Sàn thương mại điện tử và bên giao nhận đều đang tìm cách để đáp ứng nhu cầu nhanh và rẻ nhất cho người tiêu dùng cuối.
Sàn thương mại điện tử và bên giao nhận đều đang tìm cách để đáp ứng nhu cầu nhanh và rẻ nhất cho người tiêu dùng cuối.
Doanh nghiệp giao nhận mở rộng đầu tư để đáp ứng cho thương mại điện tử. Trong ảnh: Trung tâm phân loại hàng của Best Express |
“Chạm vào nỗi đau kinh tế” của người tiêu dùng
“Phần lớn sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc như AliExpress, Taobao, Temu, 1688… có giá rẻ đến khó tin. Giao hàng có thể chậm hơn, hay chỉ cho thanh toán bằng thẻ tín dụng trước, nhưng tôi vẫn chấp nhận nếu giá rẻ hơn tới 50-70% so với các sàn khác đang hoạt động ở Việt Nam”, chị Ngọc Mến, một người nội trợ, đang kinh doanh thêm đồ chơi trẻ em tại nhà chia sẻ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu eo hẹp… ngày càng có nhiều người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả. Họ tìm đến các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Shopee, Lazada… để giảm bớt “nỗi đau kinh tế”, dễ dàng săn được các món hàng vừa rẻ, vừa bắt mắt. Đây là điều đáng mong đợi đối với các hãng TMĐT Trung Quốc, khi họ quyết liệt mở rộng ra toàn cầu để bù đắp tình trạng ảm đạm của tiêu dùng trong nước.
Vậy nên, các doanh nghiệp giao nhận cũng liên tục mở rộng đầu tư kho bãi tại Việt Nam, giúp các sàn có thêm sự lựa chọn.
Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 – Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.
Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn.
Được biết, có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển cho nhiều sàn TMĐT ở Việt Nam là Ninja Van và Best Express.
Ninja Van – công ty vận chuyển đến từ Singapore, chính thức gia nhập thị trường Việt Nam tháng 3/2018. Với khả năng đáp ứng mọi nhu cầu giao hàng, đội ngũ vận hành đông đảo, Ninja Van đã mở rộng nhanh chóng tại Việt Nam. Ninja Van cũng là đối tác vận chuyển của các “ông lớn” trong ngành TMĐT như Lazada, Sendo, Tiki.
Trong khi đó, Best Express cũng từng là một trong những công ty giao hàng nhanh lớn nhất tại Trung Quốc. Năm 2021, công ty này bán mảng kinh doanh chuyển phát nhanh trong nước cho J&T Express và chuyển trọng tâm sang các giải pháp hậu cần khác, cũng như mở rộng ra nước ngoài.
Công ty con của Best Express tại Việt Nam vừa đánh dấu 5 năm gia nhập thị trường với dịch vụ chuyển phát nhanh và mô hình nhượng quyền bưu cục. Với hệ sinh thái dịch vụ trọn gói, Best Express mở rộng mạng lưới dịch vụ chuyển phát nhanh đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 700 bưu cục trải dài toàn quốc, trong đó có 600 bưu cục nhượng quyền.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng nhanh, doanh nghiệp này đầu tư hơn 50 triệu USD vào xây dựng hệ thống tự động hóa, hạ tầng kho bãi, hạ tầng vận tải và mạng lưới dịch vụ. Đến nay, đơn vị này sở hữu 39 trung tâm phân loại hàng hóa tự động trên khắp cả nước. Tổng diện tích kho bãi trên toàn quốc lên đến hơn 100.000 m2, năng lực xử lý trên 2,2 triệu bưu kiện mỗi ngày.
Định hướng số hóa hoạt động logistics cũng được đơn vị triển khai toàn diện trong từng khâu vận hành. Tại các trung tâm phân loại, bưu kiện được Best Express phân loại và chia bằng dây chuyền xử lý hàng hóa tự động với cảm biến cân, đo, quét mã, chụp ảnh… ghi nhận thông tin gói hàng chính xác, phân loại nhanh chóng trong nửa giây cho bưu kiện nhỏ và 2 giây cho kiện lớn.
