Các tỉnh Tây Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa và đa dạng sinh học, đang trở thành nơi hấp dẫn cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Sáng nay 30/10, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn vùng Tây Nguyên diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Tham gia hội nghị có các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kiện này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và các bên liên quan trong việc phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, khu vực Tây Nguyên có tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, cùng với các sản phẩm nổi bật như càphê, hồ tiêu, cao su và cây ăn trái nhiệt đới. Do đó, để tối ưu hóa hiệu quả phát triển, cần có sự đầu tư đồng bộ vào công nghệ, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Hội nghị này sẽ là diễn đàn chuyên nghiệp để các doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối liên kết bền vững để thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển hiện đại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày những tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển nông nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm thành công và thảo luận về các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Là doanh nghiệp đang đầu tư nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Tây Nguyên, ông Vũ Mạnh Hùng, Trưởng ban Công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp thực phẩm (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa và đa dạng sinh học, đang trở thành nơi hấp dẫn cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Mặc dù vậy, theo ông Hùng, nguồn tài nguyên nói trên tại Tây Nguyên vẫn chưa được khai thác tối đa do thiếu nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ. Trong đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn là xây dựng một chuỗi giá trị bền vững, liên kết từ cung ứng đầu vào đến thị trường tiêu thụ đầu ra.
Ông Hùng cho biết, thời gian qua liên doanh giữa Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan) đã triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên với quy mô lớn và đã đạt được những thành tựu đáng kể.
“Tại Lâm Đồng, chúng tôi có 3 dự án chăn nuôi gà với tổng diện tích 30ha, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng, hiện đang phát triển ổn định. Tại Đắk Lắk, dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN với diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) cũng đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Riêng tại Gia Lai, dự án DHN với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã đạt 60% tiến độ thi công và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 12 năm nay” – ông Hùng thông tin.
Chuỗi dự án do 2 tập đoàn đầu tư vào Tây Nguyên không chỉ nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà còn đặt nền móng cho một mô hình nông nghiệp kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện cho Tây Nguyên.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, để các dự án này phát triển thuận lợi, bền vững, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các chính sách thu hút đầu tư phù hợp.
“Qua thực tiễn triển khai, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức và trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao. Cụ thể, các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng và nhất quán cho các vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi. Quy hoạch cần bám sát các tiềm năng và có sự đồng bộ giữa các địa phương, giúp các nhà đầu tư nhìn thấy được hướng phát triển dài hạn, đồng thời đảm bảo việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý” – ông Hùng nêu ý kiến.
Ông Hùng tiết lộ: “Một trong những kế hoạch quan trọng của chúng tôi là đầu tư vào dự án nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn, song song với việc xây dựng các mô hình hợp tác xã tại Tây Nguyên. Việc này không chỉ giúp chủ động nguồn cung cấp ngô nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, mà còn là một chiến lược dài hạn để tăng cường an ninh lương thực và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước và quốc tế về ngô đang tăng cao”.
Đại diện cho chuỗi liên kết De Heus – Hùng Nhơn cũng chỉ ra thực trạng, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó nhiều nhất là ngô, do nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phần nào ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng hành với bà con nông dân, De Heus đang phối hợp cùng Bộ NNPTNT giải quyết thực trạng này thông qua dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng ngô tại khu vực Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án là áp dụng giống mới, khoa học kỹ thuật nhằm giúp bà con cải thiện năng suất ngô, giảm chi phí sản xuất cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng để cạnh tranh với nguồn ngô nhập khẩu, đảm bảo sinh kế và gia tăng thu nhập.
Ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh, tỉnh Gia Lai là nơi có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và khí hậu thuận lợi, là địa điểm lý tưởng cho các loại cây trồng phục vụ nhu cầu nói trên.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) để xây dựng vùng ngô nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, trên cơ sở phát triển các hợp tác xã đang có tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Sự kết hợp các dự án này sẽ phát huy tối đa thế mạnh và góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung” – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn khẳng định.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, Tây Nguyên không chỉ nhận được nguồn vốn mà còn tiếp cận được công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý. Việc tạo ra các liên kết chặt chẽ giữa các đối tác này sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng các chuỗi cung ứng khép kín, từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Vũ Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của nguồn nhân lực. “Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ cần vốn và công nghệ mà còn cần những người lao động có kỹ năng, am hiểu về kỹ thuật. Vì vậy, tôi đề xuất cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; hợp tác với các doanh nghiệp, xây dựng các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, giúp người lao động nâng cao tay nghề”.
Bên cạnh đó, về vấn đề thị trường tiêu thụ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho rằng việc đẩy mạnh kết nối thị trường là một giải pháp tối ưu để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường quốc tế. Tiếp đó, cũng cần đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho nông sản Tây Nguyên nhằm nâng cao giá trị, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng chung tay với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự đầu tư từ các doanh nghiệp, Tây Nguyên sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tiên tiến, cung cấp nông sản chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu” – ông Hùng nói.
Trước những đề xuất của đại diện Tập đoàn Hùng Nhơn và các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn. Với tư duy đổi mới, với sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu, Tây Nguyên có thể chuyển mình từ một nơi vốn tập trung trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su và cà phê để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có tư duy rộng mở hơn, không giới hạn đối với nông nghiệp Tây Nguyên. Đồng thời, ông cũng gợi ý xây dựng các “vùng đệm” cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ở những khu doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư cùng các HTX, nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của thị trường nguyên liệu đầu vào như ngô và đậu tương, vốn chủ yếu phải nhập khẩu.
“Cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc về chính sách, đồng thời cam kết Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ trong phạm vi thẩm quyền”, ông Lê Minh Hoan nói thêm.
Nguồn: https://danviet.vn/thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tai-tay-nguyen-doanh-nghiep-can-quy-hoach-dong-bo-thong-suot-20241030190444003.htm