Dự thảo một luật sửa bảy luật được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay (29/10) không còn loại bỏ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân ra khỏi sân chơi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, song phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “3 có”
Dự thảo một luật sửa bảy luật được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay (29/10) không còn loại bỏ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân ra khỏi sân chơi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, song phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Cá nhân chỉ được mua trái phiếu được xếp hạng, có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán
Sáng nay, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, dự thảo luật đưa ra lấy ý kiến trước đó đã loại bỏ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp ra khỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ (trừ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành). Tuy nhiên, theo dự thảo được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, bên cạnh bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn) thì cũng “mở cửa” cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia mua, bán trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, dự thảo quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong các trường hợp sau: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Theo tờ trình của Chính phủ, trái phiếu riêng lẻ có độ rủi ro rất cao. Mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này nhưng trên thực tế hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân thường ít tham gia trực tiếp vào thị trường này do hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và nguồn lực.
Việc quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân được trực tiếp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong một số trường hợp nhất định như trên sẽ giúp vừa nâng cao chất lượng của thị trường, vừa tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, an toàn, hiệu quả.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện nêu trên có mức độ rủi ro cao hơn thì chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng, tạo điều kiện tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn.
Quy định như trên không hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu. Để thị trường có thời gian điều chỉnh và thích ứng với quy định mới, bảo đảm quyền và lợi ích của các nhà đầu tư hiện hành, dự thảo Luật bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp: đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành riêng lẻ trước ngày 01/01/2026 và còn dư nợ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán đến khi tổ chức phát hành thanh toán đầy đủ gốc, lãi của trái phiếu.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhất trí việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài để tạo thuận lợi, tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam, thúc đẩy TTCK phát triển và mở rộng kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đồng tình với đề xuất của Chính phủ quy định về đối tượng nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ. Tuy vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành phù hợp với tình hình thị trường, bảo đảm phát triển bền vững thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tăng cường sự tham gia của các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư là tổ chức vào thị trường trái phiếu nói chung, trái phiếu phát hành riêng lẻ nói riêng; tăng trách nhiệm của nhà đầu tư cá nhân.
Dù vậy, vẫn còn một số ý kiến lại ủng hộ phương án Chính phủ trình trước đây (chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân chỉ tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành. Cá nhân muốn đầu tư TPDN riêng lẻ có thể đầu tư qua các quỹ).
Tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng chứng khoán riêng lẻ từ 1 năm lên 3 năm sẽ làm giảm thanh khoản thị trường
Về điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, dự thảo một luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành tối thiểu 03 năm, tương tự như nhà đầu tư chiến lược.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ, bởi tính chất, mục đích nắm giữ, giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là khác nhau.
Dự thảo Luật đã thu hẹp đối tượng tham gia mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán riêng lẻ, việc tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng có thể dẫn đến tâm lý e ngại cho nhà đầu tư, tác động đến thanh khoản của thị trường, giảm mức độ hấp dẫn và sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ; đồng thời có thể gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, tái cơ cấu danh mục của nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng nên quy định thời gian hạn chế chuyển nhượng cao hơn mức quy định tại Luật hiện hành nhưng thấp hơn thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược. Có ý kiến đề nghị giữ thời gian hạn chế chuyển nhượng của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như Luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân, giải pháp để hoàn thiện hơn nữa chính sách về TPDN riêng lẻ, đồng thời, cần hoàn thiện một cách đồng bộ các quy định liên quan đến TPDN riêng lẻ của công ty đại chúng (quy định tại Luật Chứng khoán) và công ty không phải là đại chúng (quy định tại Luật Doanh nghiệp) để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn, là kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-chuyen-nghiep-ca-nhan-chi-duoc-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-3-co-d228563.html