).
Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Trung Đông này là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng 56,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD.
Có thể kể đến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 357 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 380 triệu USD; giày dép các loại đạt 151,2 triệu USD…
Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang UAE (Ảnh: Cấn Dũng) |
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ UAE hết tháng 9 đạt 653,46 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng gần 114 triệu USD).
Hết tháng 9 có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ UAE đạt kim ngạch trăm triệu đô gồm: Sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 252,77 triệu USD; khí đốt hóa lỏng đạt 187,2 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 128,38 triệu USD.
Hết tháng 9, thương mại Việt Nam – UAE đạt gần 5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 3,66 tỷ USD.
Trao đổi với báo chí ngay sau khi Hiệp định CEPA được ký kết vào chiều 28/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Hiệp định CEPA gồm 18 Chương, 15 Phụ lục và 2 thư song phương. Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Tóm lại, đây là Hiệp định FTA truyền thống với toàn bộ các nội dung vẫn thường có trong các hiệp định thương mại tự do khác nhưng với tiêu chuẩn cao và bao gồm nhiều yếu tố để chuẩn bị cho các xu thế phát triển của thế giới trong tương lai. Với những cam kết mang tính ưu đãi, thuận lợi, cân bằng lợi ích giữa hai bên, Hiệp định này sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Xuân Trung, Bí thư Thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) khi được ký kết có ý nghĩa to lớn, là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE. Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về thương mại, đầu tư và năng lượng giữa hai nước, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.
“Dự báo, hợp tác chung trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra” – ông Trương Xuân Trung thông tin.
Nguồn: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-nam-uae-ky-vong-vuot-moc-5-ty-usd-355427.html