(MPI) – Chiều ngày 29/10/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã tham dự Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức”. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là trục “xương sống”, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến những đóng góp của dự án đối với nền kinh tế, GDP và đối với sự phát triển của xã hội, phục vụ đời sống dân sinh; đồng thời cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt vào thời điểm này đã có đầy đủ cơ sở để triển khai.
Thứ nhất, mong muốn của người dân cũng như sự quyết tâm của hệ thống chính trị đã thể hiện mong muốn có tuyến đường sắt tốc độ cao, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn và khả năng kết nối tốt hơn so với đường sắt đang được sử dụng.
Thứ hai, có đầy đủ cơ sở chính trị và thực tiễn. Theo đó, về cơ sở chính trị, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ nay đến năm 2035. Về cơ sở thực tiễn, trong bản quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã đặt vấn đề hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây là sự cần thiết để có bước đột phá về hạ tầng, tạo tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
Qua phân tích sơ bộ, hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi dự án. Chúng tôi mới có dữ liệu sơ bộ để đánh giá hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế – xã hội. Có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là đang trong quá trình xây dựng; giai đoạn thứ hai là đưa vào vận hành. Cả 2 giai đoạn đều tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chi tiêu cho đầu tư cũng là một động lực tác động đến tăng trưởng kinh tế và đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo con số khái toán ở mức tiền khả thi là rất lớn. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công. Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có tác động trực tiếp đến khoảng 7-8 lĩnh vực. Thứ nhất là, tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP bởi vì đây là công trình xây lắp.
Thứ hai là, tác động đến các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này, như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu tạp chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.
Thứ ba, tác động đến các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn…
Thứ tư, tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. Trong định hướng phát triển tuyến đường sắt này, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Đây cũng là một động lực cho phát triển. Trong tương lai chúng ta xác định phát triển đô thị là một động lực thì đây là một động lực tốt để phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ năm, tác động đến các ngành khai thác sau này khi dự án đi vào vận hành, đặc biệt là dịch vụ du lịch.
Thứ sáu, tạo công ăn việc làm. Đây là công trình quy mô cực lớn, do vậy để huy động lực lượng tham gia vào xây dựng công trình này sẽ tạo ra công ăn việc làm tương đối lớn.
Ngoài ra, sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải để hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ cho giao thông vận tải với một đường sắt mới.
Khi dự án đưa vào khai thác, vận hành sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế – xã hội. Khi dự án đi vào khai thác, rõ ràng sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh đến những kỳ vọng của người dân khi dự án được hoàn thành; về cơ chế đặc thù cho việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao về quy trình thủ tục, nguồn lực. Trong quá trình tham gia xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng như thẩm định báo cáo, Bộ Giao thông vận tải trình có hạng mục là đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai các hạng mục dự án, bảo đảm mục tiêu chất lượng, tiến độ và mức độ an toàn công trình này./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-29/Thu-truong-Tran-Quoc-Phuong-tham-du-Toa-dam-Duong-frnyho.aspx