Công nghệ hạt nhân được sử dụng để ứng phó với nhiều vấn đề quan trọng của sự phát triển toàn cầu trong các lĩnh vực y tế, sinh học, nông nghiệp và khoa học. Đặc biệt trong y tế, công nghệ mới giúp đảm bảo chẩn đoán chính xác hơn và tiết kiệm chi phí điều trị (tránh những liệu pháp không phù hợp).
Sản xuất dược phóng xạ tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh minh hoạ: Internet.
Các ngành chính của y học hạt nhân về chẩn đoán là chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), chẩn đoán phóng xạ, các phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng và cộng hưởng từ phổ biến khác, cho phép phân biệt giữa khối u ác tính và lành tính và để phát hiện các bệnh ở giai đoạn sớm để điều trị kịp thời.
Nhận thức được tầm quan trọng của y học hạt nhân, nước ta hiện đang tích cực phát triển các công nghệ hạt nhân phục vụ cho y tế. Theo ông Nguyễn Hào Quang, phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam VINATOM, công nghệ hạt nhân hiện đang được ứng dụng rộng rãi tại nước ta và góp phần vào những thành tựu đáng kể trong y tế và nông nghiệp. Một số bệnh viện tại nước ta đã được cung cấp thiết bị bức xạ ion hoá cho thủ tục khám và điều trị.”
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của công nghệ hạt nhân tại nước ta là Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNEST). Biên bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai xây dựng dự án đã được ký kết giữa ROSATOM và Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam vào ngày 29 tháng 6 năm 2017. “Đồng vị phóng xạ sản xuất tại CNEST sẽ được sử dụng cho mục đích chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư, bệnh nội tiết, tim mạch; nhìn chung, y học hạt nhân công nghệ cao sẽ đến gần hơn với người dân cả nước”, ông Evgeny Pakermanov, Chủ tịch Rusatom Overseas cho biết.
Về kinh nghiệm của nước ta trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y tế, từ năm 2016, Viện Năng lượng Nguyên Tử nước ta (VINATOM), Cục An toàn Bức Xạ và Hạt nhân (VARANS) và Bộ Y tế đã cùng phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tham gia xây dựng dự án nhằm củng cố vai trò quản lý của Chính phủ trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình. PGS. TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết đã có sự phối hợp giữa bệnh viện và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA trong nhiều năm qua, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhân.
Máy gia tốc tuyến tính tại Viện 108. Ảnh minh hoạ: Internet.
Từ một khoa y học hạt nhân nhỏ thuộc bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Mai Trọng Khoa cùng các đồng nghiệp đã xây dựng và phát triển Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung Bướu. Hiện Trung tâm có hơn 200 giường bệnh và đang điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân. GS. TS. Mai Trọng Khoa cho biết: “Việc ứng dụng các kỹ thuật y học hạt nhân, công nghệ phóng xạ và dùng các dược chất xạ chiếu, hóa học xạ trị trong thời gian qua đã giúp Trung tâm chẩn đoán và điều trị các loại ung thư hiệu quả cao cho người bệnh”
Từ ngày 18 đến 20 tháng 10 năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức . Sự kiện này thu hút sự quan tâm của khoảng 150 đại biểu, bao gồm đại diện các bộ ngành, tổ chức và cơ quan liên quan, cùng với các nhà khoa học đến từ Nga, Belarus, và Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR).
Viện Hàn lâm, với vai trò là cơ quan sự nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu trực thuộc Chính phủ Việt Nam, đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực nguyên tử – hạt nhân mà còn mở rộng ứng dụng công nghệ này vào nhiều lĩnh vực khác như khoa học sự sống, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin và đặc biệt là trong y dược. Hiện nay, y học hạt nhân đã trở thành một phần quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh, đặc biệt là ung thư, nhờ vào sự chính xác, an toàn và hiệu quả cao của nó.
Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong y tế” tại Hà Nội, diễn ra mới đây, PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và đại diện toàn quyền của Việt Nam tại JINR, nhấn mạnh rằng Viện Hàn lâm đang chú trọng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong nhiều ngành khoa học, bao gồm vật liệu, sinh học và y tế. Ông bày tỏ hy vọng rằng sự tham gia của các nhà quản lý sẽ giúp xây dựng cơ chế định hướng cho sự phát triển công nghệ năng lượng nguyên tử và ứng dụng của nó trong các ngành kinh tế xã hội khác./.
Thu Hằng