Kết cấu hạ tầng, kho bãi, đầu tư công nghệ đúng mức là mấu chốt giúp những tên tuổi này tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn hệ thống kho bãi phù hợp, công nghệ tự động hóa trở thành yếu tố then chốt, tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Khi sàn muốn “ôm trọn” cả logistics
Việc các sàn thương mại điện tử tự đầu tư logistics đang gây sức ép không nhỏ cho các công ty dịch vụ giao vận. Cách làm này giúp các sàn kiểm soát chi phí vận hành hiệu quả hơn, cam kết thời gian nhận hàng đúng với khách hàng, giúp gia tăng thị phần.
Điển hình là Shopee và Lazada vẫn so găng cuộc đua đầu tư vào mạng lưới kho bãi logistics của riêng mình.
Mới đây, SPX Express (trước đây là Shopee Xpress) bắt tay với Frasers Property Vietnam khởi công xây dựng Trung tâm phân loại hàng tự động, vốn đầu tư 30 triệu USD tại Bình Dương. Trung tâm có tổng diện tích lên tới 106.000 m2. Hệ thống phân loại hàng hóa tự động tiên tiến nhất sẽ được trang bị tại đây. Giai đoạn I dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025.
Đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh, với công suất xử lý 4 triệu đơn hàng mỗi ngày, Trung tâm phân loại hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi vận hành của SPX Express tại khu vực phía Nam.
Trong khi đó, năm 2023, giữa lúc thị trường im ắng, Lazada Việt Nam là doanh nghiệp hiếm hoi công bố thêm khoản đầu tư khủng. Cũng chọn Bình Dương làm “trái tim” của toàn bộ hành trình đơn hàng, cuối tháng 3/2023, sàn TMĐT này chính thức đưa vào vận hành kho phân loại hàng hóa mới Lazada Logistics Park tại KCN Sóng Thần, với tổng diện tích gần 20.000 m2.
Ông Vũ Đức Thịnh, CEO Lazada Logistics khẳng định, tất cả những gì công ty đang làm sẽ góp phần gia tăng trải nghiệm của người mua hàng và người bán hàng. Điều này cũng cho thấy, logistics là một khoản đầu tư dài hạn để các sàn TMĐT kiên định với mục tiêu.
Theo ông Jianggan Li, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works, các sàn TMĐT lớn của khu vực đều đang cố gắng cải thiện trải nghiệm người dùng. Trong đó, có cam kết thời gian nhận hàng. Việc sở hữu mạng lưới giao vận riêng giúp các sàn này kiểm soát được quy trình, đồng thời có được nguồn dữ liệu để có thể tối ưu vận hành về sau.
Việc sàn TMĐT tự đầu tư logistics có thể không giúp tăng trưởng nhanh, nhưng sẽ giúp phát triển bền vững. Bối cảnh sức mua còn khó khăn, buộc các sàn phải đưa ra những chính sách chiều chuộng người dùng hơn như cho đồng kiểm hàng, cho hủy đơn hàng ngay cả khi đang giao. Triển khai chính sách này được đánh giá là ít tốn kém hơn nếu sàn tự sở hữu mạng lưới giao vận.
Dù vậy, giới phân tích cũng cho rằng, sở hữu hệ thống logistics riêng không đồng nghĩa với gia tăng được thị phần. CEO Best Express nhận định, sự xuất hiện của nhiều kho bãi tại biên giới cho thấy những thay đổi dựa theo mô hình kinh doanh, xu hướng kinh doanh mới. Hiện tên tuổi giao nhận này đã liên kết với các sàn TMĐT, các đối tác ở nước ngoài. Mục tiêu cuối cùng là bên giao nhận sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng đến tận nhà với thời gian nhanh nhất có thể.
Nguồn: https://baodautu.vn/cuoc-dua-giua-san-thuong-mai-dien-tu-va-ben-giao-nhan-d228260.html