Chuyến thăm Trung Quốc ngày 28 – 31/10 của Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb phản ánh nỗ lực nâng tầm khuôn khổ hợp tác giữa một thế giới đầy biến động.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb tại Đại lễ đường Nhân dân, ngày 29/10. (Nguồn: Xinhua/Wang Ye) |
Chuyến thăm diễn ra đúng ngày kỷ niệm 74 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (28/10/1950 – 28/10/2024), cũng như đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Phần Lan tới Trung Quốc sau 5 năm và sau khi Helsinki gia nhập Hiệp ước Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đồng thời, nó cho thấy nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến phức tạp. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai bên đã tập trung vào hợp tác thương mại, nắm bắt cơ hội đầu tư, hợp tác về công nghệ, thương mại, phát triển bền vững và xây dựng thành phố thông minh và các vấn đề khu vực-quốc tế “nóng”, với giải quyết xung đột là trọng tâm.
Từ “kiểu mẫu” tới “kiểu mới”
Mục tiêu này thể hiện rõ từ thành phần đoàn, lịch trình làm việc, cũng như nội dung trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Tháp tùng ông Stubb trong chuyến thăm Trung Quốc này là Ngoại trưởng Elina Valtonen, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Kai Mykkänen, Bộ trưởng Nông và Lâm nghiệp Sari Essayah, nghị sĩ Ville Skinnari, nghị sĩ Sakari Puisto cùng nhiều quan chức cấp cao, đại diện doanh nghiệp.
Ngoài ra, bên cạnh cuộc gặp then chốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều ngày 29/10, ông Stubb cũng có lịch trình tương đối “kín”. Trước đó, sáng cùng ngày, chính trị gia này dự buổi lễ công bố dự án phát triển khoa học ứng dụng giữa Đại học Thanh Hoa và các trường đại học Phần Lan.
Ông Stubb và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính dự cuộc gặp của Ủy ban Trung Quốc-Phần Lan về Hợp tác doanh nghiệp sáng tạo, thảo luận về tiềm năng của xây dựng quan hệ đối tác làm ăn xuyên biên giới trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng môi trường, y tế và phát triển công nghệ số.
Tại Thượng Hải, vị khách quý từ châu Âu đề cập tới an ninh toàn cầu và chủ nghĩa đa phương trong phát biểu tại Đại học Phúc Đán, gặp gỡ các học sinh, chuyên gia tại Trung tâm Nordic, trước khi khép lại chuyến thăm bằng buổi hội thảo giữa các doanh nghiệp do Tổng Lãnh sự quán Phần Lan, Hội Doanh nghiệp Phần Lan và Liên đoàn Công nghiệp Phần Lan tổ chức, tập trung vào cơ hội đầu tư ở cả hai nước.
Hầu hết các hoạt động này tập trung vào hợp tác thương mại, khoa học-công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và giao lưu nhân dân. Cuộc gặp giữa Tổng thống Alexander Stubb và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều ngày 29/10 tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh là tâm điểm khi củng cố những gì đã có và mở ra khuôn khổ hợp tác mới để hiện thực hóa hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.
Tại đây, nhấn mạnh Phần Lan là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và ký hiệp định thương mại liên chính phủ, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi đây là “quan hệ ngoại giao kiểu mẫu”, trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, có cân nhắc đến lợi ích cốt lõi.
Ông khẳng định quan hệ đối tác, hợp tác “kiểu mới hướng về tương lai” này cần được trân trọng và thúc đẩy, đặc biệt khi thế giới “trải qua những biến chuyển nhanh chóng chưa từng có trong nhiều thế kỷ và nhân loại phải đối mặt với khó khăn, thách thức ngày càng lớn”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh nước này sẽ hợp tác sâu sắc hơn với Phần Lan trên nhiều khía cạnh, từ các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và năng lượng mới, tới thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân, thể hiện rõ qua việc chính quyền Trung Quốc sẽ miễn visa với công dân Phần Lan.
