Xét về tiềm năng du lịch, Gia Lai có đầy đủ tiềm năng về sinh thái, văn hóa và di tích. Hệ sinh thái du lịch Gia Lai khá nguyên vẹn để khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá, dã ngoại, đó là những ngọn thác hùng vĩ, hồ nước ngọt đẹp, rừng, núi lửa…
Theo đó hiện nay Gia Lai tập trung phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai, tiêu biểu là 02 dân tộc Bahnar và Jrai; kết hợp khai thác môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng dân cư cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; hình thành các mô hình du lịch cộng đồng đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch; hình thành được chuỗi giá trị của một sản phẩm du lịch, kết nối hàng hóa vùng nông thôn, làng nghề truyền thống, dịch vụ, liên kết điểm, tuyến du lịch đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó phát huy vai trò cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các hợp tác nông nghiệp
Gia lai đã đề ra các chương trình nội dung cụ thể để phát triển du lịch như tập trung nguồn lực về văn hóa-xã hội vật thể và phi vật thể, văn hóa truyền thống, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, biểu diễn âm nhạc, điệu múa truyền thống…; không gian, kiến trúc truyền thống, thiết chế văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực, đặc sản địa phương…
Về cảnh quan đẹp, núi, sông, suối, thác nước, đồng ruộng, nương rẫy, rừng nguyên sinh…Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững; xác định vùng nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương để hình thành mô hình hiệu quả.
Hoàn thành xây dựng các hạng mục và vận hành “Mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang” đến hết năm 2025; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho “Mô hình du lịch nông thôn Làng STơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang” đến năm 2025 và những năm tiếp theo; khuyến khích các địa phương nghiên cứu các tiêu chí phù hợp để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đối với làng dân tộc thiểu số người Jrai trong những năm tiếp theo giai đoạn 2025-2030. Nâng cấp, xây dựng nhà Rông, xây dựng bãi đỗ xe, nhà trưng bày, hỗ trợ nâng cấp nhà ở thành homestay, nhà vệ sinh đạt chuẩn phù hợp với địa phương; trang bị thùng rác công cộng; xử lý rác. Trang bị nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn, sưu tầm, phục chế, phục dựng hiện vật. Hỗ trợ phục dựng cảnh quan, làm giàu tài nguyên, đường đi nội bộ, điện chiếu sáng, sơ đồ tour tuyến, biển hiệu các hộ gia đình có dịch vụ phục vụ khách du lịch. Thiết kế, lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch. Xây dựng trang thông tin điện tử (website), máy tinh vận hành, thiết bị mạng internet…
Quảng bá, truyền thông nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho mô hình: Tổ chức đoàn khảo sát cho báo chi, doanh nghiệp; tổ chức chương trình tọa đàm, hội thảo nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch; xây dựng phim du lịch, ấn phẩm quảng bá, xây dựng chương trình truyền thông; tổ chức đào tạo bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cộng đồng; công bố sản phẩm du lịch cộng đồng làng Mơ Hra, giới thiệu để nhân rộng mô hình.
Với mô hình du lịch nông thôn Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang trong đó phục dựng các ngành nghề truyền thống như: Tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực; phục dựng các lễ hội văn hóa của người dân tộc Bahnar (lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới… đào tạo nghệ nhân, đào tạo kỹ năng lễ tân, tiếp đón khách, hướng dẫn viên du lịch…; xây dựng và phát triển hạ tầng dịch vụ điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản địa phương, ăn uống, giải khát, vệ sinh… tái hiện nhà sàn, xây dựng các nhà nghỉ phục vụ cho du lịch homestay, nhà phục vụ ẩm thực, nhà phục dựng nghề truyền thống; quảng bá hình ảnh, thương hiệu xây dựng cơ sở dữ liệu, hình ảnh quảng bá thương hiệu làng du lịch; tái hiện lại hình ảnh Anh Hùng Núp cùng dân làng kháng chiến chống giặc cứu nước xây dựng tư liệu hình ảnh và phim ngắn để công chiếu cho khách du lịch tham quan, hỗ trợ phát triển mô hình vườn, rẫy kiểu mẫu của người đồng bào Bahnar vườn cây ăn quả, cơ sở chế biến, phát triển sản phẩm đặc trưng để tham gia đánh giá, chứng nhận sản phẩm OCOP, làm nơi tham quan, trải nghiệm cho du khách.
Cùng với việc bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động kinh doanh du lịch cộng đồng, triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng trong đó lập bản đồ số các sản phẩm du lịch cộng đồng, hỗ trợ kết nối sản phẩm nông nghiệp, nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch cộng đồng, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch an toàn, thuận tiện và thân thiện.
Thu Hằng