Ngày 30/10, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, đang yêu cầu xem xét kỷ luật cá nhân, tập thể có liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Giám định y khoa Thanh Hóa (GĐYK).
Theo tài liệu được biết, trong năm 2022 – 2023 có 29 trường hợp được thay đổi kết quả GĐYK so với hồ sơ giám định gốc. Trong đó, năm 2022, có 9 trường hợp và năm 2023 có 20 trường hợp bị sửa (gồm 24 trường hợp giám định khuyết tật, 3 trường hợp giám định về tai nạn lao động, 2 trường hợp giám định theo yêu cầu).
Về việc này, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm GĐYK Thanh Hóa, Phó chủ tịch thường trực (là người được ủy quyền chủ trì các phiên họp của Hội đồng GĐYK và ký các biên bản GĐYK) thừa nhận cá nhân đã tự chỉnh sửa, làm thay đổi nội dung khám và kết quả giám định trong các biên bản của 29 trường hợp.
Cụ thể, ông Tài chỉnh sửa, thay đổi kết luận giám định mức độ khuyết tật từ nhẹ thành nặng hoặc từ nặng thành đặc biệt nặng. Đối với các trường hợp giám định có kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể thì chỉnh sửa nâng tỷ lệ tổn thương cơ thể cao hơn so với kết quả đang lưu trong hồ sơ giám định của đơn vị.
Giải trình với cơ quan chuyên môn Sở Y tế Thanh Hóa, ông Tài cho rằng mục đích chỉnh sửa nhằm giúp các trường hợp giám định được hưởng lợi các chế độ của nhà nước quy định đối với người khuyết tật, người bị tai nạn lao động và quyền lợi của người tham gia hợp đồng với các Công ty kinh doanh bảo hiểm.
Số tiền các trường hợp được chỉnh sửa kết quả đã hưởng lợi tính đến thời điểm thanh tra ngày 30/9/2024 ước tính khoảng 459 triệu đồng.
Không chỉ sai phạm trong giám định y khoa, Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa còn khám bệnh “chui”.
Kết quả kiểm tra của Sở Y tế cho thấy, ngày 21/4/2023, phòng khám đa khoa (PKĐK) của Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa mới được công bố là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe nhưng năm 2022, đơn vị đã tổ chức cung cấp dịch vụ khám sức khỏe cho Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa.
Năm 2022 và 2023, đơn vị có 2 lần ký hợp đồng khám sức khỏe với Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa. Để thực hiện hợp đồng này, đơn vị phải thuê nhân lực và thuê làm các loại xét nghiệm, chụp X – Quang.
Kiểm tra hồ sơ công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe của Trung tâm và thực tế cho thấy đơn vị chưa bố trí đủ các phòng khám lâm sàng và cận lâm sàng theo quy định (thiếu chuyên khoa Ngoại, Sản, Da liễu, Mắt, phòng chụp X-Quang…) để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe.
Trước sự việc này, Sở Y tế đã ra thông báo thu hồi khỏi danh sách cập nhật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với PKĐK thuộc Trung tâm Giám định Y khoa.
Đối với vi phạm qua công tác kiểm tra, thanh tra, Sở y tế Thanh Hóa sẽ có phương án thu hồi các biên bản giám định đã gửi cho 29 trường hợp đang được hưởng chế độ, quyền lợi; có văn bản thông báo kết quả cho UBND các huyện: Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Hà Trung, Hậu Lộc, Thành phố Thanh Hóa, cơ quan BHXH tỉnh, Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Công ty TNHH Manulife Việt Nam biết để thực hiện việc thu hồi 29 biên bản GĐYK và buộc nộp lại số tiền lợi bất hợp pháp có được từ việc thay đổi kết quả giám định y khoa.
Hiện nay, đơn vị chuyên môn của Sở y tế đã chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm của ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Thanh Hóa sang Công an tỉnh Thanh Hóa để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm.
Được biết, mỗi năm Trung tâm GĐYK Thanh Hóa tiếp nhận và thực hiện GĐYK cho hàng ngàn trường hợp để xác định tỷ lệ khuyết tật, tổn thương cơ thể làm căn cứ hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước và hưởng hỗ trợ từ các đơn vị bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, năm 2022, Trung tâm GĐYK Thanh Hóa tiếp nhận 1.730 hồ sơ, năm 2023 tiếp nhận 2.228 hồ sơ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-cong-an-vu-giam-doc-tu-y-sua-ket-qua-giam-dinh-y-khoa-192241030151635896.htm