Hai bên cũng chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện về giáo dục, nguồn nước, bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn và nông sản, trong đó tiêu điểm là kế hoạch chung về thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác “kiểu mới hướng về tương lai” giai đoạn 2025-2029.
Về phần mình, hồi tưởng lại cuộc gặp đầu tiên với ông Tập Cận Bình năm 2009, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb khẳng định Trung Quốc đã “phát triển với tốc độ không thể tưởng tượng nổi trong 15 năm qua”. Nhà lãnh đạo này khẳng định hai nước luôn tôn trọng, đối xử chân thành và duy trì đối thoại trên cơ sở bình đẳng suốt 74 năm qua.
Nhấn mạnh Phần Lan tiếp tục tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, ông Stubb cho biết Helsinki mong muốn tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, mở rộng trao dổi văn hóa và giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác thực chất trong thương mại, năng lượng xanh và phát triển bền vững, đặc biệt khi hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày này năm sau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb duyệt đội danh dự tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ngày 29/10. (Nguồn: Reuters) |
Ukraine, xe điện là điểm “nóng”
Về các vấn đề khu vực-quốc tế, vị khách châu Âu đánh giá cao tầm ảnh hưởng, vai trò đóng góp của cường quốc châu Á trong đề xuất sáng kiến mới, thúc đẩy bình đẳng giữa các quốc gia, giải quyết thách thức toàn cầu và mở rộng hợp tác để vì một thế giới hòa bình, ổn định hơn.
Khẳng định Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) gắn kết chặt chẽ về kinh tế, ông nhấn mạnh “sự phân tách, gián đoạn chuỗi công nghiệp và cung ứng” hay một cuộc chiến tranh lạnh mới không mang lại lợi ích cho bên nào. Phần Lan cũng sẵn sàng đóng góp, phát triển quan hệ Trung Quốc-EU.
Song Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cũng không ngại đề cập tới các vấn đề “nóng” trong chuyến thăm. Nhà lãnh đạo này cho biết đã trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình về thông tin cho rằng có sự hiện diện của quân đội, vũ khí Triều Tiên ở Nga, coi đây là “hành vi kích động, leo thang và mở rộng” căng thẳng hiện nay.
Ông cũng cảnh báo: “Trung Quốc càng ủng hộ Nga bao nhiêu, mối quan hệ của Bắc Kinh với châu Âu và đặc biệt là EU, sẽ càng trở nên khó khăn bấy nhiêu”. Điều này có thể khoét sâu hơn vào quan hệ Trung Quốc-EU, vốn đã trắc trở sau khi EU đánh thuế mạnh với xe điện sản xuất ở nước ngoài, bao gồm xe điện tại Trung Quốc, với mức thuế cao nhất lên tới 45,3%; đạo luật chính thức có hiệu lực ngày 30/10. Hai bên cũng trao đổi về vụ tàu chở hàng đăng ký ở Hong Kong (Trung Quốc) gây hư hại đường ống dẫn khí Balticconnector và cáp viễn thông kết nối Phần Lan với Estonia.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định quan điểm về tình hình ở Ukraine và xung đột ở dải Gaza, nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng cùng Helsinki và các bên liên quan tiếp tục nỗ lực, hướng tới giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Trong khi đó, tiếp ông Stubb, Thủ tướng Lý Cường kêu gọi Phần Lan “tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc, đóng góp tích cực vào củng cố sự phát triển lành mạnh của quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu”. Tuyên bố này hẳn ám chỉ đạo luật đánh thuế xe điện của EU vừa có hiệu lực ngày 30/10 vừa qua.
Trên cơ sở đó, nỗ lực triển khai khuôn khổ quan hệ đối tác, hợp tác “kiểu mới hướng về tương lai” không chỉ hướng tới tăng cường hợp tác song phương một cách toàn diện, mà còn góp phần tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng” đối với cả Phần Lan và Trung Quốc, góp phần củng cố hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tong-thong-phan-lan-tham-trung-quoc-tim-khuon-kho-moi-291936.html